Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình: Vẫn còn nhiều bất cập

Chia sẻ

PNTĐ-Ngày 12/12/2018, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình (2008-2018).

 
 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham dự và chỉ đạo hội nghị.
 
Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình: Vẫn còn nhiều bất cập - ảnh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Nhân rộng các mô hình phòng chống BLGĐ
 
Sau 10 năm thi hành Luật, công tác phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã có những kết quả tích cực. Hiệu quả nhất là công tác truyền thông và nhân rộng các mô hình phòng chống BLGĐ thí điểm giai đoạn 2008-2010 tại 64 xã phường, thị trấn thuộc 64 tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Tổng kết sau 3 năm thí điểm cho thấy, số vụ BLGĐ giảm 77,8% so với trước khi triển khai mô hình. Từ kết quả này, Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc.
 
Theo thống kê tại 61/63 tỉnh, thành phố có khoảng 74,85 xã/phường, thị trấn triển khai mô hình phòng chống BLGĐ. Các mô hình này đã và đang đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về phòng chống BLGĐ, thực hiện can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ ngay tại cộng đồng. 
 
Trong đó, phải kể đến các mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên phụ nữ của Hội LHPN Việt Nam. Đến tháng 9/2018, hệ thống Hội trên toàn quốc có 14 Trung tâm tư vấn pháp luật. Giai đoạn 2008-2018, các trung tâm đã tổ chức tư vấn được 14.783 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn cho 134.873 người; có 7.848 cơ sở y tế khám chữa bệnh và đón tiếp nạn nhân tạm lánh. Đặc biệt, mô hình Tổ trợ giúp pháp lý miễn phí, Tư vấn pháp luật online của nhiều tỉnh/thành (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Đăk Lăk...) đã hoạt động hiệu quả, kịp thời tư vấn pháp luật, phòng chống BLGĐ cho hội viên phụ nữ nói chung và nạn nhân bị BLGĐ nói riêng.
 
Mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng với gần 30.000 địa chỉ do Hội LHPN cấp cơ sở thực hiện đã kịp thời giải quyết những vụ việc khẩn cấp tại cơ sở để bảo vệ phụ nữ bị bạo lực, động viên về tinh thần, hướng dẫn chị em kiến thức, kỹ năng phòng chống BLGĐ; tư vấn giải quyết các vấn đề liên quan đến bạo lực, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình... Mô hình Ngôi nhà bình yên của TW Hội đã trở thành mô hình điển hình trong hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị mua bán và bị BLGĐ phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. 
 
Thống kê của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) cũng cho thấy, các vụ việc liên quan đến BLGĐ cũng đã được phát hiện và đưa ra xét xử nghiêm minh. Cụ thể, từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/7/2018, TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân BLGĐ như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn).
 
Các Tòa án cũng đã thụ lý, xét xử 56 vụ/60 bị cáo phạm tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, và nhiều vụ án hình sự có liên quan đến BLGĐ tập trung vào nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, trong đó chủ yếu là các tội: “Giết người”, “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, “Hiếp dâm trẻ em”, “Giao cấu với trẻ em”, “Dâm ô với trẻ em”…
 
Nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm nghiêm trọng đạo đức, luân thường, đạo lý; gây hoang mang, bức xúc trong xã hội như: chồng giết vợ chặt làm nhiều khúc đem phi tang; vợ giết chồng do thường xuyên bị chồng đánh đập, ngược đãi; bố hiếp dâm con gái còn nhỏ tuổi trong thời gian dài; mẹ giết con để trả thù chồng; con giết bố, mẹ…
 
Luật vẫn nhiều bất cập khi đi vào cuộc sống
 
Từ công tác xét xử của các cấp tòa án cho thấy thực tiễn xét xử các vụ án liên quan đến BLGĐ vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật, cụ thể như: 
 
 Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống BLGĐ quy định về các hành vi BLGĐ. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy đã xuất hiện nhiều loại hành vi có tính chất BLGĐ chưa được quy định trong Luật, như: hành vi ép buộc mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con; ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi, ngăn cản không cho sử dụng biện pháp tránh thai…
 
 Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm tiếp xúc với nạn nhân BLGĐ” cho đến nay chưa được Tòa án nào áp dụng do trong quá trình giải quyết vụ án, các Toà án không nhận được đơn của nạn nhân BLGĐ hay của người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, mặc dù có đương sự trong một số vụ án đã bị hoặc có nguy cơ bị bạo hành nghiêm trọng. Điều này cho thấy việc quy định của Luật Phòng, chống BLGĐ và Bộ luật Tố tụng dân sự là phải có đơn thì các Toà án mới được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, có thể sẽ dẫn đến việc không kịp thời bảo vệ tính mạng, sức khỏe của đối tượng cần được bảo vệ.  
 
Do quan hệ phụ thuộc về kinh tế, tình cảm nên việc phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi liên quan đến BLGĐ thường gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan có thẩm quyền không có biện pháp bảo vệ kịp thời người bị xâm hại; công tác thu thập chứng cứ, điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn; thời gian giải quyết bị kéo dài, nhiều trường hợp không đủ căn cứ để chứng minh hành vi vi phạm. 
 
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự liên quan đến BLGĐ, một số trường hợp người làm chứng không khai đầy đủ, cố ý bao che; hoặc người bị bạo hành xin bảo lãnh tại ngoại, giảm án cho người có hành vi BLGĐ… nên cơ quan tiến hành tố tụng không thể bảo vệ triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân BLGĐ. 
 
Tranh chấp về tài sản trong quá trình giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến BLGĐ thường phức tạp, việc điều tra xác minh tài sản chung vợ chồng rất khó khăn. Nguyên nhân một phần do mâu thuẫn kéo dài nhiều năm, các đương sự sống ly thân, đã tẩu tán tài sản hoặc gây cản trở trong quá trình đo đạc, định giá tài sản, ảnh hưởng tới việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân BLGĐ. 
 
Một bất cập khác là dù Luật đã được thi hành 10 năm nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về quốc gia về BLGĐ. Điều này dẫn đến tình trạng chúng ta thiếu căn cứ cụ thể, bằng chứng cho việc khuyến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan. Cũng như, mỗi ngành, mỗi cấp đánh giá thực trạng BLGĐ theo một con số, mức độ khác nhau. 
 
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng thừa nhận trong thực tiễn, BLGĐ vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Điều này cho thấy vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn trong quá trình triển khai, thi hành pháp luật về phòng chống BLGĐ.
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng phòng, chống BLGĐ là một nhiệm vụ quan trọng, nằm trong tổng thể xây dựng đời sống văn hoá, con người, là hành động cần thiết để bảo vệ quyền con người, đặc biệt bảo vệ quyền trẻ em, bình đẳng giới. Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian chờ sửa Luật thì làm sao thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật phòng, chống BLGĐ hiện nay. Đặc biệt là phải đánh giá đúng thực trạng, bởi theo công tác thống kê số vụ việc BLGĐ của ngành toà án đã khác với ngành VHTT&DL, số liệu từ hội phụ nữ, các đoàn thể cũng có khác biệt.
 
“Không đánh giá được thực trạng làm sao có giải pháp đúng? Cái này chúng ta phải chấn chỉnh. Cùng với đó, phải tuyên truyền rất cụ thể những hành vi bị xử lý theo Luật Phòng, chống BLGĐ”- Phó Thủ tướng yêu cầu.
 
 
Hạ Thi 

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.