Khi người trẻ làm phim tài liệu

Chia sẻ

PNTĐ-Tối 25/1, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã diễn ra Lễ trao giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ III mang tên “Búa liềm Vàng”.

 
Tại buổi lễ, 56 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất đã được tôn vinh. Thật vinh dự và tự hào, tác phẩm phim tài liệu “Ngọn lửa lòng dân” của chúng tôi đạt giải “Tác phẩm xuất sắc của tác giả trẻ tuổi”. Trong niềm vui sướng hân hoan về giải thưởng cao quý trên, tôi cũng muốn chia sẻ về những kỉ niệm và khó khăn khi làm bộ phim này, mang đến góc nhìn riêng của người sáng tác trẻ khi lựa chọn “dấn thân” vào thể loại phim tài liệu.
 
 “Ngọn lửa lòng dân” thúc đẩy đấu tranh chống tham nhũng
 
Nạn tham nhũng hoành hành, lũng đoạn một bộ phận cán bộ Đảng viên, biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, tàn phá đất nước, gây bức xúc trong dư luận. Với thái độ kiên quyết, nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện, tố cáo, đấu tranh nạn tham nhũng. Đảng trí tuệ, nhân dân một lòng đoàn kết, sẽ tìm ra biện pháp chỉ mặt, gọi tên những kẻ tham nhũng, thao túng quyền lực, chạy chức chạy quyền... để xử phạt nghiêm minh.
 
Bộ phim tài liệu “Ngọn lửa lòng dân” ca ngợi vai trò đặc biệt quan trọng của nhân dân trong việc phát hiện, tố cáo, đấu tranh chống nạn tham nhũng. Qua bộ phim, chúng tôi muốn khẳng định: Công cuộc phòng, chống tham nhũng đúng theo kỷ luật Đảng, thuận lòng dân, không chỉ cần sự quyết tâm của những người đứng đầu Bộ Chính trị, mà còn cần sự chung sức đồng lòng của toàn thể nhân dân. Việc chống tham nhũng phải xuất phát từ chính quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân thì mới đi đến thắng lợi. Đảng ta đã làm cho nhân dân nhận thức được trách nhiệm quan trọng của mình trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, khơi dậy tinh thần yêu nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng.
 
Kỉ niệm về 6 tháng theo đuổi làm phim gian khó
 
Nhận được Giải thưởng “Tác phẩm xuất sắc của tác giả trẻ tuổi” dành cho nhóm tác giả của phim, chúng tôi không thể giấu được niềm vui sướng hân hoan và tự hào sâu sắc. Bởi vì để hoàn thành được bộ phim đó, nhóm tác giả trẻ chúng tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong suốt hành trình gần 6 tháng làm phim. Có thể nói phim tài liệu là một thể loại khó, mà người sáng tác trẻ dám “dấn thân” vào làm phim tài liệu sẽ càng khó hơn.
 
Nhóm tác giả trẻ gồm tôi và bạn Thùy Trang - 2 nữ sinh viên năm thứ 3 tại Học viện Báo chí và tuyên truyền. Cái khó đầu tiên, chính là danh “sinh viên” mà chúng tôi vẫn đang mang trên mình. Khi chúng tôi đi làm phim, câu nói được nghe nhiều nhất sẽ là “Các em vẫn là sinh viên mà đã đi làm phim rồi sao?” và nhận được ánh mắt không đặt nhiều sự tin tưởng. Tôi đã tự nghĩ “Chẳng lẽ là sinh viên thì lại không được đi làm phim? Vậy có phải là một sự phân biệt, hay chăng họ đang phủ nhận khả năng và sự sáng tạo của người trẻ?”. Và thực sự, một cơ quan Báo chí sẽ rất khó chấp nhận kí hợp đồng làm phim với sinh viên. Đây là một thiệt thòi rất lớn đối với sinh viên nếu họ có ý tưởng và mong muốn làm phim.
 
 
Khi người trẻ làm phim tài liệu  - ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư TW Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao giải thưởng cho 2 tác giả (Bích Ngọc, Thùy Trang) đạt giải “Tác phẩm xuất sắc của tác giả trẻ tuổi”

Nhưng, chúng tôi đã thật may mắn khi gặp được Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng - một người ông, người thầy “lão luyện” trong làng đạo diễn phim tài liệu. Ông là người rất trân trọng khả năng của người trẻ, luôn khuyến khích người trẻ dám dấn thân, xông pha vào thể loại phim khó.
 
Ông sẵn sàng đứng ra kí hợp đồng với Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam để chúng tôi có thể tham gia làm bộ phim này. Và khi đạt được thành quả của bộ phim ngày hôm nay, những giây phút đầu tiên hân hoan trong niềm vui sướng, chúng tôi biết ơn và trân trọng sự hy sinh, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ của NSƯT Phạm Việt Tùng biết nhường nào.
 
Khi người trẻ làm phim tài liệu  - ảnh 2
NSƯT Phạm Việt Tùng (bìa phải) và ê-kíp làm phim cùng với các chiến sĩ Hải quân

 
Về quá trình từ một kịch bản phim đến khi có một tác phẩm phim hoàn chỉnh, có những thay đổi rất khác biệt. Chúng tôi có rất nhiều những kỉ niệm “dở khóc dở cười” trong suốt hành trình đi quay hiện trường. Bộ phim “Ngọn lửa lòng dân” làm về công cuộc phòng chống tham nhũng, nên khi về một số địa phương để liên hệ quay cũng có sự tránh né. Khi chúng tôi làm công tác tư tưởng cho nhân vật trả lời phỏng vấn, họ nói được theo ý mình cần để sử dụng cho phim, nhưng khi bấm máy thì nhân vật lại tránh nói đến vấn đề tham nhũng, và có sự vòng vo, không nói được ý chính mình cần. Có những nhân vật phỏng vấn có người bên cạnh chỉ huy lời nói, nên mất đi tính chân thực của thể loại phim tài liệu. Và mặc dù cả ekip đã mất bao công sức chuẩn bị, phỏng vấn đó vẫn không sử dụng được cho phim.
 
Khi đi quay hiện trường, không phải lúc nào chúng tôi cũng có điều kiện quay thuận lợi. Ví dụ như cảnh quay lúc 2h sáng tại chợ đầu mối Long Biên, cả đoàn làm phim đã phải thức cả đêm để có thể đi quay đúng giờ; rồi quay ở mỏ than Hà Lầm - Quảng Ninh, mặc dù cảnh đã có trong kịch bản phim nhưng chúng tôi là phụ nữ nên không được cho xuống hầm mỏ; rồi cảnh quay bữa cơm sau giờ giao ca của công nhân than Hà Lầm, vì phải phụ thuộc vào thời gian đổi ca của công nhân, nên chúng tôi phải quay lúc 12h đêm, xe lần mò theo đường dốc núi tối đen, đường gập ghềnh đầy bụi than… cảnh quay kết thúc vào lúc 1h30 sáng; kỉ niệm đi quay ở Cao Bằng, chúng tôi đi đường đèo hơn một tiếng đồng hồ để quay được một phỏng vấn 3 phút trong phim…
 
Càng trải qua những khó khăn của hiện trường như thế, chúng tôi càng thêm khâm phục NSƯT Phạm Việt Tùng, khi ở tuổi 80, ông vẫn mang vác máy quay phim rất to và nặng, để quay cho chúng tôi những thước phim chân thực nhất, thể hiện được đúng ý phim qua hình ảnh. Chúng tôi rất khâm phục tấm gương đạo đức nghề nghiệp của ông. 
 
Những giúp đỡ từ tâm, đặt trọn tấm lòng niềm tin vào thế hệ trẻ
 
Với chức năng nhiệm vụ của nghề nghiệp, thì đạo diễn chính là người điều khiển quay phim trên hiện trường. Với độ tuổi đôi mươi, mang trên mình chức danh đạo diễn và biên kịch, chúng tôi chủ yếu là làm việc với những quay phim kinh nghiệm và đứng tuổi. Do vậy, mặc dù chức năng nhiệm vụ nghề nghiệp là mình có quyền chỉ đạo quay phim đấy, nhưng chúng tôi lại phải rất khéo léo trong việc bàn bạc, thống nhất cảnh quay với quay phim, làm sao để vừa giữ được chuẩn mực tôn trọng các chú các bác, vừa đạt được nội dung hình ảnh mình cần.
 
Thật may mắn, những người quay phim hỗ trợ chúng tôi trong bộ phim “Ngọn lửa lòng dân” luôn tin tưởng và thực sự để đất sáng tạo hình ảnh cho chúng tôi. Các bác các chú không câu nệ về mặt tuổi tác, sẵn sàng thực hiện theo đúng chức năng nghề nghiệp, đó đã là sự tôn trọng và tin tưởng rất nhiều mà thế hệ đi trước dành cho chúng tôi. 
 
Một tác phẩm phim tài liệu xuất sắc, bên cạnh việc chọn lọc kỹ lưỡng về hình ảnh, thì lời bình là yếu tố vô cùng quan trọng, tạo nên sức nặng của bộ phim, quyết định sự thành hay bại của tác phẩm đó. Nhất là bộ phim về chính trị, thì người viết lời bình ngoài vốn sống và vốn từ phong phú, cần có sự thấu đáo và vững vàng về chính trị. Đây cũng sẽ là thử thách rất lớn đối với người trẻ khi dấn thân vào thể loại phim này.
 
May mắn cho chúng tôi khi đã liên hệ được với Thiếu tướng - Nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Chiến lược và Lịch sử Công an, Viện trưởng Viện Lịch sử CAND, về việc mời ông tham gia viết lời bình cho phim “Ngọn lửa lòng dân”. Ông đã rất vui vẻ mà nhận lời, với lòng yêu quý và sự nhiệt tình của một người đi trước luôn sẵn lòng giúp đỡ thế hệ trẻ.
 
Với tâm huyết khi viết lời bình của Thiếu tướng - Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, bộ phim “Ngọn lửa lòng dân” đã được đánh giá rất cao về nội dung, là yếu tố quan trọng giúp các tác giả của phim nhận được giải thưởng “Búa liềm Vàng 2018”.
 
Đúc kết vô giá từ việc làm phim - bài học về “Nghề”
 
Khi làm bộ phim tài liệu này, có một câu nói từ người thầy mà chúng tôi luôn nhớ “Làm nghề này phụ nữ cũng phải như một người đàn ông”. Bởi vì sao, vì chúng tôi bắt buộc phải lăn xả, phải chấp nhận và làm quen những đêm thức trắng để làm hậu kì, ngủ những nơi không phải “chăn ấm đệm êm”, có thể chỉ là một góc bàn góc ghế, nhưng phải lăn xả như vậy để hoàn thành được phim đúng tiến độ. Việc cân bằng giữa việc học trên lớp và thời gian làm phim cũng chính là một khó khăn của sinh viên. Do đó, sinh viên khi làm phim thực sự cần có sự đánh đổi, lòng kiên trì và đặc biệt là tình yêu với nghề. Và tình yêu ấy không ở đâu xa, nó còn được ươm mầm từ lòng tin yêu, sự quan tâm và tạo điều kiện của những người đi trước dành cho thế hệ trẻ.
 
Tôi luôn nhớ đến những dòng tâm sự của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc trong cuốn nhật kí “Mãi mãi tuổi hai mươi” mà tôi đã say mê đọc những năm tháng tuổi học trò: “Bất kỳ một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng một giá, và khó khăn gian khổ thật nhiều, và thử thách càng nhiều, sự vinh quang ấy càng trở nên rực rỡ…”.
 
Bây giờ, khi nhìn lại những khó khăn trong suốt gần 6 tháng làm phim, chúng tôi không cảm thấy đó là một điều thiệt thòi. Bởi vì nhìn vào những khó khăn ấy, chúng tôi càng cảm thấy tự hào khi mình đã vượt qua được nó để trưởng thành. Và giải thưởng “Tác phẩm xuất sắc của tác giả trẻ tuổi” của “Búa liềm Vàng 2018” chính là “vinh quang rực rỡ”, là nguồn động viên thật sự lớn lao đối với những sáng tác trẻ như chúng tôi. Thật mong rằng, thế hệ đi trước sẽ luôn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát huy tính sáng tạo, phát huy được khả năng của mình, để mang đến những tác phẩm báo chí xuất sắc dành cho công chúng.
 
Bích Ngọc

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

(PNTĐ) - Tối qua, 23/4 công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chính thức khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách. Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.