Kết quả thi phản ánh nhiều bất cập

Chia sẻ

PNTĐ-Đúng như dự đoán, theo phổ điểm thi THPT quốc gia vừa được Bộ GD-ĐT công bố, điểm thi của các thí sinh trên cả nước năm nay thấp kỷ lục.

 
 
Đúng như dự đoán, theo phổ điểm thi THPT quốc gia vừa được Bộ GD-ĐT công bố, điểm thi của các thí sinh trên cả nước năm nay thấp kỷ lục. Nhiều môn thi có 50% thí sinh đạt điểm dưới trung bình, đặc biệt thấp ở môn Lịch sử, Ngoại ngữ. Trong tổng số 917.494 bài thi, chỉ có 25,15% bài thi đạt từ 6-10 điểm. 
 
Kết quả thi phản ánh nhiều bất cập - ảnh 1
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã phải đón nhận “cơn mưa” điểm thấp 

 
Nhiều điểm thấp, khan hiếm điểm giỏi
 
Cụ thể, ở môn Toán, điểm thi trung bình của thí sinh cả nước là 4,86, thấp hơn năm 2017 và 2016 (5,19 và 5,02). Toàn quốc chỉ có 2 thí sinh đạt điểm 10.
 
Môn Ngữ văn không có điểm 10. Mức điểm trung bình của thí sinh là 5,45; có hơn 30% thí sinh đạt điểm dưới trung bình; 783 em bị điểm liệt. 
 
Hai môn có nhiều điểm thi thấp nhất khiến dư luận lo ngại là Lịch sử và tiếng Anh. Môn tiếng Anh có trên 78% thí sinh có bài thi dưới điểm trung bình; trong đó 2.189 bài thi rơi vào điểm liệt, 732 bài thi bị điểm 0. Đa phần các em đạt mức 3 điểm; Môn Lịch sử có 83,24% thí sinh bị điểm dưới trung bình; 1.277 thí sinh bị điểm liệt, trong đó có 527 thí sinh bị điểm 0. 
 
Với Hà Nội, theo báo của Sở GD-ĐT Hà Nội, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, địa phương này có hơn 67.000 thí sinh lớp 12 THPT và hơn 6.800 thí sinh lớp 12 GDTX dự thi. Kết quả cho thấy, Hà Nội tuy là địa phương có số điểm 10 cao nhất cả nước, nhưng cũng khá ít ỏi. Toàn thành phố chỉ có 51 em đạt 10 điểm ở môn Vật lý (1 em), Hóa học (1 em), Sinh học (1 em), Địa lý (4 em), GDCD (11 em) và Ngoại ngữ (33 em).
 
Kết quả thi thấp kỷ lục nêu trên đã khiến nhiều chuyên gia giáo dục, nhà giáo… phải lo ngại. Theo ông Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, kết quả thi THPT quốc gia môn Lịch sử ở một số địa phương thật sự rất đáng buồn nhưng không gây cho ông bất ngờ. Lý giải điều này, ông Hiếu cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có học thực dụng, thi thực dụng, thay vì trước đây học môn gì thi môn đó thì nay trở thành thi môn gì học môn đó. Ngoài ra, hình thức thi trắc nghiệm trong môn thi Lịch sử khiến các em nhác học hơn so với cách thi tự luận trước đây, khi làm bài thi chủ yếu là đoán mò.
 
TS Lê Thống Nhất (chuyên gia về Toán học) cũng cho rằng, ngay cả những thí sinh hiếm hoi đạt điểm khá, giỏi ở môn Toán nhưng chưa hẳn đã là kiến thức của các em mà là do may mắn, chọn bừa đáp án trong lúc làm bài thi trắc nghiệm.
 
“Kẽ hở quy định” giúp tỷ lệ tốt nghiệp tăng cao 
 
Mặc dù điểm thi của thí sinh thấp nhưng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc vẫn cao, đạt 97,57%; trong đó GD THPT đạt 98,36%; GDTX đạt 88,37%; Với Hà Nội, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,38%. Trong đó có 72 đơn vị có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100% (gồm 32 trường THPT công lập, 38 trường  THPT NCL và 2 trung tâm GDNN-GDTX).
 
Bình luận về điều này, theo Thạc sĩ Đào Tuấn Đạt, giảng viên ĐH Bách Khoa, đồng thời là Hiệu trưởng THPT Anxtanh, tỷ lệ tốt nghiệp cao không có nhiều ý nghĩa. Bởi theo quy định, điểm các bài thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh được từ 5 điểm trở lên sẽ được công nhận tốt nghiệp. Điểm trung bình lớp 12 được đưa vào công thức tính điểm xét tốt nghiệp với trọng số 50% (chưa tính điểm khuyến khích). Như vậy, nếu điểm tổng kết năm học các em được 8,0 thì đi thi chỉ cần đạt 2 điểm (kiến thức dưới cả ngưỡng trung bình) là các em đã đủ điều kiện đỗ tốt nghiệp. 
 
Như vậy, chính quy định cho phép dùng điểm học bạ “cõng” điểm thi nên dù điểm thi của thí sinh thấp thì tỷ lệ tốt nghiệp vẫn luôn cao. Chẳng hạn, ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là trên 97%; thí sinh chỉ cần đạt điểm trung bình của 4 bài thi THPT quốc gia 2017 ở mức khoảng 3 điểm là được tốt nghiệp THPT (không có môn thi nào bị điểm liệt). Trong khi đó, nếu bỏ yếu tố điểm năm lớp 12 của thí sinh mà chỉ tính điểm bài thi các môn thì tỷ lệ đỗ của cả nước sẽ giảm chỉ còn khoảng trên 50%.
 
Đồng quan điểm với Thạc sĩ Đạt, nhiều ý kiến cũng băn khăn, về tính chính xác trong đánh giá năng lực HS tại các trường phổ thông khi mà hàng năm, các học sinh vẫn được lên lớp đều đặn nhưng khi đi thi, nhiều em lại chỉ nhận về điểm 0 - nghĩa là không nắm được một chút kiến thức nào, dù là cơ bản nhất.
 
Phải thay đổi sự bất cập
 
Theo ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ GD ĐH, với một kỳ thi nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT, TS lẽ ra phải đạt được từ điểm 5 trở lên (mức chuẩn tối thiểu mà người học phải đạt được) mới được tốt nghiệp. Vì thế, Bộ GD-ĐT cần thay đổi quy định về điều kiện được đỗ tốt nghiệp hiện nay. Trong hoàn cảnh bệnh thành tích đang tràn lan hiện nay, điểm thi THPT quốc gia phải chiếm trọng số 90%, còn kết quả học bạ của HS chỉ mang tính tham khảo. “Với quy định hiện nay, trường THPT sẽ sẵn lòng nới điểm tổng kết để giúp HS có học bạ đẹp. Một phần vì các thầy cô thương HS, nhưng một phần, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp cao cũng là thành tích của nhà trường”.
 
Ngoài ra, theo ông Khuyến, Bộ GD-ĐT cũng cần thay đổi lại cách xây dựng đề thi hiện nay. Với một kỳ thi như THPT quốc gia, 50% phải là những câu hỏi cơ bản, bám sát chuẩn đầu ra các môn học ở bậc THPT. 50% còn lại phục vụ việc xét tuyển vào ĐH, CĐ nên độ khó phải tăng dần. Sau khi xây dựng đề xong cần có thực nghiệm trên diện rộng học sinh để đo khối lượng nội dung đề thi có hợp với trình độ, thời gian thi của học sinh hay không? “Độ khó, dễ của đề thi phải căn cứ trên chuẩn đầu ra chứ không phải trên suy đoán của người thầy”. Nếu có thực nghiệm thì chắc chắn, một đề thi như với môn Toán vừa qua, sẽ không thể chỉ có 1, 2 thí sinh đạt được điểm 10 trong tổng số cả triệu thí sinh dự thi. 
 
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Tăng tốc học thi

Tăng tốc học thi

(PNTĐ) - Xưa nay, thi cử được xem là thước đo đánh giá mức độ hiểu biết cũng như khả năng nhận thức của mỗi người đối với các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Những áp lực trong giai đoạn thi cử là tình trạng chung của hầu hết các sĩ tử và người thân.
Quận Ba Đình đạt thành tích xuất sắc trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố cấp Tiểu học năm học 2023-2024

Quận Ba Đình đạt thành tích xuất sắc trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố cấp Tiểu học năm học 2023-2024

(PNTĐ) - Sáng ngày 11/4, tại Hội nghị tổng kết Hội thi "Giáo viên dạy giỏi Thành phố cấp Tiểu học năm học 2023-2024" của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã được tặng giấy khen tập thể xuất sắc trong công tác chỉ đạo Hội thi; 5/5 giáo viên của quận tham dự cấp Thành phố đều đạt giải với 2 giải Nhất và 3 giải Nhì.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 11/4/2024 thành lập Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo Quyết định này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029.