Nguy hiểm mắc tay chân miệng do virus EV71

Chia sẻ

PNTĐ-Những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội trung bình có 40 - 50 trường hợp mắc tay chân miệng/tuần.

 
Trong đó có nguyên nhân do trẻ nhiễm virus EV71 - chủng virus gây nên dịch tay chân miệng năm 2011.
 
Nguy hiểm mắc tay chân miệng do virus EV71 - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận hơn 53.000 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM), đặc biệt có 6 ca tử vong tại 5 tỉnh thành phố thuộc khu vực miền Nam. So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc giảm hơn 25% nhưng tác nhân gây bệnh do virus EV71 có tỷ lệ cao hơn thời gian trước đây làm tỷ lệ bệnh nặng tăng lên.
 
Không bùng phát mạnh như các tỉnh phía Nam nhưng số ca mắc bệnh TCM ở Hà Nội cũng gia tăng. Thậm chí có những ca biến chứng và liên quan đến chủng EV71. Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh 3 tháng cuối năm 2018 diễn ra vào chiều 4/10, Phó Giám đốc Sở y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin: Trong 9 tháng đầu năm 2018, Hà Nội ghi nhận 1.639 trường hợp mắc TCM.
 
Tính riêng tại bệnh viện Nhi TW, từ đầu năm tới nay bệnh viện đã tiếp nhận hơn 200 trường hợp mắc TCM, trong đó có khoảng 10 ca được xác định do nhiễm chủng virus EV71. Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, các virus đường ruột: EV71 và coxsackievirus A16 (CA16) là tác nhân phổ biến gây bệnh TCM. Nếu nhiễm CA16 bệnh thường nhẹ và ít gây biến chứng thần kinh thì nhiễm EV71 hay liên quan đến các biến chứng thần kinh nặng và có thễ khiến trẻ tử vong.
 
Tuy nhóm mắc virus EV không nhiều (đặc biệt là EV71) nhưng đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nặng: thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. EV71 cũng được biết đến như một loại virus tác nhân gây viêm não và các hội chứng não cấp; nguy cơ biến chứng thần kinh cao gấp 5,1 lần so với nhiễm các virus đường ruột khác gây bệnh TCM. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng ngừa nhiễm virus EV71 tại Việt Nam.
 
Dù không có trường hợp tử vong, không ghi nhận ổ dịch lớn nhiều bệnh nhân, hầu hết các trường hợp mắc đều ở mức độ nhẹ (độ 1) nhưng số trường hợp mắc TCM 9 tháng đầu năm 2018 của Hà Nội có diễn biến tăng so với cùng kỳ năm 2017. Bởi vậy, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, ngày 2/10 vừa qua, Sở Y tế thành phố đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác phòng, chống TCM. Trong đó, chú trọng tăng cường đôn đốc các cơ sở giáo dục trên địa bàn, nhất là các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, nhà trẻ, nhóm trẻ nghiêm túc thực hiện phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tiếp tục duy trì các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh môi trường, tuyên truyền người dân đưa trẻ đi tiêm phòng. 
 
Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu và điều trị TCM; tổ chức tốt việc thu dung, sàng lọc, cấp cứu điều trị bệnh nhân, đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện nhằm hạn chế thấp nhất tử vong. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong việc thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc bệnh dịch để chủ động giám sát, xử lý dịch tại cộng đồng, tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân công giám sát; tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời không để dịch lây lan. 
 
Bệnh TCM tuân theo các quy luật của dây chuyền dịch, dịch lớn có thể xảy ra khi có sự thay đổi trong khối cảm thụ, yếu tố lây truyền và tác nhân gây bệnh. Đến nay, lây qua đường tiêu hóa vẫn là đường lây truyền chính của bệnh TCM. Mọi trẻ nhỏ đều có nguy cơ mắc bệnh TCM. Vì vậy, PGS Trần Minh Điển khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức và ý thức phòng, chống dịch bệnh bằng những việc làm như: vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ.
 
Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cha mẹ cần cho trẻ ở trong không gian thoáng, các bề mặt trẻ tiếp xúc như sàn nhà, nhà vệ sinh, giường ngủ phải sạch sẽ. Bên cạnh đó, cần cô lập chất xúc tiếp của các cháu như: phân, nước mũi, chất nôn… đảm bảo không lây nhiễm sang các cháu khác. Đồng thời sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
 
Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.