“3 sạch” phòng chống sốt xuất huyết

Chia sẻ

PNTĐ-Tháng 6 - 8 hàng năm là thời điểm bệnh sốt xuất huyết (SXH) xuất hiện; đỉnh dịch rơi vào tháng 9 - 11. Năm nay, mới là tháng 3 nhưng SXH đã có dấu hiệu gia tăng.

  
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền cho người lành qua vết đốt. Bệnh có thể bùng phát thành dịch nhưng hoàn toàn kiểm soát được nếu môi trường sạch sẽ, muỗi truyền bệnh không có cơ hội sinh sôi. 
 
Tháng 6 - 8 hàng năm là thời điểm bệnh SXH xuất hiện; đỉnh dịch rơi vào tháng 9 - 11. Năm nay, mới là tháng 3 nhưng SXH đã có dấu hiệu gia tăng. Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm tới nay toàn thành phố ghi nhận hơn 150 trường hợp mắc SXH (tăng hơn 2,4 lần so với cùng kỳ 2018), xuất hiện rải rác tại 95 xã, phường, thị trấn của 27 quận, huyện, thị xã, tuy nhiên chưa có ca tử vong.
 
Thời tiết miền Bắc biến động thất thường, nền nhiệt chênh lệch giữa ngày - đêm lớn, độ ẩm trong không khí cao tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus, các loại côn trùng, ấu trùng (muỗi, bọ gậy…) sinh sôi, phát triển; cộng với đặc điểm của hầu hết quận, huyện trên địa bàn Hà Nội: nhiều công trình đang xây dựng, mật độ dân số đông, lượng người dân từ nơi khác về cư trú lớn, nhiều nhà trọ… dẫn tới điều kiện sống thiếu ổn định, khó kiểm soát tình hình vệ sinh môi trường cũng như nguồn lây. Đây là yếu tố hàng đầu khiến SXH có điều kiện bùng phát.
 
Với các huyện ngoại thành, xa trung tâm thành phố như: Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất… có  nhiều cây cối, ao hồ, nhiều khu vực chăn nuôi, trồng trọt… nên nếu người dân không tự giác giữ gìn vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sinh sôi, phát triển và lây truyền SXH.
 
Chủ động ứng phó với SXH, mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tham mưu cho chính quyền huy động lực lượng và phát huy sự hợp tác hiệu quả với các ban ngành, đoàn thể, trong đó có Hội Phụ nữ các cấp, triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh.
 
“3 sạch” phòng chống sốt xuất huyết - ảnh 1
Đều đặn sáng thứ 7 hàng tuần, hội viên Chi hội Phụ nữ số 2 (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) lại ra quân thực hiện dọn dẹp vệ sinh môi trường, góp phần phòng chống dịch SXH

 
Thực tế tại Hà Nội, qua sự phối hợp trách nhiệm của hội viên phụ nữ với trung tâm y tế và hiệu quả trong thực hiện Cuộc vận động “5 không 3 sạch” do TƯ Hội LHPN phát động từ năm 2010 với “5 không”: gia đình không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, gia đình không sinh con thứ 3 trở lên, gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; “3 sạch”: sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp… nhiều nơi đã kiểm soát tốt, không để SXH trở thành mối lo.
 
Điển hình như quận Thanh Xuân - một trong những “điểm nóng” của Hà Nội về SXH với gần 2.900 ca (năm 2017), có thời điểm cao điểm của dịch, trung bình mỗi ngày quận có 1-3 ca mắc mới. Nhưng vào thời kỳ đỉnh điểm đó, riêng tại tổ dân phố 3, 4 (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, HN), nhờ sự tích cực trong hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường của hội viên Chi hội Phụ nữ số 2 trên địa bàn, số ca mắc SXH của Tổ chỉ khoảng 5 - 6 trường hợp/trong cả đợt dịch của năm; năm 2018 cả Tổ chỉ có 2 ca mắc SXH do bị lây từ nơi khác.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy - Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ số 2 cho biết: Bên cạnh việc phối hợp với cán bộ y tế tới từng nhà tuyên truyền để người dân biết cách dự phòng, chăm sóc người mắc SXH, phối hợp để phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành…, đều đặn sáng thứ 7 hàng tuần, hội viên Chi hội Phụ nữ số 2 lại ra quân thực hiện dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu; nhắc nhở các gia đình thau rửa dụng cụ chứa nước, thả cá diệt loăng quăng, bọ gậy… không để muỗi gây bệnh SXH có nguy cơ sinh trưởng, truyền bệnh.
 
Năm 2017, 2018, quận Cầu Giấy có số ca mắc SXH nhiều, 7/8 phường được thành phố đánh giá có nguy cơ mắc SHX ở mức độ cao. Tuy nhiên, 3 tháng đầu 2019, 18 trường hợp mắc SXH (trên toàn quận) đều được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng.
 
“Kết quả này có được là nhờ sự chủ động và phối hợp hiệu quả của cơ sở y tế với các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò của Hội Phụ nữ” - bà Nguyễn Hải Yến, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Cầu Giấy khẳng định. “Không chỉ thường xuyên lồng ghép kiến thức phòng chống SXH vào các buổi sinh hoạt Chi bộ, các hội viên phụ nữ còn trú trọng thực hiện Cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, chủ động phối hợp lực lượng y tế đến các công trình xây dựng dở dang, khu công cộng để hút nước, đổ cát, rắc vôi bột… nhằm  xử lý nước tù, đọng; đến từng gia đình, nhà trọ kiểm tra từ lọ hoa, chậu nước… không cho muỗi có cơ hội sinh sôi” - bà Hoàng Kim Bình, Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ 14 (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) chia sẻ.
 
Thảo Hương 

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...