Chủ động phòng cúm A/H1N1

Chia sẻ

PNTĐ-Tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A/H5N1, A/H7N9 nhưng cúm A/H1N1 có thể gây ra bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí suy đa tạng và tử vong.

 
Tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A/H5N1, A/H7N9 nhưng với đối tượng nguy cơ cao như: phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người có bệnh mãn tính, cúm A/H1N1 có thể gây ra bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí suy đa tạng và tử vong.
 
Chủ động phòng cúm A/H1N1 - ảnh 1
Người dân nên chủ động phòng ngừa nhiễm cúm A/H1N1. Ảnh: YTDP

 
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), 1/2 trong số gần 1.600 ca bệnh mắc cúm mỗi năm ở nước ta là do virus cúm A/H1N1, nhiều trường hợp biến chứng nguy hiểm. Trong vòng 2 tháng qua, khu vực Tây Nam Bộ đã có 6 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1. Gần đây nhất là trường hợp một nữ bệnh nhân (trú tại Vĩnh Long), tử vong ngày 5/7, sau một chuyến du lịch tới khu vực có dịch bệnh.
 
Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó phòng kiểm soát dịch bệnh, Cục Y tế Dự phòng cho biết: Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao và phát tán nhanh trong cộng đồng, lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể nhiễm virus cúm A/H1N1 do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm virus sau đó đưa tay lên mũi, miệng, dụi mắt; hoặc dùng chung đồ với người bệnh nhiễm virus. Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền virus cho người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 7 ngày sau khi khởi bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, khu vui chơi… 
 
Virus cúm A/H1N1 có thể sống từ 24 - 48 giờ trên các bề mặt như: bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang; tồn tại trong quần áo từ 8 - 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Loại virus này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước: sống được 4 ngày ở 220C, 30 ngày ở nhiệt độ 00C. Do đó, hồ bơi trong khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường cho virus phát triển.
 
Theo dự báo, thời tiết mùa hè năm 2018 tiếp tục diễn biến bất thường, nóng ẩm, mưa nhiều, thuận lợi cho các dịch bệnh như cúm A/H1N1 bùng phát. Đây còn là thời gian gia tăng hoạt động đi lại, du lịch. Sự di chuyển dân cư, giao lưu giữa các vùng, miền khiến nguồn truyền bệnh có nguy cơ lan rộng, khó kiểm soát. Hiện tại, Hà Nội chưa phát thành dịch nhưng hàng ngày vẫn có những ca mắc cúm, trong đó có cúm A/H1N1 đến khám và điều trị tại khoa Nhi, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Nhi Trung ương… Bởi vậy, người dân cần lưu ý trong theo dõi và chăm sóc sức khỏe. Các trường hợp: trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch, hen suyễn, tiểu đường cần lưu ý đặc biệt bởi nguy cơ cao xảy ra biến chứng nếu mắc bệnh. Trong đó, tiêm phòng là phương pháp ngừa bệnh tốt nhất.
 
Trước tình trạng dịch cúm A/H1N1 đang phát tán tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây, Sở Y tế Hà Nội cũng đã yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, các quận, huyện triển khai biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh, tăng cường tuyên truyền để người dân tiêm chủng vắc-xin phòng cúm. 
 
Giống như các chủng cúm mùa khác, người bệnh nhiễm cúm A/H1N1 cũng có các triệu chứng thông thường: sốt trên 380C, ớn lạnh, ho khan, sổ mũi, đau họng, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi và suy nhược, tiêu chảy, ói mửa… Nhưng khác với cúm mùa thông thường, cúm A/H1N1 chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp và có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. Tuy nhiên, cúm A/H1N1 chỉ có thể chẩn đoán chính xác bằng cách xét nghiệm dịch mũi họng.
 
Vì thế, để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Người dân cần ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc, lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường; người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh; không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc, tiêm chủng ngừa cúm đúng lịch, đủ mũi...
 
Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.