Nghi vấn từ mô hình “Du lịch trại trẻ mồ côi”

Chia sẻ

PNTĐ-Trại trẻ mồ côi Jodie O’Shea ở Bali, Indonesia từ lâu đã bị cáo buộc đưa trẻ em có cha mẹ vẫn còn sống từ một hòn đảo hẻo lánh tới đây để giúp thu hút tiền quyên góp...

 
Trại trẻ mồ côi Jodie O’Shea ở Bali, Indonesia từ lâu đã bị cáo buộc đưa trẻ em có cha mẹ vẫn còn sống từ một hòn đảo hẻo lánh tới đây để giúp thu hút tiền quyên góp từ thiện của du khách phương Tây.
 
Nghi vấn từ mô hình “Du lịch trại trẻ mồ côi” - ảnh 1
Nhiều trẻ em tại trại trẻ mồ côi có bố mẹ còn sống

Trẻ còn bố mẹ cũng ở trại trẻ mồ côi
 
Trung tâm này được thành lập năm 2005. Sáng lập viên là Alison Chester, một người Anh. Trung tâm hiện có 94 trẻ em và đã trở thành một địa điểm chính cho du khách phương Tây giàu có muốn làm từ thiện.
 
Theo những người từng là nhân viên và tình nguyện viên tại trung tâm, có tới 5 nhóm du khách tới trung tâm mỗi ngày, mang theo nhiều tiền quyên góp, thực phẩm, quà và có thể là lời hứa bảo trợ lâu dài.
 
Tuy nhiên, thực tế là chỉ có một số trẻ em trong đó là trẻ mồ côi, trái với hình ảnh trại trẻ mồ côi mà trung tâm này mang đi tiếp thị khắp nơi suốt hơn chục năm qua. Bà Chester cũng xác nhận chỉ có 6 trẻ em tại trại là mất cả cha lẫn mẹ, 64 em có cha hoặc mẹ còn sống, 14 em còn cả cha mẹ và 10 em được xếp vào dạng “trường hợp đặc biệt”. 
 
Trong những tháng gần đây, một số quốc gia phương Tây đã siết chặt du lịch trại trẻ mồ côi. Quốc hội Australia đã gây áp lực ngăn chặn hình thức du lịch này, khiến trại trẻ mồ côi phải đổi tên thành Nhà Jodie O’Shea, chữ “trại mồ côi” đã bị gỡ bỏ khỏi một số phần trên trang web.
 
Theo kiến nghị chính thức gửi tổ chức Save the Children (Cứu trợ trẻ em), các cựu tình nguyện viên cho rằng trẻ em ở Jodie O’Shea bị đưa vào sống trong cơ sở từ thiện và có dấu hiệu đau buồn rõ ràng. Họ cho biết việc du khách thường xuyên ghé thăm khiến các em không còn quyền riêng tư và sự độc lập. 
 
Một tình nguyện viên tên Sarah cho biết họ rất yêu quý lũ trẻ, chứng kiến các em khóc hoặc giận giữ khi mình phải về nước là điều cực kỳ khó khăn. Cô nói: “Bạn lên máy bay về nhà mà không biết ai sẽ tới đó tiếp theo và các em sẽ được chăm sóc ra sao khi bạn không còn ở đó nữa”. Sarah cho biết cô đã có cảm giác đau buồn sau những gì trải qua ở Jodie O’Shea nhưng buộc lòng phải rời xa vì cô cảm thấy phúc lợi của trẻ em không phải là ưu tiên của trung tâm.
 
Các cựu tình nguyện viên cũng cáo buộc trung tâm hoạt động không giấy phép hợp lệ và hỗ trợ một du khách nhận nuôi trẻ. Các biện pháp bảo vệ trẻ em tại Jodie O’Shea hết sức lỏng lẻo và khiến trẻ gặp rủi ro. Họ cho biết du khách có thể dắt trẻ đi chơi xa trại trẻ mồ côi mà không có nhân viên trại trẻ đi cùng.
 
Theo ông Tata Sudrajat từ Save the Children, việc các trại trẻ mồ côi ở Indonesia nhận trẻ em nghèo còn bố mẹ là điều thường gặp. Ông nói: “Một số cơ sở có thể nói rằng trẻ em ở đó là mồ côi để họ thu hút thêm tiền quyên góp”.
 
Trong những năm gần đây, Jodie O’Shea đã thu hút ngày càng nhiều du khách tới thăm. Sarah kể: Trước đây, có quy định nghiêm ngặt về giờ khách tới thăm. Không vào cuối tuần, không vào tối muộn, phải đăng ký trước chứ không phải tự nhiên tới. Khi đó, trẻ ít nhất có vài ngày không phải tiếp khách. Giờ đây, du khách có thể bước vào phòng trẻ khi các em đang học, ngủ hoặc thay quần áo. Trại trẻ giống như sở thú hơn. Du khách có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn khi ở đó và có thể đi bất kỳ đâu. Họ có thể vào phòng tắm xem trẻ tắm hoặc đi vào phòng trẻ khi các em đang học bài.
 
 
Cần thay đổi
 
Phần lớn du khách quyên góp tiền hoặc đồ dùng, thường là thực phẩm hoặc đồ dùng trong nhà. Số khác đồng ý bảo trợ trẻ em tới 1.200 USD/năm. Với số tiền này, một tình nguyện viên tên John cho rằng trại Jodie O’Shea đang kiếm lời khổng lồ - điều mà bà Chester bác bỏ.
 
Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, với số tiền quyên góp trên, du khách có thể giúp các em đoàn tụ với gia đình và nâng cao điều kiện học hành ở những vùng nghèo khó. Nếu tiền từ thiện đến với làng, sẽ có ít trẻ em phải tới trại trẻ mồ côi hơn.
 
Bằng chứng mới nhất cho thấy ngay cả khi vận hành tốt, trại trẻ mồ côi cũng có hại với trẻ. So với sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng, sự chăm sóc ở cơ sở từ thiện có thể làm chậm quá trình phát triển của trẻ, gây ra chứng rối loạn gắn bó, các vấn đề hành vi, giảm trí thông minh và sức khỏe thể chất kém.
 
Ông Kate van Doore, chuyên gia về vấn đề buôn người tại đại học Griffith ở Queensland, cho rằng có quá nhiều bằng chứng về tác hại của trại trẻ mồ côi với trẻ em. Ông nói: “Trại trẻ mồ côi đơn giản không phải là chỗ của trẻ em về lâu dài. Các trại chỉ nên được sử dụng làm biện pháp tạm thời để trẻ em chờ được nhận sự chăm sóc của gia đình hoặc họ hàng hoặc ở tạm trong hoàn cảnh khó khăn”. 
 
Dương Thùy 
(theo Channel News Asia)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp các hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống Lula da Silva từ ngày 17-26/9