Điều chỉnh giá điện: Mập mờ, thiếu thuyết phục

Chia sẻ

PNTĐ-Việc điều chỉnh giá điện sinh hoạt từ cuối tháng 3 vừa qua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa tạo được sự “tâm phục khẩu phục” với người dân.

 
Không đơn thuần là vấn đề tiền bạc mà những bức xúc trong việc điều chỉnh giá điện phần nhiều do thông tin mà EVN đưa ra thiếu sự rõ ràng, đầy đủ, minh bạch.
 
Điều chỉnh giá điện: Mập mờ, thiếu thuyết phục  - ảnh 1
Công nhân của EVN Hà Nội “chốt” giá điện cho khách hàng. Ảnh minh họa

 
Mức tăng thực tế cao hơn công bố
 
Vào thời điểm công bố mức giá mới, ngành điện đã tính toán và thông báo rộng rãi giá bán lẻ mới của điện “tăng 8,3%”. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng sử dụng điện theo giá mới, không ít hộ gia đình phải “giật mình” vì phải tốn thêm từ 30 - 75% cho hóa đơn tiền điện tháng 4. 
 
Trước những phản ánh của người dân, EVN đã đưa ra giải thích: Do sự kết hợp của 3 yếu tố là tiền điện tăng, số ngày sử dụng thực tế nhiều hơn (3 ngày) và nhu cầu tiêu dùng tháng hè tăng cao nên lượng điện sử dụng tháng 3 nhiều hơn so với tháng trước. Tuy nhiên, chính EVN cũng thừa nhận: Thực tế người dân phải trả tăng hơn so với tháng trước ít nhất trên 35%.
 
Theo cách giải thích của EVN, người dân mới “vỡ lẽ”: Mức tăng giá 8,3% được công bố trước đó thực chất mới là một nửa vấn đề. Đó là mức tăng giá điện cơ bản, một nửa còn lại quan trọng hơn: Đi kèm với mức tăng trên là cách tính giá điện 6 bậc lũy tiến. Mức giá này được xây dựng từ năm 2013, hằng tháng các gia đình sử dụng điện đều phải trả tiền cho hóa đơn theo 6 bậc lũy tiến. Hai bậc đầu của biểu giá điện có mức giá bán thấp hơn mức giá bán lẻ điện bình quân; trong đó bậc 1 (từ 0-50 kWh) thấp hơn 10%; bậc 2 (từ 51-100 kWh) thấp hơn 7%.
 
Từ bậc 3 đến bậc 6 có mức giá bán cao hơn giá bán lẻ điện bình quân. Cụ thể, bậc 3 (từ 101-200 kWh) cao hơn 8,2%; bậc 4 (từ 201-300 kWh) cao hơn 36,1%; bậc 5 (từ 301-400 kWh) cao hơn 52,5%; bậc 6 trên 400 kWh cao hơn 56,7%.
 
Với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao, nhất là ở những TP lớn, các gia đình sử dụng điện nằm ở 2 bậc đầu tiên rất ít, chủ yếu rơi vào 4 bậc sau. Càng dùng nhiều, người dân càng phải trả tiền điện giá cao. “Những nguyên nhân EVN đưa ra để giải thích cho việc hóa đơn tiền điện tháng 4 của nhiều gia đình, tôi cho là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Nguyên nhân chính cần được nhắc đến là biểu giá điện bán lẻ tiêu dùng theo 6 bậc lũy tiến” - PGS.TS kinh tế Ngô Trí Long chia sẻ.
 
Cách tính tiền điện theo bậc thang lũy tiến không sai, vấn đề mấu chốt, theo PGS.TS Ngô Trí Long, khoảng cách mỗi bậc so với giá bình quân quá chênh lệch gây bất lợi và thiệt hại cho người tiêu dùng. Ngược lại, hiện nay với tổng số tiền thu được, chia cho giá điện sẽ lớn hơn nhiều giá niêm yết cho từng bậc lại giúp EVN có lợi hơn. 
 
 
Cần sớm minh bạch giá điện 
 
Nhận thấy sự bất hợp lý của biểu mức giá điện 6 bậc, từ năm 2017 Bộ Công thương và EVN từng đưa ra đề án sửa đổi biểu tính giá bán lẻ điện bình quân theo các hướng như áp dụng một mức giá bình quân (đồng giá), giữ nguyên 6 bậc hoặc rút gọn biểu giá điện từ 6 bậc còn 3 bậc. Tuy nhiên, sau thời gian lấy ý kiến, việc điều chỉnh biểu giá điện 6 bậc được các chuyên gia đánh giá là “cứng nhắc và lỗi thời” đã bị tạm dừng và không thấy nhắc lại nữa. 
 
Đầu tháng 5 vừa qua, trước những phản ứng của dư luận về giá điện mới, việc xem xét sửa đổi biểu tính giá bán lẻ điện bình quân mới được Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Việt đề cập: “Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội”. 
 
Chuyên gia về năng lượng Ngô Đức Lâm cho rằng, cần cụ thể rõ ràng và minh bạch các yếu tố đầu vào để tính chi phí giá bán điện bình quân như giá thành, chi phí sản xuất, các loại chi phí trực tiếp, gián tiếp khác. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất với các loại giá nói chung, bởi nếu không sẽ dẫn tới giá thành không thực, trong đó còn có thể có những yếu tố chưa minh bạch, chưa đúng mà người tiêu dùng cần biết. Yêu cầu này với EVN càng cần thiết.
 
Trước đó, ngành điện rót vốn đầu tư kinh doanh ngoài ngành vượt hạn mức quy định dẫn đến thua lỗ. Hệ lụy đó đến nay vẫn chưa giải quyết xong và qua hàng năm, người dân đang phải “gánh chịu” và “chia sẻ” xử lý khoản thua lỗ với ngành điện trong chính hóa đơn sử dụng điện của gia đình. Thực tế này đòi hỏi phải có một cơ chế giám sát chặt chẽ hơn nữa với ngành điện nhằm bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động.
 
 
 Trước những phản ánh của dư luận về những bất hợp lí trong việc tăng giá điện, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành điện đánh giá lại những tác động để có những điều chỉnh hợp lí; đồng thời giao Thanh tra Chính phủ chủ trì kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ông Bùi Ngọc Lam - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong tuần này Thanh tra Chính phủ và các bộ sẽ triển khai ngay việc kiểm tra; tinh thần là bảo đảm kết luận chính xác, khách quan, làm rõ đúng sai đối với các nội dung thanh tra và công khai kết luận thanh tra theo quy định.
 
  
Nguyễn Hương 
 

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.