Một ngày… buông bếp

Chia sẻ

PNTĐ-Chị sững lại, thấy mình lâu nay thật bảo thủ, cứ nghĩ nhiệm vụ giữ bếp của mình thật vững chắc thì gia đình mới ấm êm. Nhưng, hóa ra đôi khi “buông bếp” một lúc cũng rất cần thiết...

 
 
Một ngày… buông bếp - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mấy ngày nghỉ lễ, anh bảo với vợ: “Hôm nay, nhà mình ra ngoài ăn nhé. Em cứ thử buông bếp một ngày cho đỡ cực mà gia đình cũng được đổi gió”. Trong khi hai đứa nhóc vui vẻ ủng hộ nhiệt liệt ý kiến của anh thì chị lập tức phản đối: “Mấy ngày này ra ngoài ăn thì chỉ để cho nhà hàng, quán ăn “làm thịt” mình à. Giá cả đắt đỏ và phục vụ cũng chẳng ra gì. Mấy bố con cứ ở nhà, em đi chợ về nấu vừa ngon lại vừa rẻ, đảm bảo an toàn thực phẩm...”.
 
Ba bố con ỉu xìu trước “lệnh” của chị. Đây không phải là lần đầu chị khiến cho chồng con thất vọng trước việc ra ngoài ăn đổi gió một bữa. Anh bảo không thiếu tiền, chị đừng tiết kiệm thái quá khiến cả nhà mất vui. Anh còn lấy ví dụ, hai vợ chồng hàng xóm buôn bán lặt vặt, kinh tế chẳng vững bằng nhà mình nhưng thỉnh thoảng họ vẫn bỏ cơm nhà rồi rộn ràng ra ngoài ăn cơm hàng. Cô vợ suốt tháng toàn quần áo bảo hộ lao động, chống nắng kín mít cả người, có quần áo đẹp cũng chẳng biết mặc vào lúc nào. Nhưng, mỗi lần cả nhà ra ngoài ăn là cô diện váy đẹp, đi giày cao trông sành điệu lắm. Anh nhìn thấy cảnh ấy cũng thấy vui lây với họ. Có hôm anh tò mò hỏi nhà họ đi ăn “đổi gió” ở đâu, cô vợ cười bảo:
 
“Nhà em chẳng có tiền để vào chốn nhà hàng sang trọng mà chỉ ngồi ở các quán vỉa hè. Đồ ăn có khi không ngon bằng mình chế biến nhưng em thoát được cái bếp một bữa cũng thấy đỡ cực”. Anh kể chuyện nhà hàng xóm đi ra ngoài ăn với vợ, cũng mong chị có suy nghĩ giống cô hàng xóm. Nhưng, lần nào anh nói ra chị cũng gạt đi, còn phân tích ra ngoài ăn một bữa lợi chẳng thấy đâu còn cái hại thì thấy rõ. 
 
Chuyện chị giữ bếp bắt nguồn từ nhiệm vụ ở nhà nội trợ chăm con khi anh chị cưới nhau. Ngày đó, anh ra ngoài kiếm tiền vất vả, khó khăn nên chị tự nhắc nhở mình phải nội trợ thật tốt. Anh thừa nhận, nhờ chị “giữ bếp” tốt nên bố con anh lúc nào cũng có cơm ngon canh ngọt. Sự vun vén ấy của chị góp phần giúp kinh tế gia đình vơi bớt khó khăn. Sau này, công việc của anh ổn định và thu nhập cao hơn, kinh tế gia đình cải thiện nhưng chị vẫn giữ thói quen căn cơ.
 
Chị không buông bếp một bữa nào, sáng vẫn dậy làm đồ ăn cho cả nhà, bữa trưa, bữa tối cũng đều đầy đủ. Người thân bên nội, lẫn bên ngoại khâm phục tài giữ bếp của chị. Thậm chí, những lần nhà có cỗ bàn, trong khi mọi người bàn nhau đặt cỗ, hoặc mua đồ ăn sẵn bên ngoài về cho tiện nhưng chị toàn phản đối. Chị lại đưa ra lý do muôn thuở, đồ ăn sẵn bên ngoài vừa đắt vừa không an toàn và tự mình đảm nhiệm việc làm cỗ.
 
Chị dậy đi chợ sớm mua nguyên liệu về hì hục chế biến. Món nào đơn giản thì kéo mọi người vào cùng làm. Đôi khi, cả bữa cỗ chị khiến mọi người tất bật, vất vả theo. Xong công việc, ai cũng mệt phờ, cằn nhằn chị nhiều hơn là biết ơn. Anh khuyên vợ nhiều lần nhưng chị vẫn chẳng thay đổi được suy nghĩ của mình.
 
Các con ngày một lớn, chúng bắt đầu có nhu cầu ra ngoài giao lưu gặp gỡ bạn bè. Anh cũng vậy, chẳng thể nào cứ “trung thành” mãi với bữa cơm của vợ. Đôi khi, anh phải tiếp khách xã giao và phải bỏ cơm nhà. Nói đúng hơn, bố con anh cũng muốn tháng đôi ba lần ra ngoài ăn đổi gió, nhưng kéo chị đi chẳng được. Chị vẫn giữ bếp bền bỉ chẳng màng đến nguyện vọng của chồng con. Vậy nên có những hôm, chị gì hục nấu nướng xong, bày lên bàn ăn rồi ngồi chống đũa ăn một mình vì chồng con gọi điện bảo không về.
 
Một hai bữa đầu, chị còn chấp nhận được nhưng rồi sau đó chị bắt đầu phản ứng lại. Chị càu nhàu, mắng mỏ chồng con bỏ cơm nhà ra ngoài ăn cơm hàng cháo chợ vừa đắt vừa không an toàn. Rồi, chị tiếc đồ ăn nấu ra, vừa thấy sức lực mình bỏ ra để đi chợ nấu nướng trở thành công cốc. Cái chuyện giữ bếp của chị khiến gia đình lắm phen lục đục. 
 
Hôm qua, vợ chồng chị lại cãi nhau vì chuyện anh và hai con lại bỏ bữa. Sáng nay, chị theo thói quen trở dậy cầm làn ra chợ. Ngang qua mấy quán cà phê ăn sáng đầu ngõ, chị để ý thấy không ít phụ nữ thảnh thơi ngồi ăn sáng, uống cà phê. Trong số họ, có người đi làm nhà nước nhưng cũng có người ở nhà nội trợ như chị. Từ trước đến nay, chị luôn cho rằng những người phụ nữ thuộc dạng vụng bếp núc nên mới ra ngoài ăn uống kiểu đó. Nhưng hôm nay, chị để ý kỹ thấy chồng con họ còn ngồi bên cạnh, ăn uống vui vẻ trông đầm ấm, hạnh phúc lắm. Gia đình chị gần như chưa bao giờ có được cảnh đó. 
 
“Vẫn đi chợ hả em, thỉnh thoảng em phải biết “buông bếp” một chút để bản thân được thảnh thơi, cả nhà đổi gió cho vui vẻ. Em cứ vậy mãi cực mình mà cuộc sống nhàm chán, chồng con chán theo đó” - chị hàng xóm đang ăn sáng nhàn nhã bên chồng bảo với chị.
 
Chị sững lại, thấy mình lâu nay thật bảo thủ, cứ nghĩ nhiệm vụ giữ bếp của mình thật vững chắc thì gia đình mới ấm êm. Nhưng, hóa ra đôi khi việc “buông bếp” một lúc cũng rất cần thiết đối với phụ nữ chứ không hẳn là đã xấu. Chị quay về và tự nghĩ, hôm nay sẽ thuận theo ý chồng con.
 
 
Nguyễn Thị Hòa 
(Ba Đình, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.