Kỳ 1: Trường một bên, thực tiễn… một bên

Chia sẻ

PNTĐ-Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu sắc tới nền kinh tế, xã hội toàn thế giới.Trong bối cảnh đó giáo dục đại học Việt Nam cũng phải thay đổi nếu không muốn bị tụt hậu.

 
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu sắc tới nền kinh tế, xã hội toàn thế giới. Trong bối cảnh đó giáo dục đại học Việt Nam - được coi là bậc học quan trọng trong việc chuẩn bị hành trang cần thiết cho các trí thức trẻ tự tin gia nhập thị trường “lao động chất xám” - cũng phải có sự thay đổi trong cách thức đào tạo, nếu không muốn bị tụt hậu. 
 
 
Theo các chuyên gia, giáo dục đại học 4.0 là mô hình giáo dục thông minh, có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường - nhà quản lý - doanh nghiệp. Trường học theo chuẩn 4.0 không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, nơi áp dụng các tiến bộ công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực chất lượng cao… Nếu áp theo các tiêu chí này thì nhiều trường đại học ở Việt Nam chưa đáp ứng được.
 
 
Kỳ 1: Trường một bên, thực tiễn… một bên - ảnh 1
Muốn thành công trong bối cảnh cách mạng 4.0, các cử nhân cần được trang bị kiến thức nền tảng, kỹ năng cần thiết.

 
Vênh giữa bằng cấp và chất lượng thật 
 
Theo Thạc sĩ Đoàn Thanh Thủy, trường ĐH Lao động xã hội cho biết, thực tế hiện nay, giáo dục đại học Việt Nam về tổng thể vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và các doanh nghiệp. Việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao của các trường đại học còn nhiều hạn chế. “Hiện, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, chỉ khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp đại học cao đẳng hàng năm tìm được việc làm, nhưng trong số này cũng chỉ có 30% là được làm đúng ngành nghề được đào tạo”. Không chỉ thấp về lượng, theo Thạc sĩ Thủy, chất lượng cử nhân sau đào tạo cũng là điều đáng bàn. “Tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp loại giỏi theo thống kê của các trường tương đối cao, nhưng khả năng hòa nhập thị trường lao động của các em lại hạn chế”.
 
Dẫn chứng cho nhận định này, Thạc sĩ Thủy đưa ra kết quả khảo sát tại 60 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công nghiệp tại TP HCM về “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng của sinh viên được đào tạo trong 5 năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp” (đánh giá dựa trên các tiêu chí kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc, năng lực nghề nghiệp” cho thấy chỉ có 5% tổng số sinh viên tham gia khảo sát được đánh giá ở mức độ tốt; 15% ở mức độ khá, 30% ở mức độ trung bình và có tới 40% ở mức độ không đạt.  
 
Thạc sĩ Dương Vũ Thái, trường đại học Quảng Bình cũng cho rằng, thời đại cách mạng 4.0, nhân lực phải giỏi nhiều mặt, trong đó không thể thiếu là ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Nhưng, hiện nay, trình độ sử dụng cả tin học và ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam lại rất hạn chế. “Khi tuyển kỹ sư cho cơ sở sản xuất ở thành phố Hồ Chí Minh, công ty Intel đã thực hiện một cuộc kiểm tra đánh giá với 2.000 sinh viên CNTT Việt Nam. Kết quả, chỉ có 5% (tương đương 90 sinh viên) vượt qua cuộc kiểm tra. Trong nhóm này, cũng có 40 người có đủ trình độ tiếng Anh đạt yêu cầu tuyển dụng của công ty”. 
 
Bà Nguyễn Thị Lê Lan - công ty TNHH thương mại và du lịch Indochina cũng từng than phiền nhiều cử nhân yếu kém về tin học, ngoại ngữ. Ngay cả với những cử nhân tiếng Anh khi làm bài kiểm tra TOEIC tại công ty cũng chỉ đạt không quá 300 điểm. Tương tự, về kỹ năng tin học, dù ứng viên có chứng chỉ B nhưng khi làm bài kiểm tra đầu vào cũng không đạt quá 5/10 điểm. Điều này, theo bà Lê Lan, cho thấy sự vênh nhau giữa bằng cấp và năng lực thực sự của các cử nhân còn khá xa. 
 
Doanh nghiệp phải đào tạo lại trước khi sử dụng
 
Khi cử nhân có chất lượng đầu ra thấp, hậu quả là nhiều doanh nghiệp sẽ phải đào tạo lại mới có thể sử dụng được. 
 
Trường ĐH Nông lâm TP HCM đã từng tham khảo ý kiến doanh nghiệp trong quá trình sử dụng sinh viên của trường cho thấy, tất cả doanh nghiệp phải đào tạo thêm kiến thức cho sinh viên. Trong đó có tới hơn một nửa cử nhân cần đào tạo lại về kỹ năng mềm, số còn lại cần bù đắp thiếu hụt về nghiệp vụ chuyên môn. Theo Thạc sĩ Dương Vũ Thái, việc sinh viên Việt Nam sau khi ra trường phải trải qua quá trình thử việc, học việc, tập sự mất thời gian và vất vả hơn sinh viên quốc tế là điều đáng lo ngại.
 
Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập, lẽ ra, nhân lực Việt Nam càng phải tăng về chất thì nay, lại đang có nguy cơ tụt hậu so với các nước khác trong khu vực. Báo cáo về tính cạnh tranh năng lực toàn cầu  2017-2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, về năng lực cạnh tranh của thị trường lao động hàng hóa và lao động Việt Nam có xu thế giảm trong mấy năm gần đây, trong đó có sự suy giảm chất lượng giáo dục đại học, đặc biệt là đào tạo quản lý chỉ xếp hạng 120/137 nước trong bản đánh giá. 
 
Trong khi đó, theo thạc sĩ Lê Đức Thọ, trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển trong khu vực và thế giới đều đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp. Dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, việc máy móc, ro- bot dần thay thế con người sẽ đẩy vô số lao động phổ thông bị mất việc. Do đó, lao động muốn tồn tại trên thị trường lao động, tránh được sự đào thải của quy luật tự nhiên sẽ ngày càng phải trở nên chất lượng hơn để đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cũng có nghĩa, sản phẩm đầu ra của các trường đại học sẽ phải giỏi hơn, có năng lực tốt hơn.
 
“Muốn làm được như vậy, các trường đại học, cao đẳng phải chuyển sang đào tạo theo chuẩn giáo dục 4.0 theo hướng đảm bảo cung cấp khối kiến thức nền tảng, kỹ năng cần thiết cho sinh viên. Tuy nhiên, chính các bạn sinh viên cũng sẽ phải tự dọn đường cho mình để trở thành con người mà các bạn muốn hướng đến trong thời đại mới”. 
 
 
Kỳ 2: Đổi mới là tất yếu
 
Trung Thu 

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.