Kỳ 2: Đổi mới là yêu cầu bắt buộc

Chia sẻ

PNTĐ-Nền công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực 4.0. Vì thế, các trường đại học, nơi cung cấp cho xã hội nhân lực chất lượng cao, cũng sẽ phải đào tạo theo chuẩn giáo dục 4.0.

 
Nền công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực 4.0. Vì thế, các trường đại học, nơi cung cấp cho xã hội nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đất nước, cũng sẽ phải đào tạo theo chuẩn giáo dục 4.0.
 
Kỳ 2: Đổi mới là yêu cầu bắt buộc - ảnh 1
Muốn thành công trong bối cảnh cách mạng 4.0, các cử nhân cần được trang bị kiến thức nền tảng, kỹ năng cần thiết.

 
Đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp
 
Theo Ths Đoàn Thanh Thủy, trường ĐH Lao động xã hội, hiện nay, đào tạo đai học của chúng ta có nhiều bất cập, trong đó nội dung chương trình bài giảng chậm được sửa đổi, chưa được tiêu chuẩn hóa cũng như công nhận trên phạm vi quốc tế. Vì thế, bằng cấp của nước ta cũng chưa được thế giới công nhận, sinh viên khó tham gia các chương trình trao đổi, giao lưu với các trường đại học khác trên thế giới hay chuyển tiếp sang học tại các trường đại học quốc tế sau khi đã tốt nghiệp đại học Việt Nam.
 
Ths Thủy cho rằng, muốn đổi mới, trước tiên, các trường cần tổ chức xây dựng lại chương trình và giáo trình giảng dạy theo hướng mở, cho phép cập nhật thường xuyên về kiến thức trong và ngoài nước, sử dụng giáo trình, học liệu trong nước một cách linh hoạt để giảng dạy cho người học...
 
Cùng quan điểm này, Ths Phạm Thị Hằng, Học viện Hành chính quốc gia cũng cho rằng, đa phần các chương trình giáo dục đại học hiện nay là do trường áp đặt cho người học, không phải những cái xã hội cần. Vì thế, theo Ths Hằng, tới đây, nội dung chương trình đào tạo cần phải được cập nhật thường xuyên kiến thức trong và ngoài nước, bám sát và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành nghề đào tạo. Các trường đại học sẽ không còn “đào tạo cái trường có” mà phải là “đào tạo những gì thị trường cần”. 
 
Ths Trần Thùy Linh, đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ĐH Thái Nguyên chia sẻ, đổi mới đào tạo trong thời đại 4.0 là yêu cầu sống còn của các trường. Chẳng hạn, tại trường đại học Công nghệ và Truyền thông, đã tiến hành đổi mới nội dung chương trình đào tạo của 17 ngành (thiết kế đồ họa, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ truyền thông, công nghệ thông tin…); ứng dụng các phần mềm ứng dụng, thiết bị hiện đại, bài giảng điện tử, giáo trình điện tử phục vụ hoạt động dạy và học.
 
Trong năm học 2017-2018, nhà trường đã điều chỉnh chương trình đào tạo của 17 ngành theo hướng ứng dụng bao gồm điều chỉnh mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội. Bên cạnh đó, trường còn áp dụng chương trình tiên tiến trong đào tạo sinh viên ngành công nghệ thông tin; kết hợp đào tạo cho doanh nghiệp như Samsung, FPT... cử sinh viên đi thực tập có thu nhập tại Nhật Bản, Hàn Quốc… 
 
Theo Ths Nguyễn Thị Thu Hường, trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, cuộc cách mạng 4.0 được sự báo sẽ tác động lớn đến cơ cấu, chất lượng việc làm với tốc độ nhanh nhất, trong đó có ngành dệt may. Số lượng lao động làm việc trong ngành này chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn, đòi hỏi người lao động cần phải được đào tạo, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng và phẩm chất cần thiết mới. Đó là lý do trường ĐH này đã phát triển các khóa đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đối với các khóa đào tạo ngắn hạn, trường tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp.
 
Doanh nghiệp đặt hàng, nhà trường thiết kế chương trình. Các bài tập luyện tập, tình huống thường được thiết kế và cập nhật từ thực tiễn sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Các khóa đào tạo dài hạn được đào tạo tại nhà trường và doanh nghiệp theo mô hình 2 năm + 1 năm ở trình độ cao đẳng. Sinh viên được học các học phần cơ bản và cơ sở, thực hành ban đầu tại nhà trường, phần thực hành nâng cao và thực tập được thực hiện tại doanh nghiệp. Nhờ đó, sinh viên ra trường có thể hòa nhập ngay với thực tế sản xuất kinh doanh.
 
Với hướng tiếp cận đúng theo nhu cầu của doanh nghiệp, trong 5 năm từ 2013-2017, trường đã đào tạo đặt hàng của các doanh nghiệp dệt may 115 lớp đào tạo bồi dưỡng với hơn 4.200 sinh viên và 12 lớp đào tạo dài hạn với hơn 360 sinh viên. Theo Ths Hường, sinh viên được đào tạo theo “đơn đặt hàng của doanh nghiệp” đều được đánh giá tốt.
 
Thách thức cả với người học
 
Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế ILO cho thấy, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. Trong một số lĩnh vực, khi robot xuất hiện sẽ khiến lượng nhân viên giảm xuống chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp.
 
Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trình độ, kỹ năng của học sinh sinh viên Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế 3.0 hiện tại, có thể hoàn toàn không hữu dụng với nền kinh tế 4.0 hoặc dễ dàng bị robot thay thế trong tương lai gần ở một số ngành nghề. Vì thế, cùng với các nhà trường, chính người học cũng phải nhìn nhận nguy cơ để có thay đổi mình. 
 
Theo Ths Trần Thùy Linh, trong bối cảnh cách mạng 4.0, sinh viên sẽ phải tự học, tự đọc nhiều hơn thông qua các kênh khác nhau thay cho lối học phụ thuộc vào thầy trên giảng đường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều sinh viên chưa chủ động, tích cực trong việc tiếp cận với các tin tức, sách báo, tài liệu nước ngoài, giao tiếp với bạn bè quốc tế còn hạn chế. Nhiều em thiếu kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Một số sinh viên không chú trọng học tập, làm việc thiếu hiệu quả do sa đà vào mạng xã hội, giải trí nên chưa khẳng định được bản thân.
 
Một số sinh viên chưa chủ động sáng tạo về công nghệ thông tin áp dụng vào quá trình học tập, thụ động tiếp nhận tri thức, do vậy chưa phát huy được vai trò trong học tập nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ. Nếu không tự thân vận động và khởi nghiệp, sinh viên sẽ khó khăn khi làm việc và bắt đầu cuộc sống mới. Theo Ths Linh, cách mạng 4.0 không chỉ tác động sâu sắc tới các trường đại học mà còn cả với người học.
 
Ths Đoàn Thanh Thủy cũng cho rằng, để chống “thải loại” trong thời đại 4.0, các bạn trẻ hãy chủ động hơn, năng động hơn, không ngừng học hỏi để tự hoàn thiện mình.
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.