“Giằng co” phí nhập học trường ngoài công lập

Chia sẻ

PNTĐ-Đó là hiện tượng xảy ra tại một số trường THPT ngoài công lập (NCL) đang gây chú ý đặc biệt của dư luận trong mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay.

 
Phía nhà trường kiên quyết không trả lại tiền mà học sinh đã đóng nếu học sinh đó rút hồ sơ, còn nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) lại bức xúc cho rằng mình đã bị trường “cướp” tiền. Mặc dù Sở GD-ĐT Hà Nội đã phải vào cuộc phân xử, nhưng cuộc giằng co phí nhập học giữa nhà trường và PHHS vẫn chưa đi tới hồi kết.
 
Tiền trao đi cấm đòi lại?
 
Trên một diễn đàn, nhiều PHHS cho biết, vừa qua, vì sợ con trượt trường THPT công lập (do chưa biết điểm chuẩn), họ đã “gõ cửa” trường NCL. Còn một số trường NCL cũng tung ra nhiều yêu cầu buộc PHHS phải đáp ứng, trong đó có yêu cầu phải nộp một khoản tiền lớn và không được nhận lại nếu rút hồ sơ. Chẳng hạn, tại trường THCS-THPT Nguyễn Siêu, khoản tiền giữ chỗ đã lên tới 10 triệu đồng. Một PHHS nhẩm tính, trong một mùa tuyển sinh, chỉ cần 10 HS rút hồ sơ là trường đã ung dung đút túi 100 triệu đồng. 
 
Tương tự, theo nhiều PHHS, nếu muốn nhập học cho con vào trường THCS- THPT Lương Thế Vinh, ngoài nộp học bạ gốc của con, họ còn phải đóng hơn 6 triệu đồng. Khi họ có nhu cầu chuyển con sang học tại trường khác, trường Lương Thế Vinh chỉ đồng ý trả học bạ chứ không trả tiền. Quá bức xúc, nhiều PHHS đã ký đơn tập thể xin được hoàn lại tiền rồi gửi lại phòng bảo vệ vì nhà trường không tiếp PHHS nhưng vẫn không được giải quyết. Theo một PHHS, trong 6 triệu đồng trường thu có cả các cả khoản học phí 1 tháng, xây dựng trường, đồng phục, tiền vở… Con em họ chưa học tại trường ngày nào mà vẫn phải nộp các khoản trên là vô lý. 
 
“Giằng co” phí nhập học trường ngoài công lập - ảnh 1
Trường Lương Thế Vinh - nơi nhiều PHHS muốn rút lại phí nhập trường mà không được 

 
Trước tình hình đó, ngày 1/7, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các trường THPT trên địa bàn Thành phố không được làm khó HS rút hồ sơ nhập học lớp 10. Ngày 3/7, Sở GD-ĐT Hà Nội có thêm văn bản số 2784/SGDĐT-QLT yêu cầu trường THCS-THPT Lương Thế Vinh không được gây khó khăn cho các PHHS muốn rút hồ sơ và phải hoàn trả toàn bộ phí đã thu của PHHS. 
 
Bất chấp yêu cầu của Sở GD-ĐT, trường Lương Thế Vinh vẫn không trả lại tiền đã thu của PHHS. Trả lời báo chí, bà Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cho rằng, việc tuyển sinh của nhà trường diễn ra rất minh bạch. Ngay từ đầu, nhà trường đã thông báo công khai “Các vị phụ huynh cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ vào trường. Trong trường hợp bắt buộc phải rút hồ sơ, phần kinh phí nhập học sẽ chuyển vào Quỹ Khuyến học của nhà trường”. Đây là sự thỏa thuận từ đầu của trường với PHHS. Khi nhận những HS này, trường đã phải từ chối các HS khác và cũng mất đi cơ hội tuyển được những HS đã tìm hiểu kỹ và sẵn sàng đồng hành cùng nhà trường lâu dài. Vì thế, PHHS khi không học tại trường nữa phải chấp nhận thực hiện nghĩa vụ về tài chính đã được thỏa thuận với trường. 
 
 
“Tịch thu phí giữ chỗ” nhìn từ góc độ pháp lý
 
Luật sư Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc công ty Luật Trung Nguyễn bình luận về sự việc tại trường Lương Thế Vinh rằng, thông báo tuyển sinh của trường THPT Lương Thế Vinh phát hành công khai thì khi nộp hồ sơ tuyển sinh các PHHS có nghĩa vụ đọc hiểu đầy đủ nội dung trong thông báo. Dưới góc độ pháp lý việc PHHS nộp hồ sơ và đóng các khoản thu theo thông báo là sự nhất trí, thỏa thuận giữa PHHS với nhà trường.
 
Theo LS Trung, phần lớn nội dung văn bản văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 của Sở GD-ĐT đảm bảo việc thể hiện công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Tuy nhiên, riêng mục 3 của văn bản yêu cầu nhà trường “... hoàn trả toàn bộ các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ” sẽ gây ra sự “hỗn loạn” giữa một bộ phận PHHS với một số cơ sở công lập. Ngoài ra, căn cứ Luật Giáo dục có thể thấy rằng, việc trường THPT Lương Thế Vinh cũng như các trường THPT khác có thu của học sinh hoặc PHHS các khoản thu là không trái với quy định của pháp luật.
 
Tuy nhiên, theo LS Trung, trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng”, nhiều PHHS lo lắng việc con của mình không đủ điểm để trúng tuyển vào những trường công lập như nguyện vọng nên lựa chọn các cơ sở NCL như là giải pháp tối ưu. Ngoài ra không loại trừ nhiều bậc PHHS đã nhắm mắt làm ngơ hoặc đánh liều với lựa chọn của mình không xem xét kỹ lưu ý trong thông báo để “tranh nhau” nộp hồ sơ cũng như các khoản thu nhà trường đã đề ra.
 
Vì thế, LS Trung khuyến nghị, để đảm bảo công tác quản lý nhà trường ổn định cũng như không gây những căng thẳng không đáng có trong môi trường giáo dục, PHHS cần cân nhắc kỹ trước khi chính thức nộp hồ sơ, nộp các khoản tiền mà nhà trường yêu cầu để tránh hiện tượng “lật kèo” sau này. Về phía nhà trường chỉ nên giữ khoản thu thực tế, cần thiết trong công tác tuyển sinh là lệ phí tuyển sinh, còn các khoản khác mà thực tế nhà trường chưa sử dụng, chưa chi dùng hoặc thực tế HS chưa được thụ hưởng thì nên hoàn trả. 
 
Nhưng chưa thuyết phục về tình
 
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhà giáo, trong đó có ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường phổ thông quốc tế Well Spring, lại không đồng tình khi nhà trường giữ phí nhập học của PHHS. Ông Đại cho rằng, dẫu về lý, nhà trường có thể không sai nhưng trường học là cơ sở giáo dục vì thế không nên mang vào đó các yếu tố “thương mại”.
 
“Theo tôi, các nhà trường phải đặt quyền lợi của HS trước tiên thay vì chỉ nghĩ cho mình. Khi HS tìm được cơ hội giáo dục khác tốt hơn, nhà trường phải mừng, tạo điều kiện để các em được rút hồ sơ và trả lại tiền. Khẩu hiệu của ngành giáo dục là “tất cả vì học sinh thân yêu” và “xây dựng trường học thân thiện”, vậy nhà trường “phạt tiền” HS thì có còn trở nên thân thiện và coi học sinh là thân yêu nữa không?”. Ngoài ra, theo ông Đại, việc HS rút hồ sơ không gây tổn hại cho trường nhiều vì thời hạn tuyển sinh vẫn còn, trường NCL vẫn có thể tuyển được HS khác thay thế. 
 
Trong khi đó, một hiệu trưởng khác cho biết, ở đây, dù gọi là thỏa thuận nhưng thực tế chỉ là từ một phía. “Khi lo con em thất học thì trường có đưa ra yêu cầu nào, PHHS cũng phải chấp nhận”. Vì thế, vị hiệu trưởng này nhìn nhận việc một số trường NCL tịch thu tiền khi HS ở thế bí là chưa hợp về tình. “Trường học là nơi giáo dục học sinh về lòng nhân văn, cách ứng xử văn minh. Nếu trường “phạt tiền” HS chỉ vì các em không có nguyện vọng học tại trường thì các em sẽ nghĩ gì về thầy cô và các bài giảng đạo đức trong nhà trường?”.
 
Giữa lúc cuộc “giằng co” tiền nhập học đang diễn ra, vừa qua, trường Marie Curie lại gây chú ý khi đưa ra thông báo ghi rõ: “Sau khi nhập học lớp 10 cho con, nếu có cơ hội khác phù hợp hơn, quý vị CMHS có thể rút toàn bộ hồ sơ HS và các khoản kinh phí đã nộp”. Dư luận cho rằng, đây mới là cách hành xử văn minh, cho thấy “đẳng cấp” của một ngôi trường.
 
Trần Ngọc Hương

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.