Tôn vinh nghệ thuật truyền thống Việt

Chia sẻ

PNTĐ-Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long trong 2 ngày 23 - 24/11/2018 đã tạo một dấu ấn tốt đẹp với người dân và du khách.

 
Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long trong 2 ngày 23 - 24/11/2018 đã tạo một dấu ấn tốt đẹp với người dân và du khách tới tham quan, trải nghiệm di sản Việt. Ngay sau những ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, hàng loạt các hoạt động khác cũng hướng đến tôn vinh nghệ thuật truyền thống, tạo nên những thanh âm rạo rực, thú vị…
 
Tôn vinh nghệ thuật truyền thống Việt  - ảnh 1
Một tiết mục biểu diễn tại Ngày hội Di sản

 
Thích thú với nghệ thuật truyền thống Việt 
 
Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã mang đến cho công chúng nhiều trải nghiệm đặc biệt, các tiết mục biểu diễn được dàn dựng công phu, mang âm hưởng “nghìn xưa vọng lại” cùng với sự xuất hiện của các nghệ nhân nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật dân gian của Việt Nam như: hát Then, Bài chòi, Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Xẩm... 
 
Đoàn nghệ thuật biểu diễn tỉnh Lạng Sơn đã đem đến cho khán giả tiết mục hát Then đầy ấn tượng. Sự say mê của các nghệ sĩ khi biểu diễn khiến người xem như được hòa mình vào không khí mùa hội của đồng bào dân tộc. Hát Then vốn là một thể loại ca nhạc tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái và thường sử dụng vào những dịp trọng đại như hội làng, cầu đảo… Theo bà Phạm Thị Tuyết, Phó trưởng đoàn biểu diễn tỉnh Lạng Sơn, trước khi đến với Ngày hội Di sản, đoàn biểu diễn đã nỗ lực, tập luyện. 
 
Một tiết mục khác cũng thu hút người xem của Ngày hội Di sản 2018 là màn múa trống hội khí thế, hào hùng của đoàn Nghệ thuật Trống hội Thăng Long UNESCO. Theo bà Hoàng Thị Minh Tám, trưởng đoàn Nghệ thuật Trống hội Thăng Long UNESCO, múa trống hội là một hình thức biểu diễn nghệ thuật truyền thống có từ lâu đời được sử dụng rộng rãi trong các lễ hội đình, đền, chùa. Bên cạnh đó, trong Ngày hội di sản, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác được diễn xướng, giới thiệu với khán giả Thủ đô và du khách quốc tế như làn điệu dân ca quan họ “Mời nước, mời trầu”, do liền anh, liền chị Đoàn nghệ thuật dân gian sông Hồng biểu diễn hay màn biểu diễn hát xẩm “Bắc kỳ vui nhất Hà thành” do những thành viên Đoàn Trống hội Thăng Long thể hiện.
 
Thăng hoa những thanh âm truyền thống
 
Ngay sau Ngày hội di sản, những thanh âm của nghệ thuật truyền thống như được thăng hoa hơn, “phủ” dài, rộng hơn với sự kiện Festival quốc tế Âm nhạc mới Á-Âu 2018 vừa được khai mạc tối 24/11 tại Hà Nội. Với chủ đề “Nhịp cầu âm thanh Á-Âu”, Festival lần này cũng là một diễn đàn nghệ thuật tiếp tục gắn kết các dân tộc trong sự nghiệp sáng tạo âm nhạc hướng đến chân-thiện-mỹ. Tham dự Festival lần này có hơn 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ khắp thế giới. Festival gồm 5 chương trình hòa nhạc chính với nhiều tác phẩm ở các thể loại khác nhau: Giao hưởng, thính phòng, hợp xướng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc với nhạc cụ phương Tây.
 
Đặc biệt, Festival còn có một số hoạt động giới thiệu nhạc cụ dân tộc, nghi lễ âm nhạc cổ truyền Việt Nam và giao lưu dã ngoại tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Đây là dịp để bạn bè quốc tế thêm hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống Việt Nam cũng như các nhạc cụ dân tộc. Trong đêm khai mạc, cây đàn bầu độc đáo của người Việt cũng được vinh danh. 
 
Ngay sau Liên hoan âm nhạc Á - Âu, nghệ thuật truyền thống Việt thêm tưng bừng hơn khi công chúng đang háo hức đón đợi chương trình Xưa trước, nay sau diễn ra vào ngày 1/12 tại Hà Nội. Đây là đêm diễn với sự kết hợp độc đáo giữa nhạc đương đại và nhạc cổ truyền Việt Nam. Ngoài những tác phẩm nhạc cổ như: Nguyệt hạo (tuồng cổ), Ru kệ (chèo cổ), nhạc lễ Phật giáo, thì 2 tác phẩm khá thu hút, đáng chờ đợi là Khói Trương Chi và Khói sóng của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo được nhóm nhạc đương đại Hanoi New Music Ensemble và nhóm Đông kinh cổ nhạc biểu diễn cùng 2 khách mời: Nghệ sĩ Ngô Trà My (đàn bầu) và Phạm Trà My (đàn tranh). Chương trình đưa khán giả đến với những xúc cảm nhạc truyền thống xưa đồng thời hòa quyện với những thanh âm hiện đại hôm nay, tạo nên dòng chảy bất tận của nghệ thuật truyền thống.
 
Mai Vân

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.