Việc nhà là của chung, hạnh phúc là của chung

Chia sẻ

PNTĐ-Dự án “Tạp dề có đôi” với sự tham gia của 100 gia đình trẻ tại Hà Nội đã ra đời từ năm 2016 nhằm nâng cao nhận thức và khơi dậy trách nhiệm của người chồng, người vợ...

 
Một dự án xã hội mang tên “Tạp dề có đôi” với sự tham gia của 100 gia đình trẻ tại Hà Nội đã ra đời từ năm 2016 nhằm nâng cao nhận thức và khơi dậy trách nhiệm của người chồng, người vợ và các thành viên trong việc thực hiện các công việc gia đình, từ đó đóng góp vào quá trình phát triển bình đẳng giới trong gia đình tại Việt Nam.
 
Việc nhà là của chung, hạnh phúc là của chung - ảnh 1
Những hình ảnh chồng chia sẻ việc nhà với vợ được “Tạp dề có đôi” ghi lại

Vợ chồng chị Đoàn Thu Hà (30 tuổi, ở quận Thanh Xuân) kể rằng hai vợ chồng chị đều làm công chức nhà nước, đã có với nhau 2 mặt con. Dù cưới nhau đã gần 10 năm, công việc của chồng chị không tới nỗi bận rộn nhưng về tới nhà, cứ hễ vợ nhờ làm giúp việc gì thì anh lại than vãn, chê chị có mấy việc vặt cũng làm không xong, phiền sang cả chồng. Vậy là chị vừa làm vợ, vừa làm mẹ, lại vừa làm một người giúp việc.
 
“Có những hôm, làm xong hết việc nhà thì đã đêm rồi, nhìn thấy chồng nằm ngủ ngon lành mà tôi tủi thân ngồi khóc”. Tạp dề có Đôi đã giúp anh chị xích lại gần nhau hơn bằng việc bày cho chị Hà cách “kéo” chồng cùng làm việc nhà, chị sẽ chụp ảnh anh và khoe với bạn bè qua Facebook. Nhiều lần như vậy, chồng chị Hà trở nên có hứng thú hơn, yêu thích làm công việc nhà hơn dù còn vụng về. “Hôm 14/2 vừa qua, anh đã tự tay làm tặng tôi một chiếc bánh gato, dù bánh chưa ngon như ngoài hàng nhưng tôi cực kỳ hạnh phúc”.
 
Gia đình chị Đặng Thị Hồng Lê (28 tuổi, ở quận Đống Đa) lại mang đến một góc nhìn khác về sự bình đẳng trong gia đình. Chị Hồng Lê kể, cả hai vợ chồng cùng đi làm, về nhà cùng mệt, nhưng anh luôn cùng chị nấu cơm. Tuy nhiên, anh lại độc đoán, áp đặt suy nghĩ của mình lên chị, bắt chị phải nấu thế này, làm thế kia... Từ khi tham gia Tạp dề có Đôi, họ hài hòa hơn với nhau trong chuyện bếp núc. Những bữa cơm đã dần dịu dàng và trở nên ấm áp hơn hẳn.
 
Đây là 2 trong số 100 cặp vợ chồng trẻ tham gia dự án Tạp dề có đôi do một nhóm các bạn trẻ trong chương trình phát triển lãnh đạo thanh niên được khởi xướng bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững và một tổ chức phi chính phủ. Mục tiêu ban đầu của dự án là thay đổi tích cực thói quen chia sẻ công việc nhà mỗi ngày của 100 hộ gia đình tại Hà Nội trong vòng 3 tháng và tạo ra sự lan tỏa tới cộng đồng thông qua các sự kiện liên quan. "Tạp dề có đôi" mong muốn hình thành một nhận thức mới trong xã hội về trách nhiệm của mọi người trong việc thực hiện các công việc gia đình.
 
Đối tượng chính của dự án hướng tới là các cặp vợ chồng trẻ. Hoạt động thường xuyên trong dự án có tên “Thách thức việc nhà”, theo đó vào mỗi cuối tuần dự án sẽ chọn một cặp vợ chồng bất kì tham gia thực hiện thử thách, có thể là yêu cầu chuẩn bị bữa ăn với kinh phí 100.000 đồng hay giặt quần áo… để san sẻ công việc nhà với nhau. Cùng với đó, dự án sẽ phát cho mỗi gia đình một phiếu đánh giá vào thứ 2 và thu lại vào mỗi thứ 7 hàng tuần để tự các cặp đôi thấy được mức độ chia sẻ công việc nhà ra sao.
 
Bên cạnh đó, dự án cũng có những hoạt động bên lề như tổ chức hội thảo, tổ chức ngày hội gia đình… để không ngừng nâng cao nhận thức cho các cặp vợ chồng về việc chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái cùng nhau, từ đó xa hơn là nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội. 
 
Chị Trương Thị Ngọc Anh, trưởng dự án Tạp dề có đôi cho biết: “Dự án được bắt nguồn từ những điều nhỏ bé nhất, cũng giống như bình đẳng giới không phải là điều quá xa xôi, cứng nhắc mà xuất phát từ những căn bếp, từ những chiếc tạp dề, từ công việc nhà. Chúng tôi hi vọng sẽ là người bạn đồng hành của các gia đình, góp phần mang lại sự chung tay chăm sóc, giữ gìn tổ ấm giữa các thành viên trong gia đình. Những người đàn ông, cần thay đổi suy nghĩ của mình, gia đình là của chung, hạnh phúc là của chung nên không có lý do gì mà việc nhà lại dành riêng cho vợ. Nhưng người phụ nữ cũng cần bản lĩnh hơn, xem việc nhà là việc chung, là trách nhiệm của cả hai chứ đừng nghĩ đó là việc của mình và mình đang "nhờ" chồng "giúp", chồng không giúp thì chỉ biết buồn, tủi thân... rồi lại đâu về đấy, trở lại là "người phục vụ" của cả gia đình”.
 
Với ý nghĩa đó “Tạp Dề có đôi” đã và đang nỗ lực hết mình và thực sự hy vọng lan tỏa tinh thần này tới cộng đồng. Nhiều câu chuyện về sự thay đổi đã được ghi lại để cho nhiều gia đình trẻ biết đến và làm theo. Nếu các ông chồng muốn chia sẻ việc nhà với vợ, không nhất thiết cứ phải là đi chợ, nấu ăn mà có thể là những công việc “không tên” khác. Ví dụ như thay bóng đèn, sửa vòi nước, đóng lại ghế lung lay hay cũng biết giặt đồ bằng máy giặt thế nào cho đúng cách, biết phơi đồ, biết rửa chén, biết quét nhà, lau nhà tương đối sạch… Hay thay vợ đưa đón con, đi họp phụ huynh hay biết hướng dẫn con một số kỹ năng, biết lắng nghe tâm sự của con, biết làm bạn với con… Đó mới là sự chia sẻ toàn diện, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm êm. 
 
Mai Chi 

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.