Ông Nguyễn Đức Tồn đã trở thành... "nạn nhân" của đạo văn như thế nào?

Chia sẻ

PNTĐ-Có lẽ nào một người như ông Tồn bỗng nhiên một ngày đẹp trời lại trở thành… “nạn nhân” của “đạo văn”? Cái sự thật trớ trêu này, thật đáng tiếc, lại là… sự thật.

 
Khi chúng tôi đặt câu hỏi “Ông Tồn là… “nạn nhân” bị đạo văn?”, chắc nhiều độc giả sẽ không nhịn được cười mà tự hỏi: Một kỉ lục gia về đạo văn như ông Tồn, làm sao lại bị “đạo văn” được? Có lẽ nào một người như ông Tồn bỗng nhiên một ngày đẹp trời lại trở thành… “nạn nhân” của “đạo văn”? Cái sự thật trớ trêu này, thật đáng tiếc, lại là… sự thật.
 
Chuyên gia “đạo văn” kiêm “nhai lại”
 
Trong một bài báo gần đây, PNTĐ đã chỉ ra việc GS Nguyễn Đức Tồn đã tái sử dụng một bài báo viết chung với Huỳnh Thanh Trà tới… 8 lần trong 7 cuốn sách khác nhau của ông, trong đó, có đến 7 lần, ông Tồn lờ đi đóng góp của bà Trà. Song liệu đây có phải là trường hợp “nhai lại” cá biệt?
 
Câu trả lời là hoàn toàn không. Thật đáng ngạc nhiên là ông Tồn “nhai đi nhai lại” nhiều lần các công trình khoa học của mình. Thực ra, nói là “của mình” thì cũng không hoàn toàn đúng bởi lẽ rất nhiều phần trong đó bị ông Tồn “đạo” không thương tiếc từ hơn một tá các nguồn trích và tác giả khác nhau.
 
Liệu một nền khoa học có phát triển được hay không khi những người được mang cái danh là “giáo sư” mũ cao áo dài luộc đi luộc lại đến nhừ nát nhiều công trình khoa học? Liệu có cái gì còn ngon bổ trong những thứ đã lưu cữu và xào xáo nhiều lần từ năm này qua năm khác.
 
Câu trả lời, thật đáng tiếc, một lần nữa là không. Trong trường hợp của ông Nguyễn Đức Tồn, ông này đã cho xuất bản và tái bản đến 8 cuốn sách đứng tên riêng. 8 cuốn này như PNTĐ chỉ ra, đều có dính dáng đến việc đạo văn từ ít đến nhiều, từ tinh vi đến trắng trợn… Ngoài ra, ông còn tha lôi các phần, chương, mục của sách này để nhét vào nhiều sách khác,  tha lôi các bài báo của mình (hoặc không phải của mình) để nhét vào đủ các loại sách mang tên ông. Thậm chí, có bài đã in ở sách nhiều lần rồi, ông lại bới ra, mông má chút đỉnh, rồi xuất bản thành “bài viết” khoa học mới.
 
Chúng tôi chỉ xin lấy một ví dụ về cuốn sách đứng tên ông riêng xuất bản gần đây nhất “Những vấn đề của Ngôn ngữ học cấu trúc dưới ánh sáng lí thuyết Ngôn ngữ học hiện đại” do NXB Khoa học Xã hội ấn hành năm 2013. Dưới cái tựa đề rất “đao to búa lớn” như vậy,  ngoài phần chương 1 “đạo” từ sách của GS Đỗ Hữu Châu và GS Bùi Minh Toán như PNTĐ đã phanh phui thì phần lớn các phần còn lại đều lấy lại nguyên xi từ các cuốn sách và bài báo đã xuất bản từ trước đó của ông Tồn.
  
Mặt khác, nhiều kết quả nghiên cứu của các tác giả vẫn đậm đặc trong toàn bộ cuốn sách… Chẳng hạn, phần 2.2 và 2.3 của Chương 4 thực chất là kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thuý Khanh và Cao Thị Thu. Điều đáng nói là hai phần này đã xuất hiện trong các cuốn sách khác của ông Tồn in và tái bản các năm 2002, 2008, 2010, 2015 của ông.
 
Với những bài viết mà ông Tồn đứng tên chung với các tác giả khác như Huỳnh Thanh Trà, Nguyễn Thị Kim Dung… ông ngang nhiên gạt bỏ tên của họ ra khỏi sách của ông khi xào đi luộc lại chúng. Trắng trợn hơn, với trường hợp bài viết của riêng bà Nguyễn Thị Thanh Hà “Dạy từ láy cho học sinh THCS” trên tạp chí Ngôn ngữ, ông Tồn thuổng luôn vào sách của mình và lờ đi tác giả của nó, đồng thời “đạo” luôn công hướng dẫn của GS Hoàng Văn Hành.
 
Ông Tồn là… “nạn nhân” bị đạo văn?
 
Đến đây, quý độc giả chắc cũng đã hiểu rõ được chiêu thức đạo văn trắng trợn của ông Tồn. Với những bài ông viết chung, ông không bao giờ thèm đếm xỉa đến những người đồng tác giả với mình. Công trình viết chung bao giờ cũng được biến thành của riêng ông rồi được xào lại nhiều lần, mà trường hợp của Huỳnh Thanh Trà là ví dụ tiêu biểu nhất. 
 
Thế mà vẫn có những ngoại lệ! Khi chúng tôi đặt câu hỏi “Ông Tồn là… “nạn nhân” bị đạo văn?”, chắc nhiều độc giả sẽ không nhịn được cười mà tự hỏi: Một kỉ lục gia về đạo văn như ông Tồn, làm sao lại bị “đạo văn” được? Có lẽ nào một người như ông Tồn bỗng nhiên một ngày đẹp trời lại trở thành… “nạn nhân” của “đạo văn”?
 
Cái sự thật trớ trêu này, thật đáng tiếc, lại là… sự thật. Năm 2007 và 2008, ông Tồn liên tiếp cho ra đời 2 bài viết trên tạp chí Ngôn ngữ có nhan đề: “Bản chất của ẩn dụ” (số 10 và 11 năm 2007) và “Bản chất của hoán dụ trong mối quan hệ với ẩn dụ”  (số 3 năm 2008). Như thường lệ, ông bê 2 bài viết này vào trong các cuốn sách “Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy” in và tái bản có bổ sung vào các năm 2008, 2010, 2015 và cuốn “Những vấn đề của Ngôn ngữ học cấu trúc dưới ánh sáng lí thuyết Ngôn ngữ học hiện đại” in năm 2013.
 
 
Ông Nguyễn Đức Tồn đã trở thành...


Ông Nguyễn Đức Tồn đã trở thành...

Nhưng điều kì lạ là trên Tạp chí khoa học số 7 (2014) của Viện Đại học Mở, có bài viết “Về mối quan hệ giữa ẩn dụ tri nhận - ẩn dụ từ vựng - ẩn dụ tu từ” của hai đồng tác giả Nguyễn Đức Tồn và Vũ Thị Sao Chi. Tạm gạt bỏ sang một bên câu chuyện nội dung trong bài viết này thực chất chính là các bài viết của ông Tồn vào năm 2007, 2008 đã nêu trên và đã được xào đi xáo lại không dưới 4 lần trong các sách khác nhau của ông này thì việc bỗng dưng tên của bà Vũ Thị Sao Chi lù lù xuất hiện với tư cách là “đồng tác giả” đặt ra một dấu hỏi lớn.
 
Ông Nguyễn Đức Tồn đã trở thành...

 
Chưa hết, điều kì lạ hơn là cũng bài viết này, được rút gọn đi một phần, hoàn toàn không có gì mới, lại một lần nữa bị “nhai lại” và được phù phép dưới một cái tên mới: “Về các khái niệm ẩn dụ tri nhận, ẩn dụ từ vựng và ẩn dụ tu từ” đăng trên tạp chí “Khoa học xã hội Việt Nam” số 4 năm 2016. Một lần nữa, bà Vũ Thị Sao Chi lại “được” đứng tên chung với ông Nguyễn Đức Tồn. 
 
 
Ông Nguyễn Đức Tồn đã trở thành...

Và điều kì lạ nhất là trong tất cả bài viết và sách xuất bản trước đó, ông Tồn có một số chỗ chua tên mình vào một số ý mà ông nhấn mạnh theo cách “chúng tôi nhấn mạnh – NĐT” hay “chúng tôi dịch là – NĐT”. Chẳng hạn như đoạn sau trong cuốn sách "Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy" (2010), ông Tồn viết: “Khác với quan điểm của nhà triết học Đức Nitsơ (1844 - 1900), ông phân biệt hai dạng hoạt động tinh thần: dạng ẩn dụ (thần thoại - thi ca) và dạng logic - diễn ngôn (chúng tôi dịch là logíc - ngôn từ - NĐT). Dạng thứ hai này hình thành các khái niệm và các quy luật của khoa học tự nhiên. Việc nhận thức thế giới bằng ẩn dụ góp phần hình thành tư duy trong các khoa học nhân văn (chúng tôi nhấn mạnh - NĐT) [36, 292]”. 
 
Ông Nguyễn Đức Tồn đã trở thành...

 
Thế mà cũng chính những câu chữ đó trong bài viết năm 2016, đoạn “chúng tôi nhấn mạnh” và “chúng tôi dịch là” được biến thành tên đôi thế này: “chúng tôi nhấn mạnh – Nguyễn Đức Tồn và Vũ Thị Sao Chi”, “chúng tôi dịch là […] - Nguyễn Đức Tồn và Vũ Thị Sao Chi). 
 
Cần lưu ý trong hồ sơ đạo văn của ông Tồn trước đây, cụm từ “chúng tôi nhấn mạnh” đã bị ông Tồn sử dụng theo cách… ngược lại. Cụ thể, khi đạo chích bài báo của NCS Nguyễn Thị Thanh Hà đưa vào cuốn sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường - phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở” (2001), ông Tồn đã thay cụm từ "chúng tôi nhấn mạnh-NTTH” bằng “chúng tôi nhấn mạnh-NĐT”!
 
Dấu hỏi lớn ở đây là đóng góp của bà Chi là gì trong hai bài viết chung với ông Tồn mà được đứng danh nghĩa “đồng tác giả”? Thực ra, khoảng 95% hai bài viết trên là lấy y nguyên từ các bài viết và sách đã công bố của ông Tồn. Chỉ còn một phần khá nhỏ ở cuối bài viết là “mới” nhưng lại không “mới” gì về nội dung và luận điểm. Mặt khác, phần này lại nằm trong đề tài cấp Bộ “Một số vấn đề cơ bản thời sự của từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt” (2013-14) do ông Tồn làm chủ nhiệm, và bà Chi không phải là một thành viên của đề tài.
 
Trong trường hợp này, có thể nói rằng bà Chi đã đạo văn của… ông Tồn, biến ông này thành một “nạn nhân” của đạo văn. Bà Chi hoàn toàn không có đóng góp gì vào 2 bài viết trên, vốn là của ông Tồn và đã từng bị chính ông này xào đi xáo lại không dưới 4 lần trong các công trình khác nhau. Thế mà, bà Chi ngang nhiên chèn tên mình vào ngang với thầy mình để luộc lại nó thêm 2 lần nữa trong 2 bài báo khác nhau.
 
Chúng tôi cũng không thể không đặt dấu hỏi với chính ông Tồn trong trường hợp này. Thông thường, ông Tồn lạnh lùng thẳng tay gạt bỏ sự đóng góp của các đồng tác giả trong những công trình mà họ viết cùng ông như trường hợp của Huỳnh Thanh Trà, Nguyễn Thị Kim Dung… Thậm chí, ông còn xoá bỏ chính tác giả bài báo như trường hợp của Nguyễn Thị Thanh Hà. 
 
Vậy mà, đùng một cái, ông Tồn lại dễ dãi và xuề xoà đến độ để cho học trò của mình là Vũ Thị Sao Chi qua mặt, ghi danh mình vào trong sản phẩm khoa học của chính ông. Hay chính ông Tồn đã cho phép học trò “dùng chung” sản phẩm của mình? Nếu như vậy thì chính ông Tồn đã đồng loã với học trò trong việc vụ việc đạo văn thế kỉ này!
 
 
Nguyễn Minh Anh

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.