Mở một cuốn sách thấy một con người

Chia sẻ

PNTĐ-(Ấn tượng đọc hồi ký “Cuộc đời của mẹ - Gia tài các con” của Nguyễn Thị Một, Nxb Trẻ, 2018)

 
“TỪ ẤY TRONG TÔI BỪNG NẮNG HẠ”...
 
Mẹ Nguyễn Thị Một sinh năm 1918. Mười bốn tuổi tham gia hoạt động Cách mạng. Mười sáu tuổi đứng trong hàng ngũ của Đảng, là Bí thư chi bộ. Mười bảy tuổi là huyện ủy viên Huyện ủy Cần Giuộc, Long An. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết về mình và thế hệ “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim” (“Từ ấy”). Với một cô gái còn ở tuổi hoa niên, nếu là nữ nhi thường tình, thì chỉ cần lo học hành, hay miệt mài nữ công gia chánh. Nhưng giặc đến nhà đàn bà phải đánh. Kẻ thù không khoản đãi bất kỳ ai. Sự giác ngộ Cách mạng của Mẹ đã chứng tỏ độ chín muồi sớm ý thức công dân, tính tích cực xã hội của những cá nhân được “trui rèn qua lửa đỏ và nước lạnh”.
 
Mẹ là điển hình của phụ nữ Việt Nam thời đại Cách mạng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. Mười chín tuổi, Mẹ thoát ly gia đình đi kháng chiến, hoạt động trên một địa bàn rộng lớn, tham gia nhiều chiến trường ác liệt, gian khổ suốt từ miền Tây lên miền Đông, từ cực Nam Trung Bộ, Khu 5 cho đến nội thành Sài Gòn - Gia Định. Dấu chân Mẹ giống như “dấu chân người lính” (nhan đề tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Minh Châu), trải dài theo đất nước.
 
 
Mở một cuốn sách thấy một con người - ảnh 1

Cuộc đời hoạt động Cách mạng của Mẹ liên tục trong thời gian, trải rộng trong không gian. Nhưng gian khổ trên chiến trường dẫu cao như núi, dài như sông cũng không thể nào sánh bằng những ngày tháng Mẹ bị giam cầm trong nhà tù đế quốc. Vào thời điểm kẻ thù điên cuồng mở chiến dịch “tố Cộng, diệt Cộng”, Mẹ bị địch bắt tháng 8/1959. Dù bị tra tấn dã man nhưng Mẹ trước sau giữ vững khí tiết người chiến sỹ Cộng sản kiên trung “ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”. Mẹ bị kẻ thù kết án 20 năm tù giam, giải qua các nhà tù chính trị khét tiếng ở miền Nam như An ninh quân đội Sài Gòn, Tổng nha Cảnh sát Sài gòn, Đề lao Gia Định, Phú Lợi, Khám Chí Hòa, Côn Đảo “địa ngục trần gian”.
 
Sau Hiệp định Pa-ri về hòa bình ở Việt Nam (1/1973), mãi đến tháng 3 năm 1974, Mẹ mới được trao trả tại Lộc Ninh. Cuộc đời chiến đấu của Mẹ ứng với tình thế cách mạng Việt Nam trong mười nghìn ngày (1945-1975) đấu tranh gian khổ ác liệt, hy sinh vô bờ bến “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình ô nhục/ Ta làm sen thơm ngát giữa đầm” (Tố Hữu - “Việt Nam máu và hoa”).
 
Đọc những trang viết về  “Cuộc đấu tranh tuyệt thực 12 ngày vô cùng gian khổ” (dù chỉ là một trong nhiều chuyện được kể lại) mà Mẹ và đồng đội vượt qua, thực sự gây xúc động với những người trải qua chiến tranh, nhưng có thể là xa lạ với một ai đó sinh ra trong hòa bình, cơm no áo ấm, đôi khi quên mất cái giá quá đắt của chiến thắng mà các thế hệ cha anh đã trả bằng máu xương. Hãy thử hình dung, 15 năm (1959-1974) là 5.000 ngày đêm, Mẹ kiên trung giữ vững khí tiết người chiến sỹ Cộng sản, lại vừa vận trí vận lực để bảo toàn tính mạng, để sống và đón đợi chiến thắng trở về sum họp với đồng đội, gia đình. Với người phụ nữ đâu chuyện dễ dàng, mà là một cuộc vượt thoát tinh thần, chiến thắng kẻ thù và cũng đồng thời chiến thắng bản thân. Cổ nhân nói “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” (một ngày ở trong tù bằng nghìn thu ở ngoài) đâu có sai.
 
“YÊU VỚI CĂM HAI ĐỢT SÓNG ÀO ÀO”...
 
Trong chiến tranh, kẻ địch thường tuyên truyền rằng, người Cộng sản không gia đình, không quê hương, không tình thương... Đó là đòn tâm lý xảo quyệt của đối phương (không phải là không có người tin). Đọc hồi ký, độc giả tất nhiên được chiêm bái một mẫu anh hùng trong thời đại Cách mạng và chiến tranh - Mẹ Nguyễn Thị Một. Nhưng còn một người Mẹ anh hùng khác hiện lên trong những quan hệ tình cảm gia đình ruột rà, tình đồng bào, đồng chí, quê hương nghĩa nặng tình sâu. Đọc những trang viết trong các phần “Lập gia đình”, “Đưa con về Sài Gòn để đi học”, “Tình cảm của con đối với mẹ”, “Sum họp được một tuần đến 21 năm sau”, “Chia tay hai con, mẹ ở lại miền Nam, con ra miền Bắc”, “Ngày trao trả ở Lộc Ninh”, “Gặp được hai con mừng chảy nước mắt”, “Đoàn tụ gia đình”... sẽ thấy Mẹ Nguyễn Thị Một hiện ra như một con người bình dị, với tất cả những quan hệ bình thường, những tâm tư, tình cảm sâu lắng. Nói cách khác, qua đó hiện lên hình ảnh một CON NGƯỜI VIẾT HOA - con người nhân ái, vị tha, đắm đuối với chức phận làm vợ, làm mẹ nhưng không nề hà khó khăn gian khổ, không từ nan thử thách hi sinh. Mẹ là một HÌNH MẪU BÀ MẸ ANH HÙNG VIỆT NAM (dẫu không có danh hiệu) thời đại Hồ Chí Minh.
 
Mở một cuốn sách thấy một con người - ảnh 2
Năm 1976 đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn gặp lại Chị bộ Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ thời kỳ hoạt động bí mật năm 1956 trong nội thành Sài Gòn. Đồng chí Trương Hòa Bình đứng giữa đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Nguyễn Thị Một

 
Nhưng đọc hồi ký chúng ta cũng cảm nhận được con đường của Mẹ đi không hề giản đơn, thẳng tắp. Trái lại cũng khúc khủy quanh co, từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ tự phát đến tự giác. Khi mới lớn, Mẹ có ý nghĩ “Tôi thờ chủ nghĩa độc thân” (!?). Có vẻ như là một “tuyên ngôn” thuần lý trí, thậm chí có hơi hướng bồng bột của tuổi trẻ. Nhưng con tim có quy luật riêng của nó. Khi Mẹ gặp đồng chí Bang (người cùng quê) thì tình hình khác đi. Lúc đầu tưởng là “việc nói chơi”. Nhưng sau đó hai người bén duyên nên đã “Nhân ngày giỗ cha, chúng tôi tổ chức “tuyên bố” (...).
 
Sau ngày tuyên bố, chúng tôi về địa phương hoạt động, bọn tề xã đều không hay biết gì”. Đọc đến đây chúng tôi chợt nhớ tới mối duyên tơ của chị Út Tịch với “đồng chí chồng” (“anh bá - đỏ” với “chị cạc - bin”) trong truyện ký “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi. Đó là những kiểu mẫu tình cảm, tình yêu, tình chồng vợ trong chiến tranh. Bây giờ ít người tưởng tượng nổi. Ngày được trao trả (5/3/1974) tại Lộc Ninh, lần đầu sau 15 năm bị giam cầm trong các nhà tù của kẻ thù, Mẹ cảm nhận “Từ sân bay Biên Hòa về đến Lộc Ninh, máy bay bay qua các vùng chiến khu Đ, tôi nhìn xuống thấy xóm làng bị tàn phá đìu hiu. Rừng xanh bị B52 hủy diệt, cây cối xác xơ. Có nơi trước kia là rừng sâu nay chỉ còn là những cây bị cháy đen đứng trơ trụi.
 
Một cuộc chiến tranh không cân sức! Đế quốc Mỹ đã dùng bom đạn tàn phá quê hương, giết hại dân tộc ta. Nhìn lại quê hương tôi thấy thương tiếc đồng bào chiến sỹ đã đương đầu với biết bao nhiêu gian khổ mà lòng tràn đầy căm phẫn quân xâm lược. Lẽ ra mình được trao trả, được sống sót đến ngày chiến thắng trở về phải tràn đầy phấn khởi, nhưng sao lòng tôi thấy ngậm ngùi cảm xúc! Nghĩ mình còn sống sót lại đây, đồng bào, đồng chí và anh em chiến sỹ ta đã hy sinh bao nhiêu xương máu mới có ngày này”...
 
Đọc những dòng này chắc nhiều người sẽ liên tưởng đến những câu thơ của thi sỹ Xuân Diệu “Đã mấy khi tôi thức với non sông/ Trọn những đêm ròng, mắt chong chân bước/ Đêm hành quân thả tâm hồn đi trước/ Yêu với căm, hai đợt sóng ào ào/ Vỗ bên lòng, dội mãi tới trăng sao” (“Những đêm hành quân”). Mỗi con người sinh ra đều có quê hương, tổ quốc. Nhưng mỗi con người đều có một gia đình - tổ ấm riêng tư.
 
Đọc hồi ký của Mẹ Nguyễn Thị Một, đến khúc vui “Đoàn tụ gia đình”, có lẽ rất nhiều độc giả xúc động mạnh vì “Lúc đình chiến 1954, anh Bang với hai con lớn của tôi đi tập kết. Tôi được ở lại với đứa con gái 3 tuổi và đang mang thai ba bốn tháng. Suốt 20 năm vợ chồng xa cách (...). Hoàn cảnh gia đình có lúc bi đát (...). Rồi lại được tin hai con lớn đã gia nhập bộ đội và xin trở về Nam năm 1970-1971 (...). Khi trao trả về tôi được gặp lại hai con trai, nay ra Bắc gặp được con gái, con dâu và cháu nội, coi như gia đình sum họp hơn phân nửa, chỉ còn một con trai đang chiến đấu ở chiến trường miền Tây chưa thấy mặt (...).
 
Thế là ngày đoàn tụ gia đình, các con đã thật sự nối chí sự nghiệp cách mạng của cha mẹ”. Đúng là như niềm mong mỏi của toàn thể nhân dân Việt Nam - “Tổ quốc hòa bình, gia đình hạnh phúc”. Mượn câu của Tố Hữu để nhấn nốt nhạc đoàn viên “Khúc vui xin lại so dây cùng người”.
 
RIÊNG - CHUNG, BÀI HỌC ĐẠO LÝ LÀM NGƯỜI
 
 Đúng là thời đại Cách mạng đã đem lại một cái nhìn mới về mối quan hệ giữa cá nhân (riêng) và đất nước, nhân dân (chung). Một con người chân chính không thể đi ra ngoài quỹ đạo “riêng - chung” ấy được. Tất nhiên, trong thời đại cách mạng và chiến tranh thì tinh thần “dĩ công vi thượng” (đặt lợi ích chung - quốc gia, nhân dân - lên trên hết). Nhưng không có nghĩa là vì thế mà triệt tiêu lợi ích cá nhân. Qua hồi ký của Mẹ Nguyễn Thị Một, chúng ta nhận ra tình cảm lớn lao của một con người đã tận hiến cho “đại nghĩa” (vì lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”). Cuốn hồi ký được viết theo cảm hứng lớn “đại khí”, không gợn một ly “tiểu khí”. Mẹ luôn giữ được cảm xúc cao thượng, trong sáng khi viết về sự nghiệp chung, về sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào, đồng chí, luôn giữ được ngọn lửa ấm nồng nàn tình cảm với quê hương đất nước:
 
“Đi qua Bạch Đằng Giang, tôi nhớ lại những chiến công oai hùng của dân tộc với bao lần chiến thắng quân xâm lược phương Bắc của thời các bậc anh hùng Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo”. Nhưng, Mẹ đồng thời cũng luôn luôn biết chắt chiu, gìn giữ hạnh phúc riêng tư: “Cái mừng lớn nhất của tôi là đất nước hoàn toàn giải phóng. Toàn dân được trút hết cảnh đời nô lệ lầm than. Bên cạnh niềm vui lớn của dân tộc và đất nước là gia đình tôi cũng được đoàn viên sum họp một nhà. May mắn và hạnh phúc biết bao từ trong cuộc chiến tranh ác liệt, qua những ngày đen tối - những năm tháng không quên - gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác đã chịu biết bao cảnh bi đát đau thương. Tôi tưởng chừng đến ngày độc lập chắc có kẻ còn người mất, nhưng may mắn thay, cả gia đình đều còn sống sót, về quây quần trên mảnh đất quê hương. Những ngày đen tối đã qua, nay được bình minh rực rỡ”. Giả sử, cuốn hồi ký thiếu đi những trang viết về gia đình, chắc nó sẽ kém phần hấp dẫn.
 
 Ngạn ngữ phương Tây có câu “Mở một cuốn sách thấy một con người”. Tôi tin tưởng như thế và nghĩ, độc giả cũng nghĩ như tôi (?!)
 
Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG 

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

(PNTĐ) - Tối qua, 23/4 công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chính thức khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách. Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.