"Đóng đinh" định kiến giới khi nuôi dạy con

Chia sẻ

PNTĐ-Nhiều bậc bố mẹ trong quá trình nuôi dạy con đã vô tình "đóng đinh" những định kiến giới vào nhận thức của con. Để rồi, chính họ lại là người đang dạy con phân biệt giới tính...

 
Nhiều bậc bố mẹ trong quá trình nuôi dạy con đã vô tình "đóng đinh" những định kiến giới vào nhận thức của con. Để rồi, chính họ lại là người đang dạy con phân biệt giới tính, kỳ thị giới mà không hề biết.
 
Ảnh minh họa

 
Con trai luôn phải mạnh mẽ
 
Đa số các bậc bố mẹ đều mặc định trong suy nghĩ của mình rằng: con trai bao giờ cũng phải mạnh mẽ. Họ thường nói: con trai không được ẻo lả như con gái; Con ăn mặc màu mè như con gái thế à?; Làm cái gì mà nhút nhát như con gái thế kia... Bố mẹ đã không biết được rằng họ đang khiến con trai mình "đóng đinh"những đặc tính trên chỉ dành cho con gái.
 
Theo đó, trẻ em trai sẽ có sự  kỳ thị, nhạo báng đối với bạn bè có những đặc tính của con gái. Hoặc, ngược lại, những bé gái có tính cách mạnh mẽ, sở thích ăn mặc nam tính thì sẽ lập tức bị xem là khác thường. Thậm chí, trong nhận thức của một số bố mẹ còn cho rằng nếu con gái quá mạnh mẽ, nam tính thì sau này khó hạnh phúc trong hôn nhân bởi "lấn át" chồng, không có sự quyến rũ yểu điệu của người phụ nữ để "giữ chồng"...
 
Chỉ có con gái mới được khóc?
 
Trong mắt bố mẹ, chỉ có con gái mới được tự do thể hiện cảm xúc khi buồn, thất vọng trước vấn đề nào đó. Vì thế, từ nhỏ cho đến lớn, con gái được bố mẹ chấp nhận việc có thể khóc lóc khi buồn bã, đau khổ. Theo đó, mọi người bình thường hóa trước việc bé gái khóc khi cảm thấy bị ức hiếp, hay thất vọng vì không đạt được điều gì đó theo mong muốn của bản thân. Ngược lại, nếu con trai dễ dàng bộc lộ cảm xúc bằng nước mắt sẽ khiến cho bố mẹ bất bình, thậm chí lo sợ con trai yếu đuối, thiếu bản lĩnh sau này sẽ khó làm nên nghiệp lớn. 
 
 Tuy nhiên, bố mẹ không thể ngờ được việc cấm đoán con trai bộc lộ cảm xúc như con gái là đã vô tình ép con phải đè nén cảm xúc của mình. Một khi con trai không dám hoặc không thể tự do bộc lộ cảm xúc đồng nghĩa với việc những cảm xúc ấy không được giải tỏa mà dồn nén trở lại. Ở một góc độ, cảm xúc bị dồn nén ấy sẽ tích tụ thành cảm xúc tiêu cực khiến cho con trai cảm thấy chán nản mệt mỏi. Việc này sẽ gây ra những tác động xấu trong quá trình phát triển của con. 
 
Vô tình "hợp thức hóa" hành động bạo lực của con trai
 
Không ít bậc bố mẹ chấp nhận việc con trai đánh nhau hay trêu chọc các bạn gái, có hành động nghịch phá... Họ xem đó là "bản tính" của con trai. Nếu như không gây ra hậu quả nghiêm trọng, ít bậc cha mẹ cảnh báo con trai trước những hành vi đánh nhau, trêu chọc bạn bè ấy, và sẵn sàng bỏ qua. Điều này đã vô tình mặc định trong suy nghĩ của các bé trai là mình có quyền làm những điều ấy. Theo đó, các hành động bạo lực của con trai cũng được "hợp thức hóa" ở một góc độ. Thậm chí, có bố mẹ còn cho rằng nếu không nghịch ngợm, quậy phá thì không phải con trai, thay vì dạy con trai không nên lựa chọn các hành động bạo lực để giải quyết vấn đề. 
 
Phân biệt giới trong định hướng nghề nghiệp cho con
 
 Việc định hướng nghề nghiệp cho con cái trong gia đình cũng phần nào thể hiện rõ định kiến giới, phân biệt giới tính của bố mẹ. Thông thường, con gái sẽ được bố mẹ định hướng đến các nghề nghiệp mang tính chất phù hợp với nữ giới như: giáo viên, thiết kế thời trang, may mặc, đầu bếp... Với con trai, nghề nghiệp được định hướng là công an, kỹ sư, phi công, lái tàu... Điều này xuất phát từ những đặc điểm giới đã được "đóng đinh" từ lâu trong quan niệm của mọi người. Đó là con trai luôn phải làm những công việc có sức khỏe, sự mạnh mẽ, còn con gái lựa chọn các ngành nghề nhẹ nhàng, đơn giản hơn. Vì vậy, chúng ta vẫn thường "đặc biệt hóa" các hình ảnh nữ giới theo đuổi các ngành được mặc định dành cho nam giới. Dù trên thực tế, nam nữ đều có quyền bình đẳng trong mọi ngành nghề.
 
Váy, tóc dài, búp bê là của... con gái
 
Trong quá trình nuôi dạy con, hầu hết các bố mẹ đều mặc định rằng váy, tóc dài, búp bê chỉ dành cho con gái. Những thứ đó không thuộc về con trai. Nếu con trai thích chơi búp bê sẽ đồng nghĩa với việc giới tính có vấn đề, cần phải điều chỉnh ngay. Việc con trai để tóc dài cũng sẽ bị xem là bất thường, có xu hướng đồng tính... mặc dù đó chỉ là sở thích đơn thuần không liên quan đến giới tính của trẻ. Hành vi kỳ thị, định kiến theo đó tồn tại.
 
 
Thu Vân 

Tin cùng chuyên mục

Về già nhờ con, sao khó thế?

Về già nhờ con, sao khó thế?

(PNTĐ) - Đắn đo mãi, bà mới dám gọi điện cho con gái. Biết là giờ này con đang ở cơ quan nhưng, việc chẳng đừng được. Ngày mai thứ 7 rồi, bệnh viện nghỉ nên chỉ còn hôm nay để bà đi khám bệnh.
Có nhiều cách để ta yêu đời

Có nhiều cách để ta yêu đời

(PNTĐ) - Một cặp vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn, người vợ tâm sự với Tâm Giao: “Chồng em chán lắm, không tâm lý, vô tâm, khô như ngói”. Nhưng khi Tâm Giao hỏi chuyện, người chồng lại than thở: “Vợ tôi có để chồng con chăm sóc mình đâu mà trách cứ”.