Nhà báo - nhà văn Mai thục: “Tan trong Ánh sáng vô thường bay lên ”

Chia sẻ

PNTĐ-Trong ngày tiễn chị đến “miền thương nhớ”, chợt trong tâm tưởng tôi vang vọng câu thơ “Tan trong Ánh sáng vô thường bay lên” chị viết ngày nào như một tiên cảm về sự “chuyển kiếp”...

 
Vẫn biết một ngày nào đó ai cũng phải giã từ thế gian để phiêu linh vào cõi giới khác nhưng trong lòng vẫn cảm thấy hẫng hụt, buồn thương, tiếc nuối khi Nhà báo - Nhà văn Mai Thục, nguyên Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô ra đi hơi sớm ở tuổi 69 (lúc 13 giờ 25 phút, ngày 24 tháng 6 năm 2018  tức ngày 11 tháng 5 năm Mậu Tuất tại tư gia).
 
Mới đó bên nhau, mới đó đã xa vời. Đời người chẳng khác giấc chiêm bao, mọi sự thay đổi trong từng khoảnh khắc. 
 
Ngày hè oi ngột 26/5/2018 đến thăm chị tại nhà riêng (36, phố Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) không ngờ lại là lần gặp cuối cùng. Mặc dù, lúc này chị đã xuống sức lắm rồi, vóc dáng đã hao mòn rất nhiều nhưng nụ cười vẫn còn lưu nét đằm thắm, đôi mắt thông minh luôn nhìn xoáy vào người đối thoại vẫn ánh lên “ngọn lửa” đam mê nghề nghiệp. Hơn tiếng đồng hồ trò chuyện, chị không hề than vãn hay đả động gì đến bệnh trạng của bản thân.
 
Tính cách Nhà báo - Nhà văn Mai Thục là vậy, luôn quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ vui buồn với mọi người gần xa nhưng lại âm thầm chịu đựng sự dày vò đau đớn của căn bệnh hiểm nghèo. Điều này làm tôi liên tưởng đến câu thơ của nhà thơ Blaga Đimitrôva - người Bungari: “Như con thú bị thương, ẩn mình trong hang kín, tự liếm những vết thương”.
 
Nhà báo - nhà văn Mai thục: “Tan trong Ánh sáng vô thường bay lên ” - ảnh 1
Nhà báo - Nhà văn Mai Thục đã để lại nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó có cuốn “Tinh hoa Hà Nội”

 
Nhà báo - Nhà văn Mai Thục (tên thật là Mai Thị Thục), nguyên quán: Yên Phúc, Ý Yên, Nam Định, sinh ngày 15 tháng 3 năm 1950 tại Chiến khu Đông Triều trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Chị theo học lớp y tá và làm việc tại Bệnh viện thị xã Uông bí (Quảng Ninh). Năm 18 tuổi chị được kết nạp Đảng. Sau đó, chị theo học khoa Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội và năm 1988 chị là phóng viên, biên tập viên, rồi Phó ban Văn xã, báo Hà Nội Mới. Chị bắt đầu sự nghiệp cầm bút từ đây.
 
Năm 1994 chị chuyển sang báo Phụ nữ Thủ đô (trực thuộc Thành hội Phụ nữ Hà Nội) với cương vị Phó Tổng biên tập. Năm 1995, chị được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô, cuối năm 2003 chị nghỉ hưu. Như một cơ duyên, tôi và chị Mai Thục có 10 năm làm việc bên nhau. Chúng tôi không chỉ gắn bó trong hoạt động báo chí, giữa một người là Tổng biên tập với một người là Thư ký tòa soạn mà còn có sự tri âm  trong văn chương nghệ thuật. 
 
Là người đấu tranh quyết liệt với cái ác, cái xấu nhưng lại mềm lòng hay khóc, hay giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, chị thường bảo: “Tôi rất cảm động trước những tấm chân tình của đồng bào Thủ đô và anh chị em trong tòa soạn Báo thường xuyên trích tiền lương của mình ra ủng hộ “Quỹ Vì Phụ nữ và trẻ em hoạn nạn” của Báo”. Hễ bệnh viện Bạch Mai, Việt – Đức báo tin có những trường hợp bệnh nhân bị bệnh khó khăn túng thiếu cần cứu khẩn cấp là Tổng biên tập Mai Thục lại cử cán bộ hoặc phóng viên mang tiền trích từ Quỹ đến bệnh viện hỗ trợ cho bệnh nhân. 
 
Đối với Tổng biên tập Mai Thục: đã là người cầm bút phải có Tâm có Tầm. Khi đưa một vụ việc, các vấn đề đời sống, xã hội lên báo chí trước hết phải điều - nghiên - cụ - tỷ cho kỹ càng và phải tính đến hiệu quả xã hội: cung cấp được những kiến thức cần thiết, nâng cao tri thức văn hóa cho độc giả, không chạy theo những thông tin lá cải, giật gân, câu khách tầm thường. “Thật hạnh phúc khi được làm việc ở một tờ báo dành cho chị em phụ nữ, cũng là dành cho chính mình”. Chị rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và các phong trào hoạt động của Hội và đề cao tính nhân văn, tinh hoa văn hóa dân tộc, nhân loại...
 
Trong cuộc đời hoạt động báo chí, văn chương, chị đã đi khắp các tỉnh thành nước Việt từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau và được đến thăm các nước: Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hà Lan, Thái Lan. Cuộc đời cầm bút của Mai Thục là hành trình tự khám phá chính mình, để từ đó, hiểu thân phận con người như chị hằng bộc bạch. Mai Thục còn là nhà văn được bạn đọc yêu mến, chị để lại cho đời nhiều tác phẩm xuất sắc: Điển tích Văn học, Tinh Hoa Hà Nội, Hà Nội sắc hương, Hương đất Hà Thành, Đi Tìm Tổ Tiên Việt, Lệ Chi viên, Chuyển kiếp, Đi tìm miền thương nhớ, Còn tình yêu ở lại, Vương miện lưu đày… Tiểu thuyết lịch sử Vương miện lưu đày đã được Ủy ban Toàn quốc - Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tặng giải Nhì năm 2004 và tập bút ký Tinh hoa Hà Nội được tái bản nhiều lần.
 
15 năm qua, từ khi nghỉ hưu chị vẫn tham gia sáng tác văn chương, báo chí ở các Hội nghề nghiệp: Hội nhà văn Hà Nội, Hội văn nghệ dân gian Hà Nội, Hội khuyến học Việt Nam, Tạp chí Năng lượng sạch VN, Quỹ Hợp tác và Phát triển... Chị còn tham gia giảng dạy môn Hà Nội học, Văn hóa Việt Nam tại trường đại học Thăng Long, Hà Nội.
 
Giờ đây, linh hồn Nhà báo - Nhà văn Mai Thục hẳn đã thanh thản an vui giữa mây ngàn, gió núi, hoa lá tinh khôi của công viên nghĩa trang Thiên Đức. Trong ngày tiễn chị đến “miền thương nhớ”, chợt trong tâm tưởng tôi vang vọng câu thơ “Tan trong Ánh sáng vô thường bay lên” chị viết ngày nào như một tiên cảm về sự “chuyển kiếp” con người khi đã hòa bản thể trinh trong toàn triệt vào vũ trụ bao la.
 
Trương Thị Kim Dung

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.