Đề phòng say nóng, nắng mùa hè

Chia sẻ

PNTĐ-Say nắng, say nóng là hiện tượng thường gặp trong mùa hè. Không chỉ có biểu hiện: mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà bệnh còn có thể gây đột quỵ, thậm chí tử vong.

 
Say nắng, say nóng là hiện tượng thường gặp trong mùa hè. Không chỉ có biểu hiện: mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà bệnh còn có thể gây đột quỵ, để lại các di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tử vong nếu xử trí chậm trễ.
 
Đề phòng say nóng, nắng mùa hè - ảnh 1
Những ngày nắng nóng, bệnh viện Nhi Trung ương luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Hà Anh

 
Thống kê của bệnh viện Nhi Trung ương, những ngày cao điểm nắng nóng, mỗi ngày khoa Cấp cứu – Chống độc của bệnh viện tiếp nhận hơn 100 ca cấp cứu. Đa phần bệnh nhân nhập viện với các bệnh lý đặc trưng của mùa hè như: sốt virus, tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính (viêm họng, ho, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não…), sốc nhiệt… do say nắng, nóng.
 
Theo đó, say nắng thường xảy ra khi một người lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng. Dưới tác dụng trực tiếp, liên tục của tia nắng lên đầu, gáy trong một thời gian dài, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể bị tác động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể. Say nắng thường biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, do rối loạn trung tâm điều hòa thân nhiệt, có thể có nhiều dấu hiệu thần kinh sớm, rất rõ, tổn thương có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.
 
Say nóng là tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh. Ánh nắng mặt trời và sức nóng là 2 tác nhân có thể gây stress với cơ thể. Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, trong phòng kín...), hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài)... sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh.
 
Biểu hiện chung của chứng say nóng và say nắng là tình trạng tăng thân nhiệt. Thân nhiệt tăng, nguy cơ cao dẫn tới rối loạn hoạt động chức năng của nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh... Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể tăng cao cũng làm tăng quá trình đào thải mồ hôi, làm cơ thể mất một lượng nước và điện giải lớn; nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch. Rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong.  Bệnh nhân say nắng thường thấy da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy. Một số triệu chứng khác có thể xảy ra như: giảm khả năng đánh giá, cử chỉ kỳ cục, ảo giác, thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng và hôn mê, co giật. 
 
Tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian tiếp xúc mà say nóng, say nắng có các biểu hiện nặng hay nhẹ như: tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút... nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.
 
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội đã có những khuyến cáo về cách phòng ngừa và xử trí tại chỗ nếu bị say nắng, say nóng. Theo đó, người dân không nên làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức; Thường xuyên uống nước dù chưa khát; Nên uống nhiều nước có pha muối hoặc tốt nhất là uống dung dịch oresol, nước trái cây; Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính…; Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng; Khi phải hoạt động liên tục từ 45 đến 60 phút thì cần nghỉ giải lao từ 10 đến 15 phút.
 
Trước một trường hợp say nắng, nóng mà chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hay phương tiện y tế, phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp sơ cứu cho nạn nhân. Trước tiên, làm thân nhiệt nạn nhân giảm xuống bằng cách di chuyển vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, uống nước mát có pha ít muối, chườm lạnh bằng khăn ướt, mát ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ. Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở cần nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân. Tại các cơ sở y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Trong trường hợp nạn nhân sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt…
 
Phương Hà 

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.