Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Viết sách khi chứng kiến con vật vã cai nghiện

Chia sẻ

PNTĐ-“Khi viết, tôi hay đặt người đọc giữa những ranh giới hay-dở, tốt-xấu, đúng-sai, cho họ tự nhận thức, chọn lựa. Bởi thế, tôi thích viết về những thanh niên mới lớn”...

 
Đó là lời chia sẻ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhân dịp xuất bản lần đầu cuốn sách Tuổi hai mươi yêu dấu vừa qua. 
 
Song còn có một điều đặc biệt của Tuổi hai mươi yêu dấu khiến nó nổi trội hơn so với những sáng tác viết về tuổi trẻ khác của Nguyễn Huy Thiệp: nhân vật “thanh  niên mới lớn” ở đây được lấy nguyên mẫu từ chính con trai ông.
 
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Viết sách khi chứng kiến con vật vã cai nghiện  - ảnh 1
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

 
Nỗi đau lòng trong căn phòng 6m2 
 
Tuổi hai mươi yêu dấu ra đời trong một căn phòng rộng 6m2 trên đảo Cát Bà, thời điểm Tết Dương lịch năm 2003. Năm ấy, Nguyễn Huy Thiệp đưa con trai thứ hai ra đảo cai nghiện. 
Trong căn phòng chật chội, ngày ngày chứng kiến con vật vã với ma túy, ông nghĩ đến chuyện viết sách. Nhưng không phải viết để trút bầu tâm sự, hay viết để qua ngày đoạn tháng. Ông đặt tham vọng đi tìm và đánh thức chân lý. 
 
Nguyễn Huy Thiệp ví Tuổi hai mươi yêu dấu như một “vắc-xin cho thanh niên”. Viết về mẫu hình “thanh niên thất bại”, tác giả gửi gắm ý tưởng về cách chúng ta ứng xử với sai lầm tuổi trẻ, cung cấp một góc nhìn có phần bao dung về thế hệ lớn lên trong hoàn cảnh xã hội nhiều đổi khác.  
 
Nhân vật chính của truyện là Khuê, một thanh niên thành phố, đang học đại học, có bố là nhà văn nổi tiếng. Cũng như nhiều thanh niên mới lớn khác, Khuê khước từ những trật tự xã hội đương thời. Cậu căm ghét gia đình, căm ghét định chế xã hội, coi thường quan niệm thành công của những “bọn trưởng giả thành phố” và thấy cuộc đời quanh mình là “thổ tả không sao ngửi nổi”.
 
Cú “tuột xích” của Khuê đến khi một ngày kia, cậu bị bố đuổi ra khỏi nhà và chính thức dấn thân vào cuộc đời thổ tả đó. Khuê bước vào cuộc đời mới với sự háo hức, thèm khát nhưng rồi bị chính nó vùi dập. Cậu ta cầm đồ, đi đua xe với đám bạn du côn, gặp những cô gái điếm, tham gia buôn lậu, hít heroin và bị đánh đập. Chuỗi ngày vất vưởng bấp bênh tưởng chừng không lối thoát cứ như vậy dai dẳng cho đến khi cậu bị vứt ra đảo hoang và sống cuộc sống tự lập. 
 
Vì viết dựa trên nguyên mẫu là chính con trai mình, Nguyễn Huy Thiệp đặt chữ “chân” lên hàng đầu. Bởi vậy, đọc “Tuổi 20 yêu dấu” sẽ thấy một cảm giác gần gũi, chân tình, dễ giúp người đọc tìm thấy chân lý như nhà văn mong mỏi. 
 
Nổi loạn hay dám thử thách?
 
Nguyễn Huy Thiệp bảo, ban đầu ông định đặt tên truyện là “Khuê”, hoặc “Tuột xích”, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì “Tuổi 20 yêu dấu” là phù hợp hơn cả, bởi ông muốn hướng đến đối tượng thanh niên “với sự kính trọng và yêu mến”. 
 
Nhìn vào gia tài văn chương của Nguyễn Huy Thiệp có thể thấy ông luôn dành cho đối tượng thanh niên một sự yêu mến đặc biệt. Thường xuyên thấy mẫu nhân vật này xuất hiện trong các sáng tác của ông với một mô típ chung: đầy dục vọng, thú tính, khát khao muốn vượt lên khỏi những lề thói chuẩn mực nhưng cũng ẩn chứa những sợ hãi. Từ nhân vật Trương trong truyện “Con gái Thủy thần”, Năng trong “Chăn trâu cắt cỏ” và Nhâm trong “Thương nhớ đồng quê”… đến giờ là Khuê. Và lựa chọn cuối cùng luôn là ra đi, là “tuột xích”. 
 
Trên thực tế, những ánh nhìn tiêu cực về “tuổi hai mươi” đều gắn với sự nổi loạn. Người ta vẫn thường ca ngợi giới trẻ vì dám ước mơ, dám hoài bão nhưng lại giới hạn chính con cháu mình trong quy tắc mà họ cho rằng như thế là “tốt cho nó”.
 
Bởi thế, người trẻ thường sẽ luôn phải hứng chịu những phản đối ngay cả từ chính người thân của mình cho đến khi hành động của họ cho thấy kết quả tích cực. Và đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự cô đơn và bi kịch như thường thấy trong các nhân vật “thanh niên” của Nguyễn Huy Thiệp. 
 
Phải chăng, nếu người lớn có cái nhìn cảm thông và đồng hành hơn, thế hệ trẻ sẽ bớt đi phần nào những lầm lạc. Vì suy cho cùng hành động lạc lối của tuổi 20 chỉ đến từ sự non trẻ, thiếu kinh nghiệm mà cái đó lại có thừa ở thế hệ trước. Nếu như bố của Khuê, thay vì đuổi cậu ra khỏi nhà có thể trước hết là thấu cảm hơn với những khác biệt trong suy nghĩ của con mình, sau là tìm cách nắn chỉnh định hướng, thì cái kết của Tuổi hai mươi yêu dấu hẳn sẽ tốt đẹp hơn.
 
Ông dành lời khuyên cho các bạn trẻ: “Nếu chưa thực sự trưởng thành, chưa đủ lông đủ cánh thì đừng nghĩ đến chuyện “tuột xích”. Làm cái gì cũng phải có sự chuẩn bị, với chuyện này lại càng phải chuẩn bị. Cũng đừng khuất phục trước hoàn cảnh. Học cách sống chung với lũ nhưng cũng phải tìm cách vượt qua cảnh lũ lụt”. 
 
Nghi Trương 

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.