Bài 4: Dấu ấn cải cách hành chính

Chia sẻ

PNTĐ-Với cách làm bài bản, đồng bộ, Hà Nội đã có nhiều bứt phá trong cải cách và hiện đại hóa nền hành chính (HC), hướng đến sự hài lòng, thuận tiện cho người dân...

 
Với cách làm bài bản, đồng bộ, Hà Nội đã có nhiều bứt phá trong cải cách và hiện đại hóa nền hành chính (HC), hướng đến sự hài lòng, thuận tiện cho người dân và nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức.  
 
Bài 4: Dấu ấn cải cách hành chính - ảnh 1
Hà Nội đã tạo được nhiều dấu ấn trong cải cách hành chính

 
Thu gọn đầu mối, giảm phiền hà  
 
Tại bộ phận một cửa của UBND xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, tất cả các giao dịch về hồ sơ HC cũng như hệ thống văn bản được cán bộ, công chức nhập dữ liệu vào máy tính qua phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử. Từng gắn bó với công việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ HC trong suốt hơn 10 năm qua, chị Đào Thị Thịnh, công chức tư pháp hộ tịch của bộ phận một cửa của xã Yên Bình cho biết: Trước đây người dân phải tự khai hồ sơ, giấy tờ nhưng hiện nay, công việc này đã được cán bộ tại bộ phận một cửa thực hiện, người dân chỉ cần xác nhận thông tin và chờ nhận kết quả.
 
Tại UBND xã Yên Bình, 95% hồ sơ được giải quyết trước hạn nên người dân không mất thời gian, công sức đi lại, chờ đợi lâu ngày mà có thể nhận kết quả giải quyết thủ tục hồ sơ HC trong vài tiếng đồng hồ. Đặc biệt, với việc đẩy mạnh liên thông TTHC giữa các huyện – xã thì khi thực hiện một số TTHC liên quan đến đất đai, thay vì phải đi lại từ phòng ban này đến phòng ban khác, người dân chỉ cần đưa ra yêu cầu, bộ phận một cửa sẽ thực hiện chuyển hồ sơ, các phòng ban chuyên môn thực hiện và trả kết quả giải quyết hồ sơ cho người dân. 
 
Không chỉ tại Yên Bình, theo ông Nguyễn Minh Hồng – Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Thất, hiện nay 100% TTHC cấp huyện và 21 xã của huyện được tiếp nhận và trả hồ sơ giải quyết TTHC qua bộ phận một cửa; trong đó có nhiều TTHC được thực hiện ở mức độ 3, cho phép người dân có thể gửi hồ sơ qua mạng vào bất cứ thời gian và ở bất cứ đâu. Công chức làm việc tại bộ phận một cửa có trình độ  nên trong 10 năm qua, huyện chưa nhận được bất cứ đơn thư phản ánh nào của người dân liên quan đến việc các cơ quan chính quyền chậm trễ giải quyết hồ sơ, TTHC. 
 
Hiện nay, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn của TP đều tổ chức bộ phận một cửa để giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân. Quy trình giải quyết TTHC được niêm yết công khai để tổ chức, công dân thuận tiện tìm hiểu, tra cứu. Ngoài khối chính quyền, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai thành công mô hình cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã… Cùng với đó, Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách HC, đưa tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức có nhu cầu sử dụng trong các sở, ngành, quận, huyện, thị, xã, phường, thị trấn đạt 100%; tỷ lệ giao dịch trực tuyến đạt 90%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn luôn đạt ở mức cao (năm 2017 đạt 97,33%).
 
Xóa bỏ những khoảng cách khác biệt
 
Những năm đầu thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII, trong bộn bề công việc cần làm sau sáp nhập có công tác cải cách và hiện đại hóa nền HC. Đây vốn là công việc khó vì liên quan đến con người và hạ tầng kỹ thuật với sự đầu tư lớn và đồng bộ. Không phải không có lo lắng khi mà cơ sở hạ tầng, trang thiết bị làm việc tại các cấp chính quyền của nhiều huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) vừa thiếu vừa yếu; trình độ cán bộ, công chức cấp xã không đồng đều; việc ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin còn hạn chế…
 
Tuy nhiên, sự cầu thị học hỏi và nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn lại rất cao. Ông Đỗ Doãn Hoàn – Bí thư huyện ủy Thạch Thất nhớ lại thời điểm 10 năm trước, khi đó Thạch Thất là huyện nghèo, lại sáp nhập thêm 3 xã miền núi khó khăn của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình nhưng lãnh đạo huyện vẫn rất quan tâm đến CCHC. Chỉ vài tháng sau sáp nhập, khi công tác tổ chức bắt đầu ổn định, huyện cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức đoàn công tác sang Long Biên – quận dẫn đầu Hà Nội về CCHC để học tập kinh nghiệm và áp dụng triển khai. Đến nay, Thạch Thất đã vươn lên vị trí cao trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC của thành phố. 
 
Trong những năm qua, cùng với khối quận nội thành, nhiều huyện như Quốc Oai, Thanh Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ… đã tạo nhiều dấu ấn trong CCHC, góp phần đưa Hà Nội vươn lên nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số CCHC, năm 2017 đứng thứ 2/63 tỉnh, thành. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, Nguyễn Đức Phương khẳng định: CCHC là công việc được huyện đặc biệt quan tâm và coi trọng, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng đồng bộ và lựa chọn những công chức có trình độ, có kỹ năng giao tiếp, ứng xử để làm việc tại bộ phận một cửa các cấp. Đó chính là nền tảng quan trọng để TP tiến tới thực hiện chính quyền điện tử, phục vụ người dân, doanh nghiệp thuận lợi, nhanh chóng và hiện đại.
 
 
Hạnh Lê

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.