Áp lực làm dâu Hoàng gia Nhật Bản

Chia sẻ

PNTĐ-Đều xuất thân là thường dân và kết hôn với thành viên Hoàng gia sau này trở thành Nhật hoàng, cuộc sống của cả Hoàng hậu Michiko và Masako không phải lúc nào cũng trải toàn hoa hồng.

 
Thường dân kết hôn với người Hoàng gia
 
Bà Michiko Shoda là vợ của Nhật hoàng Akihito vừa thoái vị ngày 30/4. Bà sinh ngày 20/10/1934, là con thứ hai trong gia đình có 4 anh chị em. Bà xuất thân từ một gia đình giàu có, bố là chủ tịch công ty nghiền bột Nisshin. Cha mẹ bà đã cho bà Michiko theo cả nền giáo dục Nhật Bản truyền thống và phương Tây. Bà giỏi tiếng Anh, biết chơi đàn piano.
 
Áp lực làm dâu Hoàng gia Nhật Bản - ảnh 1
Hoàng hậu Michiko

 
Bà Michiko là một người thích chơi tennis và chính tại sân tennis, bà đã gặp người khi đó là Thái tử Akihito. Bà đã đánh bại Thái tử trong trận đấu đầu tiên họ chơi cùng nhau và gây ấn tượng mạnh với ông.
 
Từ đó, họ thường thi đấu tennis và yêu nhau. Thái tử đã cầu hôn bà Michiko năm 1958. Mặc dù gây tranh cãi vì xuất thân thường dân nhưng đám cưới của bà Michiko với Thái từ Akihito vẫn diễn ra ngày 10/4/1959.
 
Ngày 12/11/1990, bà Michiko trở thành Hoàng hậu sau khi chồng bà thừa kế ngôi vị Nhật hoàng. Bà là thường dân đầu tiên kết hôn với một thành viên hoàng gia trong toàn bộ lịch sử 2.600 năm chế độ quân chủ Nhật Bản.
 
Giống như mẹ chồng Michiko, bà Masako cũng là một thường dân khi kết hôn với Thái tử Naruhito - người vừa trở thành Nhật hoàng ngày 1/5.
 
Bà là con gái của một thẩm phán và một cựu nhà ngoại giao. Được học ở đại học Harvard và Oxford, bà Masako từng làm việc trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản và từ bỏ sự nghiệp để kết hôn với ông Naruhito.
 
Họ gặp nhau lần đầu năm 1986. Hai người vừa kỷ niệm 25 năm kết hôn năm 2018. Họ có một con gái là Công chúa Aiko sinh năm 2001.
 
Cuộc sống làm dâu Hoàng gia
 
Trong thời gian bà Michiko ở Hoàng cung, sóng gió đã nổi lên quanh bà vì nhiều thành viên hoàng gia không thể chấp nhận một thường dân sống cùng họ. Hoàng hậu Michiko và Nhật hoàng Akihito cũng vấp phải sự phản đối khi muốn tự nuôi ba đứa con thay vì giao cho các thị thần hoàng cung. Cặp đôi hoàng gia tự làm mọi việc cho các con. Bà Michiko còn nấu ăn cho con khi cho lắp đặt một căn bếp nhỏ trong khu vực họ sống.
 
Áp lực làm dâu Hoàng gia Nhật Bản - ảnh 2
Hoàng hậu Masako

 
Với bà Masako, quãng thời gian vào Hoàng gia Nhật Bản cũng khó khăn không kém. Bà được cho là không phù hợp với tiêu chuẩn Hoàng gia Nhật Bản. Ứng cử viên cần phải dưới 25 tuổi, kín đáo, không cao hơn Thái tử Naruhito khi đi giày cao gót. Khi đó, bà Masako đã 27 tuổi, là nhà ngoại giao năng động và cao hơn ông Naruhito khi đi giày cao gót.
 
Từ khi bước chân vào hoàng gia, bà Masako trở thành nỗi ám ảnh của báo chí Nhật Bản. Bà từng bị chỉ trích nặng nề vì phát biểu lâu hơn chồng 30 giây trong họp báo.
  
Chuyện mang thai của bà được quan tâm thái quá. Ngày 10/12/1999, tờ báo Asahi Shimbun có lượng phát hành lớn thứ hai Nhật Bản đăng trên trang nhất thông tin mà cả nước Nhật chờ đợi: “Công chúa Masako có dấu hiệu mang thai”.
 
Phóng viên rình rập ngoài nhà bố mẹ bà theo dõi nhất cử nhất động của bà. Ba tuần sau, Hoàng cung tổ chức họp báo thông báo Công chúa Masako sảy thai ở tuần thứ 7. Hoàng cung bị chỉ trích vì không hủy chuyến thăm Bỉ khi Công chúa có thể đang mang thai.
 
Khi bà Masako sảy thai, áp lực sinh con nối dõi lại càng đè nặng. Bà không xuất hiện trong suốt 40 ngày và thậm chí còn không dự đám tang của mẹ Nhật hoàng Akihito. Bà cũng bỏ lễ ngâm thơ hoàng gia hàng năm.
 
Hai năm sau, sau gần 10 năm kết hôn, bà Masako đã có một con gái tên là Aiko. Áp lực sinh con trai vẫn còn nguyên. Cung điện cấm bà Masako ra nước ngoài và báo chí tiếp tục săm soi mọi hành động của bà. Tới năm 2004, mọi việc tồi tệ tới mức bà ngừng xuất hiện tại mọi sự kiện trước công chúng. Mãi tới khi em trai của ông Naruhito sinh con trai, áp lực với bà Masako mới chấm dứt.
 
Sau khi sảy thai, bà Masako đã bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu do căng thẳng trong quá trình cố gắng thích nghi với cuộc sống hoàng gia.
 
Ông Naruhito đã phải đề nghị báo chí chấm dứt đeo bám bà Masako. Ông cho rằng vợ ông cần được ra ngoài tự do hơn và có thể làm nhiều việc khác nhau mà không bị theo dõi, cản trở. Ông cũng cho rằng các nghi lễ hoàng gia đã bóp nghẹt cá tính của vợ.
 
Dù áp lực trăm bề nhưng cả bà Michiko và Masako đều nỗ lực hoàn thành vai trò. Bà Masako cho biết trong vai trò mới là Hoàng hậu, bà sẽ mong phục vụ nhân dân tốt hơn, cống hiến cho hạnh phúc của nhân dân.
 
 
Dương Thùy 
(theo Dailymail)

Tin cùng chuyên mục