Kỳ 2: Những “gọng kìm” trên cánh đồng Mường Thanh

Chia sẻ

PNTĐ-Những “gọng kìm” thắt chặt trận địa, tạo điều kiện cho các đoàn quân của ta áp sát, siết chặt, phá tan tập đoàn cứ điểm của Pháp ở “lòng chảo” Điện Biên.

 
Dưới sự chỉ huy tài tình và sáng suốt của Bộ Chính trị, Bộ Chỉ huy chiến dịch, quân đội ta đã xây dựng được hệ thống giao thông hào chằng chịt, được ví như những “gọng kìm” thắt chặt trận địa; bao vây, triệt hoàn toàn đường tiếp tế, tiếp viện, đẩy địch vào thế cùng cực, tạo điều kiện cho các đoàn quân của ta áp sát, siết chặt, phá tan tập đoàn cứ điểm của Pháp ở “lòng chảo” Điện Biên.
 
Quyết định chiến lược
 
Cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Xuân Mai - chiến sĩ liên lạc trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: Từ giữa tháng 3 năm 1954, bộ đội ta đã đào 2 loại đường hào. Thứ nhất, đường hào trục chạy một đường vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm, dùng cho cơ động pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội; đáy hào rộng 1,2m.
 
Thứ hai, đường hào bộ binh chạy từ những vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng Mường Thanh, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí của địch mà ta định tiêu diệt, đáy hào rộng 0,5m. Các loại đường hào đều có chiều sâu 1,7m; bảo đảm an toàn trước bom đạn địch và giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển. 
 
Nhằm đảm bảo bí mật tuyệt đối, việc đào hào được thực hiện vào ban đêm. Các chiến sĩ được phát cuốc, xẻng, thuổng. Thời kỳ đầu, các chiến sĩ phải nằm đào, khi đào được một hố ngồi thì anh em có thể ngồi/quỳ để đào, đào cao hơn 1m mới được đứng đào. Tuy nhiên, việc đứng đào hào khá mệt vì xẻng ngắn nên đa phần anh em chiến sĩ sử dụng kỹ thuật ngồi đào. Đào được đến đâu, hào giao thông được củng cố, ngụy trang và sử dụng đến đó. 
 
 
Kỳ 2: Những “gọng kìm” trên cánh đồng Mường Thanh - ảnh 1
Bộ đội ta vừa chiến đấu vừa đào hào bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Hầu hết các đơn vị trên mặt trận đều tham gia đào giao thông hào, kể cả bộ đội pháo cao xạ. Theo Đại tá Lâm Đức Hạp - Đại đội phó, Đại đội 815, Trung đoàn pháo cao xạ 367, việc đào hào thường từ 19h và thực hiện xuyên đêm. Phải mất khoảng 2 đêm, các chiến sĩ mới đào xong một hầm giữ pháo.
 
“Khác với bộ binh, lính cao xạ phải đào hầm cho khẩu pháo phòng không với diện tích lớn hơn. Mỗi khẩu đội được cung cấp 5-6 chiếc xẻng to và dài. Việc quan trọng đầu tiên khi đào hào cho pháo là phải thực hiện nhanh và gấp, ít nhất phải được 30 - 40cm để không may pháo địch bắn ra thì còn có chỗ để nấp. Hầm cho pháo sâu khoảng 60cm, được đắp đất xung quanh đủ cao để che được người và khẩu pháo, sau đó đào đường hào nhánh về từng tiểu đội như đường hào bộ binh”.
 
Trận địa “thần kỳ”
 
Không quản ngại khó khăn, bằng sức người, đến cuối tháng 3 năm 1954, chỉ sau hơn 10 ngày, chúng ta đã đào được 100 km hào - tương đương với ½ trong tổng số 200km giao thông hào đã được đào trong chiến dịch. Theo Đại tá Nguyễn Xuân Mai, từ các hướng khác nhau, giao thông hào của ta ngày càng mở rộng, tiến sâu và len lỏi áp sát vào những vị trí của địch tạo thành những “gọng kìm” siết chặt đến mức “bất khả xâm phạm” trên cánh đồng Mường Thanh.
 
Trong khi đó, trận địa địch là những đường hào, hầm bố trí tập trung, khép kín, nằm chết cứng giữa rừng dây thép gai màu chì và bãi mìn nên khi bị tấn công, địch khó rút. Đây cũng là thời điểm quân đội ta mở đợt tấn công thứ 2 nhằm vào các cao điểm khống chế vùng “lòng chảo” Điện Biên và nhanh chóng chiếm đóng được các mục tiêu. Cùng với sự hợp đồng tác chiến của pháo cáo xạ lần đầu có mặt tại chiến dịch, địch càng ngày càng mất khả năng, ý chí chiến đấu do vùng trời bị khống chế, đường tiếp viện lương thực, quân lực bằng hàng không bị cắt đứt, các cụm cứ điểm và phân khu bị cô lập.   
 
Càng về cuối, chiến sự càng trở nên ác liệt. Các hào giao thông vẫn tiếp tục được đào và mở rộng, đồng nghĩa với việc “gọng kìm” của ta ngày càng siết chặt địch. Các đường hào luồn dưới hàng rào thép gai, áp sát lô cốt địch, nhiều chiến sĩ đã hi sinh và bị thương. Song, ta vượt qua hàng rào lửa của địch, đưa khối bộc phá nặng gần ngàn cân vào sát với nơi đồn trú của quân Pháp ở bên kia quả đồi A1.
 
Đêm ngày 6/5/1954, khối bộc phá lớn này phát nổ, trở thành hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ; báo hiệu ngày tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, quân ta từ các hướng tiến thẳng vào hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Không có sự kháng cự, tướng De Castries và toàn bộ cơ quan tham mưu phải ra hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt. 
 
Có thể thấy, về tương quan lực lượng, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội Pháp có sức mạnh quân sự, vũ khí hiện đại hơn hẳn. Lực lượng của ta chỉ có những vũ khí thô sơ nhưng cái xẻng, cái cuốc được ví như những vũ khí “có sức mạnh không kém gì máy bay và xe tăng” và đã góp phần tạo ra “chiếc vòng lửa ghê gớm đã thiêu đốt con nhím Điện Biên Phủ”.
 
 
Đức Hạnh 

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(PNTĐ) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo. Các hoạt động hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, đặc biệt là các gia đình khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương tập trung bảo đảm an sinh, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa…).