Những lớp học đặc biệt trước ngày Tổng khởi nghĩa

Chia sẻ

PNTĐ-Những lớp học đặc biệt được tổ chức bí mật để truyền đạt tình hình, tinh thần của tổ chức đến các cơ sở, các đội tự vệ... tại các làng xã, thôn xóm khu vực ngoại thành Hà Nội.

 
Để có được thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân diễn ra vào ngày 19/8/1945, từ những tháng trước đó, đã có nhiều công việc chuẩn bị được thực hiện khẩn trương. Một trong số đó là những lớp học đặc biệt được tổ chức một cách bí mật để truyền đạt tình hình, tinh thần của tổ chức đến các cơ sở, các đội tự vệ, thanh niên... tại các làng xã, thôn xóm khu vực ngoại thành Hà Nội.
 
Sẵn sàng “đón” thời cơ 
 
Ông Lê Đức Vân (tên thật là Nguyễn Hữu Phúc) - Trưởng ban liên lạc Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu là một trong hai người được tham dự lớp học chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Lật giở từng trang ký ức hào hùng của những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử năm 1945, dù tuổi cao nhưng từng câu chuyện, chi tiết vẫn được ông sắp xếp, lưu giữ vẹn nguyên.
 
Những lớp học đặc biệt trước ngày Tổng khởi nghĩa - ảnh 1
Ông Lê Đức Vân - Trưởng ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu

 
“Từ tháng 3 năm 1945, ngay sau khi Trung ương Đảng có Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” tôi và anh Nguyễn Hải Hùng (tức Lê Văn Giáp) – Đội trưởng Đội tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội đã được cử đi dự một lớp học ở xóm nhỏ phía sau làng Sài thuộc huyện Thanh Oai”. Lớp học là một căn nhà tre lợp lá, có vườn cây và lũy tre bao bọc. Trong hai ngày nghiên cứu, 7 anh em tham gia lớp học được tìm hiểu về tình hình, nhiệm vụ chung của cách mạng, phân tích mâu thuẫn xã hội, xác định kẻ thù chính là phát xít Nhật và bè lũ tay sai; dự kiến các trường hợp có thể xảy ra… 
 
Kết thúc lớp học, anh Nguyễn Hải Hùng được phân công mở lớp thứ 2 cho các anh em tự vệ xung phong ngoại thành tại làng Láng Hạ với sự tham gia của 9 thành viên, truyền đạt lại các nội dung được lĩnh hội từ lớp học đầu tiên, bàn các công việc cụ thể ở các làng và vùng ngoại thành Hà Nội… Từ những thành viên nòng cốt của hai lớp học này, các nội dung chuẩn bị Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng được truyền đạt đến các cơ sở Việt Minh ở các làng. Đến tháng 8 năm 1945, cùng với phong trào cách mạng ở nội đô, phong trào ở ngoại thành đã phát triển rộng rãi, vững chắc, sẵn sàng đón thời cơ khởi nghĩa, giành chính quyền cho nhân dân. 
 
Không khí cách mạng tại Hà Nội trong những ngày mùa thu tháng Tám năm 1945 thật đặc biệt – ông Lê Đức Vân tiếp lời. “Từ ngày 13 - 15/8/1945, tại Tân Trào, Hội nghị Toàn quốc của Đảng được tổ chức và đưa ra nhận định rất quan trọng. Đó là những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi...”. Hội nghị quyết định phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Anh, quân Tưởng Giới Thạch vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật và thực dân Pháp chưa kịp tập hợp lực lượng, điều quân vào xâm lược Việt Nam lần nữa.
 
Toàn dân tiến lên giành chính quyền
 
Những lớp học đặc biệt trước ngày Tổng khởi nghĩa - ảnh 2
Nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945 (nguồn Bảo tàng Lịch sử)

 
Chiều 17/8/1945, tại Nhà hát Lớn, Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Thế nhưng, “cuộc mít tinh của địch đã nhanh chóng biến thành biểu tình, tuần hành của ta ngoài dự kiến. Đây là đỉnh điểm của sự quật khởi, lãnh đạo mặt trận Việt Minh phải nắm lấy thời cơ” - ông Vân nhớ lại. “Khi vừa tham gia đoàn diễu hành thì tôi nhận được lệnh đi họp gấp vào lúc 21h tại thôn Dịch Vọng.
 
Đó là cuộc họp của Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội mở rộng, có 9 người tham gia; trong đó có đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết và hai cán bộ xứ ủy. Cuộc họp quyết định khởi nghĩa vào ngày 19/8. Trong những ngày đó, Hà Nội có 20.000 lính Nhật còn lực lượng hội viên mặt trận chưa đến 1.000 người, vũ khí thô sơ chỉ có vài khẩu súng, mã tấu. Thế nhưng sau khi phân tích, mọi người chủ trương trung lập hóa và đề nghị quân đội Nhật không can thiệp”. Cũng tại đây, ông Lê Đức Vân được giao đảm trách việc tổ chức khởi nghĩa ở ngoại thành Hà Nội - quyết định rất quan trọng bởi hoạt động cách mạng có thể đứng được là nhờ khu vực ngoại thành. 
 
Cuộc họp kéo dài đến rạng sáng 18/8. Ông Lê Đức Vân ngay lập tức di chuyển xuống làng Giáp Nhất và tổ chức cuộc họp cấp tốc với những tự vệ xung phong thanh niên cứu quốc, truyền đạt Chỉ thị của Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội, bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8/1945. Sau khi bàn thảo, kế hoạch khởi nghĩa ấn định: Làng Hạ Yên Quyết là nơi mít tinh giành chính quyền sớm nhất khu vực ngoại thành rồi qua các làng để tiến thẳng ra Đại lý Hoàn Long - cơ quan cai trị vùng ngoại thành. 
 
Đêm 18/8, rạng sáng 19/8/1945, người dân ngoại thành Hà Nội không ngủ để chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Đúng như kế hoạch đề ra, đoàn diễu hành bao gồm các tầng lớp nhân dân thuộc vùng ngoại thành tạo thành sức mạnh tổng hợp, làm chủ tình thế khiến bọn tay sai sợ hãi, vội vàng nộp con dấu, sổ sách cho chính quyền cách mạng. Tuần phủ Đặng Vũ Niết đứng đầu bộ máy cai trị Đại lý Hoàn Long ở ngoại thành bị bắt, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở vùng ngoại thành đã hoàn toàn thắng lợi trong khí thế hùng dũng, sôi nổi của quần chúng diễu hành. Cờ đỏ sao vàng tung bay, khẩu hiệu hô vang rền hòa cùng lời ca của các bài hát: Tiến quân ca, Diệt phát xít… Sau đó, bà con giương cao cờ đỏ sao vàng tiến vào nhập cùng đoàn bà con nội thành khởi nghĩa giành chính quyền toàn vùng Hà Nội trong ngày 19/8. 
 
Đức Hạnh 

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.