Y tế Việt Nam đón đầu công nghệ 4.0

Chia sẻ

PNTĐ-Thế giới đang bước vào cách mạng công nghệ 4.0. Đối với y học Việt Nam, việc làm chủ và ứng dụng thành công nhiều công nghệ thông minh đã mở ra nhiều triển vọng...

 
Thế giới đang bước vào cách mạng công nghệ 4.0. Đối với y học Việt Nam, việc làm chủ và ứng dụng thành công nhiều công nghệ thông minh đã mở ra nhiều triển vọng, giúp bác sĩ chẩn đoán, điều trị các căn bệnh khó cũng như chăm sóc bệnh nhân trong tương lai ngày càng tốt hơn.
 
Y tế Việt Nam đón đầu công nghệ 4.0 - ảnh 1
Bác sĩ BV Việt Đức chỉ đạo trực tuyến ca phẫu thuật, cứu sống bệnh nhân chấn thương sọ não tại BV Điện Biên

 
Mổ nội soi cho bệnh nhi 5kg bằng robot 
 
Việt Nam là nước thứ 2 ở châu Á và là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ứng dụng công nghệ phẫu thuật robot. Hàng ngàn bệnh nhân với nhiều ca bệnh phức tạp đã được điều trị bằng công nghệ mới này, như: phẫu thuật thay khớp gối, thay khớp háng, phẫu thuật thần kinh cho người u não… (BV Bạch Mai); phẫu thuật chỉnh hình cột sống (tại BV Việt Đức); ung thư đại trực tràng, tiết niệu, ung thư cổ tử cung (BV Vinmec Times City); phẫu thuật điều trị các bệnh nhi khoa: phình đại tràng bẩm sinh, u nang ống mật chủ, hội chứng hẹp khúc nối bể thận niệu quản, các khối u trong ổ bụng (BV Nhi TƯ)… 
 
Năm 2018, Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều thành tựu trong ứng dụng robot phẫu thuật. Tháng 6/2018, BV Chợ Rẫy lần đầu tiên thực hiện thành công 2 ca lấy thận ghép ở người sống bằng phẫu thuật nội soi có robot hỗ trợ. Tiếp đó, ngày 13/7, BV ứng dụng robot phẫu thuật mổ tuyến ức, điều trị thành công cho một nữ bệnh nhân 35 tuổi. Ngày 4/8, BV thực hiện thành công ca cắt thực quản nội soi ngực phải và nạo hạch 3 vùng cổ - ngực - bụng đầu tiên bằng robot, trong hoàn cảnh bệnh nhân bị cùng lúc 2 loại ung thư. Tháng 11/2018, BV đa khoa Vinmec Times City cũng đã ứng dụng robot vào phẫu thuật thành công ca ung thư dạ dày đầu tiên trên cả nước…
 
Trên thế giới, chỉ một số nước như: Mỹ, Hàn… sử dụng robot phẫu thuật cho bệnh nhi. Tại Việt Nam, BV Nhi TƯ cũng đã ứng dụng rất thành công công nghệ này. TS.BS Phạm Duy Hiền - Giám đốc Trung tâm ứng dụng robot trong phẫu thuật nội soi, Trưởng khoa Ngoại (BV Nhi TƯ) cho biết: Đến nay, BV đã thực hiện thành công gần 300 ca phẫu thuật cho các bệnh nhi (có bệnh nhi chỉ nặng 5kg) bằng cánh tay robot nặng tới tới 1,8 tấn. “Với trẻ nhỏ dưới 10kg, việc đặt các dụng cụ phẫu thuật trên thành bụng rất khó khăn do thành bụng trẻ hẹp, có nguy cơ va đập trong quá trình phẫu tích (tách các thành phần cấu tạo của một bộ phận, một vùng). Để robot chấp nhận phẫu tích ở khoảng cách hẹp mà vẫn an toàn đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt và thao tác chuẩn xác của bác sĩ”.
 
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế khẳng định: Việc ứng dụng robot trong phẫu thuật các bệnh lý phức tạp đã đánh dấu bước phát triển mới trong ứng dụng công nghệ cao của các bệnh viện và ngành y tế. Nhờ đó, nhiều ca bệnh khó sẽ không cần phải ra nước ngoài chữa trị mà người dân có thể được thụ hưởng các kỹ thuật cao ở ngay trong nước một cách hiệu quả, giảm được nhiều chi phí khám, chữa bệnh.
 
Từ thiết bị thông minh đến “bệnh viện thông minh”
 
Theo chia sẻ của GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức, mới đây nhờ kết nối hệ thống y tế từ xa Telemedicine giữa BV và BV Đa khoa tỉnh Điện Biên (BV Điện Biên), một nam bệnh nhân 31 tuổi (dân tộc Mông, tại bản Tà Lèng, xã Tà Lèng, TP Điện Biên Phủ) bị chấn thương sọ não kín, tụ máu ngoài màng cứng thái dương bên phải, hôn mê rất sâu, tính mạng hết sức nguy kịch đã được cứu sống kịp thời. Đây là một ca bệnh khó, cần phẫu thuật càng sớm càng tốt nhưng vượt tầm xử lý của một BV tuyến tỉnh.
 
Do tính cấp bách và thực tế khó khăn trong di chuyển, đội ngũ chuyên gia BV Việt Đức gồm các bác sĩ đầu ngành: GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc BV; TS.BS Lê Hồng Nhân - Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh II; Ths.BS Đỗ Danh Quỳnh - Giám đốc Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa đã quyết định hỗ trợ, hướng dẫn các bác sĩ của BV Điện Biên phẫu thuật trực tuyến qua hệ thống Telemedicine. Trong suốt quá trình phẫu thuật trực tuyến, các thao tác, diễn biến ca mổ, tình trạng bệnh nhân được truyền hình ảnh trực tiếp trực tiếp về BV Việt Đức, là căn cứ để bác sĩ tại đây hướng dẫn, chỉ đạo. Sau gần 2 giờ phối hợp, ca phẫu thuật thực hiện thành công, bệnh nhân được cứu qua cơn nguy kịch.
 
GS.TS Trần Bình Giang cho biết, đến nay đã có nhiều ca bệnh được cứu sống nhờ sự kết nối giữa các tuyến điều trị qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine. Chỉ cần một màn hình máy tính và thiết bị đầu cuối trên nền tảng mạng internet có sẵn, cán bộ y tế trạm y tế xã, phường có thể kết nối với tuyến trên để tiếp nhận kiến thức y tế một cách nhanh chóng, kịp thời, tiện lợi bất cứ lúc nào mà không cần phải di chuyển lên tuyến trên; các bác sĩ tại BV đa khoa tỉnh cũng có thể hội chẩn trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành của BV tuyến TƯ ngay tại phòng mổ, giúp việc xử lý những ca bệnh khó thêm kịp thời, chính xác. Đây là một trong những thành tựu của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào y khoa, đặc biệt trong triển khai Dự án BV vệ tinh của Bộ Y tế.
 
Không chỉ ứng dụng robot vào phẫu thuật hay dùng CNTT để khám, chữa bệnh trực tuyến, luồng “gió” 4.0 đang thực sự bùng nổ trong y học, biến BV trở thành một bộ máy “thông minh” với vô vàn công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud)… giúp các bác sĩ thu thập và xử lý dữ liệu nhanh hơn. Đơn cử như tại tỉnh Quảng Ninh - địa phương triển khai thí điểm mô hình BV thông minh tại 3 BV: BV đa khoa tỉnh, BV Sản Nhi, BV Bãi Cháy. Tới nay, BV Sản Nhi tỉnh đã phát hành trên 24.000 thẻ khám bệnh thông minh. Mỗi ngày BV tiếp nhận 500-700 lượt bệnh nhân khám sử dụng thẻ, giúp giảm tải thời gian cho bệnh nhân, bác sĩ. Người bệnh cũng dễ dàng xem kết quả khám của mình, bệnh sử, hồ sơ các lần khám trước ngay trên website bệnh viện.
 
 Có thể thấy, dáng dấp của y tế thông minh ở nước ta đang được hình thành và hoàn thiện mỗi ngày, từ ứng dụng CNTT trong thiết bị y tế, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại áp dụng vào chẩn đoán, điều trị… đến ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành hoạt động y tế. Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh 3 việc cấp thiết cần thúc đẩy làm nhanh trong những năm tiếp theo là: Xây dựng bệnh viện thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, quản trị hệ thống y tế thông minh. 
 
 
Yên Hưng

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.