Tháng Giêng năm ấy

Chia sẻ
 
Tháng Giêng năm ấy hôm Rằm 
câu thơ soi bóng tơ tằm xênh xang
rồi bay lên với mênh mang
rồi trong trời đất chứa chan dáng hình

 
Tháng Giêng năm ấy sân đình
ta buông vạt áo đợi mình sang sông
vườn xanh đợi cải lên ngồng
làng bên nụ biếc đợi hồng lối hoa
Giêng Hai ta trở lại nhà
mây trôi mấy nẻo đường xa gió lùa
sương giăng như bị bỏ bùa
tơ buông thảng thốt suốt mùa hoa xoan

 
Tháng Giêng năm ấy người ngoan
sang ngang với một vầng trăng chưa Rằm…
 
 
Trần Kim Hoa
 
Lời bình: 
 
Tháng Giêng - tháng mở đầu một năm bao giờ cũng gợi nên một ký ức khó phai mờ của ngoái nhìn, của trông lại. Ký ức trong bài thơ Tháng Giêng năm ấy đẹp và buồn. Và đây lại là Rằm tháng Giêng với biết bao nỗi hoài vọng nhớ nhung, biết bao chan chứa nỗi niềm - một kết cục báo hiệu ngỡ như viên mãn trong khắc khoải, đợi trông.
 
Tháng Giêng năm ấy hóa thân vào chiều sâu tâm trạng với “câu thơ soi bóng tơ tằm xênh xang” trong không gian ôm chứa một “dáng hình” của niềm ám ảnh khôn nguôi. Sự đời có bao giờ chiều lòng người, nghịch lý của một tình huống xảy ra trước khi “ta buông vạt áo đợi mình sang sông” của lần đi hội năm ấy mà người thương vẫn còn hi vọng, vẫn còn mong nhớ: vườn xanh đợi cải lên ngồng - làng bên nụ biếc đợi hồng lối hoa như cứa vào lòng ta sự sự day dứt, nuối tiếc của một ước nguyện không thành.
 
Tháng Giêng năm ấy trong hồi ức tác giả chuyển vào nội giới tâm trạng với sự xa vắng, lẻ loi: Giêng Hai ta trở lại nhà - mây trôi mấy nẻo, đường xa gió lùa - sương giăng như bị bỏ bùa - tơ buông thảng thốt suốt mùa hoa xoan. Ta như hình dung ra sự “thảng thốt” này như bị “nhiễm từ” bị “bỏ bùa” trên nẻo đường xa bời bời bởi sự xao xác cô lẻ, phân chia, ly tán: Mây trôi mấy nẻo đường xa gió lùa. Và tháng Giêng năm ấy được tác giả hóa giải trong hình tượng vầng trăng “hôm rằm” ở khổ thơ đầu đến chưa rằm của “người ngoan” ở khổ thơ cuối càng gợi lên sự không trọn vẹn của mối tình đơn phương, của dịch chuyển thời gian: tháng Giêng năm ấy người ngoan - sang ngang với một vầng trăng chưa Rằm.
 
Và qua bài thơ nữ sĩ Trần Kim Hoa đã cho ta thấy một câu chuyện tình buồn có kết cấu chặt chẽ với những thi liệu, thi ảnh truyền thống được khai mở trong tình huống éo le đẹp và buồn và có điều đáng bàn là không hề gợi nên những bi lụy thường thấy trong tình duyên lỡ dở. Tháng Giêng năm ấy sẽ đi suốt cuộc đời ta với sự kỳ ảo ấy, với niềm tiếc nuối khôn nguôi, lay thức tâm trí ta trong hành trình viễn du khi nhớ về quá vãng, một quá vãng “một đi không trở lại” này.
 
 
Nguyễn Thanh Kim
 

Tin cùng chuyên mục