“Con cá trên cây” – hãy sống là chính mình

Chia sẻ

PNTĐ-Cô bé Ally trong cuốn sách đã dạy tôi rằng đừng ngần ngại thể hiện bản thân. Nghĩ khác biệt, phá vỡ những định kiến để sống là chính mình.

 
Lynda Mullaly Hunt sinh vào cuối những năm 60 của thế kỉ hai mươi. Bà lớn lên tại tiểu bang Connecticut (Mỹ), từng là giáo viên dạy Văn cho tới khi nghỉ việc để sinh con gái đầu lòng và bắt đầu viết lách. “Con cá trên cây” được xuất bản lần đầu năm 2015, kể về cô bé Ally mắc chứng khó đọc cùng thông điệp ý nghĩa: Hãy là chính mình thay vì tìm cách hòa nhập.
 
 
“Con cá trên cây” – hãy sống là chính mình  - ảnh 1

 
Chứng khó đọc, tên khoa học là Dyslexia, là hội chứng bẩm sinh liên quan đến rối loạn chức năng vỏ não, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc nhận biết và học các kí tự, đặc biệt là chữ cái. Đây cũng là nguyên nhân cản trở Ally với môn Toán yêu thích.
 
Ally từng rất sợ sệt và thu mình vì những nhãn dán mọi người gắn lên em. Một phần lý do khiến em không đủ can đảm để nói ra và nhờ giúp đỡ chính là do em thừa hưởng thụ động những nhãn dán tiêu cực, đặc biệt là Shay và Jessica - hai nhân vật luôn chọn cách đối xử tồi tệ với rất nhiều người, không chỉ riêng Ally. Chúng gắn cô bé với những từ ngữ như đần độn, dị hợm và ngu ngốc, nhiều tới mức em tin nó là sự thật.
 
Chứng khó đọc mang cho Ally rắc rối ở ngoài và với rất nhiều người xung quanh, cả những người em yêu quý. Gặp nhiều rắc rối, cô bé trút hết suy nghĩ vào cuốn “Sổ tay những điều không tưởng”, nơi mà với Ally, mọi điều không tưởng có thể biến thành những đường nét cụ thể. Việc Ally rất giỏi tư duy bằng hình ảnh được chứng tỏ qua cách Lynda miêu tả các thước phim ngắn lướt qua tâm trí em chi tiết và sống động như thực. Cuốn sổ và những thước phim của riêng em, hẳn là một phần rất ý nghĩa trong suốt thời gian Ally đơn độc.
 
May mắn lớn nhất của em là gặp được thầy Daniels, người giúp đỡ Ally và động viên cô bé để có thể tự tin là chính mình. Nhờ thầy Daniels, Ally được học chữ bằng một cách khác, cảm nhận hình dạng con chữ không chỉ bằng thị giác mà còn bằng xúc giác, từ điểm mạnh tư duy bằng hình ảnh đặt nền tảng cho cách em học. Tôi rất ấn tượng với cách Lynda xây dựng hình tượng thầy Daniels, nhất là khi Ally nói em sợ mình không đọc được như những bạn khác. Thầy đã lấy một tờ giấy, viết lên từ IMPOSSIBLE (bất khả thi), rồi vạch một đường giữa chữ M và chữ P (IM/ POSSIBLE). Thầy bảo Ally xé tờ giấy thành hai mảnh chỗ đường kẻ và nói: “Em có thấy không Ally... mẩu giấy lớn trong tay em nói khả thi, không còn là bất khả thi nữa, đúng chứ?”.
 
Trong câu chuyện, Lynda còn kể về tình bạn giữa Ally từng rụt rè, nhút nhát, Keisha luôn sôi nổi sảng khoái còn Albert bự con và biết tuốt. Không ai ngờ chúng sẽ là bộ ba hoàn hảo, luôn bên cạnh giúp đỡ nhau. Ally học cách chia sẻ với Keisha một nửa số hoa khi nghĩ tới việc cô sẽ buồn thế nào nếu đi diễu hành tay không, và nhận lại chiếc bánh cảm ơn, học cách xin lỗi Albert vì đã nói xấu cậu, mở lời giúp đỡ khó khăn của cậu. Ally cùng Keisha tức giận và đứng lên vì Albert “không thể tự đứng lên vì chính mình” khi cậu bị bắt nạt... Chúng cùng nhau chia sẻ bí mật, thông cảm cho nhau, rút ra vô vàn những bài học quý giá mà tôi chắc mẩm chúng cũng rất biết ơn vì được bên nhau như thế.
 
Một điều quan trọng nữa giúp Ally nhận ra ý nghĩa của cuộc sống: Gia đình. Bố cô làm việc cho quân đội, gia đình phải di chuyển nhiều nơi theo bố công tác. Mẹ làm ở một tiệm kem, và anh trai Travis học cấp ba có niềm đam mê bất tận với máy móc. Bố truyền động lực và dạy Ally nhiều bài học dù không thể luôn bên cạnh, mẹ em tốt bụng, dành cho con niềm yêu thương vô bờ bến. Còn Travis tựa như một Ally phiên bản nam, hào hứng và thông minh theo cách riêng - anh cũng mắc chứng khó đọc và gặp rắc rối trong việc học. Ally từ đó học cách san sẻ và giúp đỡ anh trai với khó khăn của anh.
 
Còn một người Ally rất quý mến: ông ngoại. Ông kể cho em câu chuyện về xứ sở thần tiên, dạy em cách ứng xử. Tiếc thay, ông để Ally ở lại mà đi. Sau cùng, em vẫn luôn biết ơn ông vì dạy em những bài học đáng quý.
 
Tôi không cho rằng Ally khác biệt, vì mỗi người trên đời đều khác biệt và có quyền khác biệt. Chúng ta sinh ra trong những hoàn cảnh khác nhau, môi trường khác nhau với những bộ não khác nhau. Ally không đáng bị xa lánh chỉ vì khác biệt với người khác. Em chỉ đang cố tìm cách là chính mình. Mỗi đứa trẻ khác nhau - với tài năng và năng lực khác nhau, xứng đáng được học và phát triển theo cách của riêng chúng.
 
Ally dạy tôi rằng đừng ngần ngại thể hiện bản thân. Nghĩ khác biệt, phá vỡ những định kiến để sống là chính mình.
 
Và đôi khi, điều dũng cảm nhất bạn có thể làm là nhờ giúp đỡ .
 
“Gửi tới các bạn trẻ, những người luôn tìm kiếm lòng can đảm để chinh phục mọi thử thách trong cuộc sống. Dù đó là thử thách gì đi chăng nữa, các bạn đều là những anh hùng”.
 
 
 Vũ Uyên Nhi
Lớp: 9A trường THCS Phan Chu Trinh, 
Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

(PNTĐ) -“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.
“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

(PNTĐ) -Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.