Để bạo lực gia đình không còn là chuyện riêng của mỗi nhà

Chia sẻ

PNTĐ- Dù Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã đi vào cuộc sống hơn 10 năm nhưng tình trạng bạo lực gia đình được xem là chuyện riêng của mỗi nhà vẫn còn tồn tại.

 
Luật Phòng chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua tháng 11/2007 và chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2008. Dù luật đã đi vào cuộc sống hơn 10 năm nhưng tình trạng bạo lực gia đình được xem là chuyện riêng của mỗi nhà vẫn còn tồn tại. Nó khiến cho công cuộc phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trở nên dai dẳng và lâu dài. 
 
Để bạo lực gia đình không còn là chuyện riêng của mỗi nhà - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Ly hôn gia tăng do bạo lực gia đình
 
Cuộc hôn nhân của chị Nguyễn Thị Yến (nhân viên bán hàng siêu thị điện máy) tồn tại chưa được 4 năm đã phải nửa đường đứt gánh. Chị Yến là người chủ động ly hôn bởi không thể chịu đựng được người chồng bạo lực. Chồng chị Yến làm nghề lái xe taxi, có tính ghen tuông. Chị Yến vốn là người có nhan sắc, công việc thường xuyên tiếp xúc với khách hàng nên được không ít khách hàng nam buông lời tán tỉnh.
 
Vì lẽ đó, chị thường xuyên bị chồng bạo lực cả về tinh thần lẫn thể xác. Anh chửi rủa, đay nghiến vợ có tính lăng loàn trước mặt con cái, người thân trong gia đình. Mỗi lần ghé qua chỗ chị làm việc nhìn thấy đàn ông tiếp xúc với vợ, anh đánh đập để "dạy dỗ" vợ bỏ tính lăng nhăng. Vì không chịu cảnh bị bạo lực triền miên đó, chị Yến đã làm đơn ly hôn, dù trước đó đã cố gắng sống cam chịu vì đứa con còn nhỏ. 
 
Sau 5 năm chung sống với anh chồng nghiện rượu, chị Loan cũng phải đơn phương ly hôn vì không thể chịu được cảnh bị chồng mỗi lần say về là đánh đập vợ không nương tay. Ban đầu, do phụ thuộc kinh tế vào chồng nên chị Loan không dám nghĩ đến chuyện ly hôn. Vì chị không biết làm gì để sống, cũng như lo sợ mất quyền nuôi con khi không có điều kiện về kinh tế. Tuy nhiên, do hành vi đánh đập vợ ngày một nhiều, với mức độ tàn độc hơn, chị Loan đã buộc phải đơn phương ly hôn. Bước đầu chị chấp nhận để con lại cho chồng nuôi, tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống, rồi tính đến chuyện thay đổi quyền nuôi con sau.
 
Cả chị Loan và chị Yến đều thừa nhận, ban đầu đã từng có ý định cam chịu bạo hành vì con và vì cả danh dự bản thân lẫn gia đình. Nhưng rồi, họ nhận ra nếu kéo dài cuộc sống ấy, tính mạng của họ sẽ bị đe dọa, con cái cũng chịu ảnh hưởng theo nên đã tìm đến giải pháp ly hôn. Điều đáng nói tình trạng ly hôn do BLGĐ giống như chị Yến, chị Loan ngày càng nhiều. 
 
Số liệu thống kê của tòa án NDTC cho thấy từ tháng 7/2008 đến tháng 7/2018, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm hơn 1,42 triệu vụ án ly hôn, đã giải quyết hơn 1,38 triệu vụ, trong đó có 1 triệu vụ ly hôn xuất phát từ nguyên nhân BLGĐ chiếm 76,6% các vụ án ly hôn. Các nghiên cứu khác về LBGĐ đối với phụ nữ Việt Nam cũng cho thấy: 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ đã từng trải qua ít nhất 1 trong 3 hình thức BLGĐ. Gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ BLGĐ. Những hành vi BLGĐ chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chồng ngược đãi vợ, chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc về đánh đập vợ con, hay bạo lực được nảy sinh từ nguyên nhân vợ/chồng ngoại tình... Đặc biệt, có tới 83% số người gây BLGĐ là nam giới.
 
Hành vi bạo lực đang bị bình thường hóa
 
BLGĐ đã và đang gây ra những tổn hại trực tiếp cho nạn nhân và tác động tiêu cực đến những người xung quanh, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Dù vậy, tình trạng BLGĐ vẫn chưa được đẩy lùi triệt để. Những con số thống kê trên chỉ là bề nổi, chưa phản ánh đúng thực tế. Bởi vẫn còn rất nhiều vụ việc BLGĐ không được tố cáo ra cơ quan chức năng do tâm lý BLGĐ là chuyện riêng của mỗi nhà. Tâm lý nạn nhân BLGĐ vẫn còn mang nặng quan niệm cam chịu vì ngại "vạch áo cho người xem lưng", hay "xấu chàng hổ ai". Nhận thức về các hành vi bạo lực vẫn còn hạn chế đối với các thành viên trong gia đình. Việc bố mẹ đánh đập để dạy bảo con, chồng bạt tai vợ... được bình thường hóa, thay vì cho rằng đó là hành vi bạo lực, hoặc mầm mống của BLGĐ nghiêm trọng sau này.
 
Thời gian qua, có rất nhiều vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc cho dư luận. Điều đáng nói, thủ phạm gây ra những hành vi bạo lực ấy lại chính là những người chồng, người cha trong gia đình. Khi bị truy tố trước pháp luật, họ giải thích rằng dùng bạo lực là để dạy dỗ con cho đỡ hư, chấn chỉnh lại vợ cho "ngoan". Việc dạy dỗ, chấn chỉnh ấy được xem là quyền của họ. Vì thế, họ không ý thức được rằng, hành vi mình gây ra cho vợ, con đã vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm minh nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng.
 
Nạn nhân của những vụ bạo lực ấy cũng thừa nhận đã không nhận thức hành vi bạo lực của chồng, cha gây ra cho mình là nghiêm trọng. Họ nghĩ đó là hành vi được tồn tại trong gia đình. Nhiều người còn ngộ nhận rằng, việc họ bị đánh đập ấy là do mình đã gây ra tội, lỗi nên đáng bị trừng phạt.
 
Mặt khác, cộng đồng vẫn còn hạn chế trong nhận thức nên vẫn cho rằng chuyện vợ chồng mâu thuẫn, đánh đập nhau, bố mẹ đánh đập để dạy dỗ con cái là chuyện riêng của mỗi gia đình, người ngoài không có quyền can thiệp vào.
 
Vì vậy, họ đã thờ ơ trước các hành vi bạo lực ấy. Họ chỉ lên tiếng can thiệp, tố cáo hành vi bạo lực chỉ khi hành vi đó thật sự gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu chưa để lại hậu quả, hành vi bạo lực ấy được xem là bình thường. 
 
Tại nhà tạm lánh dành cho nạn nhân bị BLGĐ, chị Lê Thị M (35 tuổi) đã bị chồng bạo lực 15 năm. Trước đó, chị bất ngờ gặp lại tình cũ và có chút xao lòng. Sự việc bị chồng chị phát hiện, kể từ ngày đó chị sống trong cảnh bị chồng bạo hành thể xác và bạo hành tinh thần triền miên. Chồng chị cho rằng mình có quyền trừng phạt lại vợ vì đã xao lòng với người đàn ông khác. Bản thân chị cũng nghĩ mình có "tội" nên chấp nhận đòn chồng. Hành vi bạo lực ấy vô tình trở thành bình thường hóa trong gia đình chị. Cho đến một ngày, chị bị chồng đánh thừa sống thiếu chết thì mới nghĩ đến việc tìm đến nhà tạm lánh để chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân địa ngục ấy. 
 
Bạo lực không còn là chuyện riêng đằng sau cánh cửa gia đình
 
Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, một trong những lý do quan trọng khiến nhiều trường hợp bạo lực gia đình không được ghi nhận và xử lý là vấn đề bất bình đẳng giới khi phần nhiều nạn nhân là phụ nữ, lệ thuộc kinh tế vào nam giới. Vì thế, khi bị bạo hành, họ không thể tự thoát ra được, do không biết đi đâu và làm gì để kiếm sống. Ở Việt Nam, BLGĐ đã làm tổn hại tinh thần, gây thiệt hại về kinh tế, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,78% GDP mỗi năm.
 
Để BLGĐ phải được cộng đồng nhận thức là hành vi nghiêm trọng, cần lên án và bị pháp luật xử lý, thì BLGĐ phải được xem là vấn đề của cộng đồng, xã hội chứ không phải là chuyện riêng của mỗi gia đình. Để làm được điều này, chúng ra phải nâng cao nhận thức không chỉ cho mỗi người dân, mà còn cả những đội ngũ cán bộ có trách nhiệm giải quyết BLGĐ. Bởi thực tế hiện nay, có không ít cán bộ khi giải quyết các vụ việc BLGĐ vẫn còn chưa nhận thức được đầy đủ bản chất của hành vi bạo lực, vẫn coi BLGĐ là chuyện riêng của mỗi nhà.
 
Có nhiều người còn thiếu cả kỹ năng phát hiện và giải quyết BLGĐ. Vì vậy khi giải quyết thay vì nhìn nhận đúng bản chất nghiêm trọng của vụ việc BLGĐ để đưa thủ phạm gây bạo lực ra pháp luật, định hướng cho nạn nhân tìm được sự giải thoát khỏi bạo lực, hoặc kịp thời hỗ trợ nạn nhân thì họ khuyên hòa giải, đoàn tụ. Để rồi vô tình tạo điều kiện cho hành vi bạo lực leo thang, gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Người gây ra bạo lực chưa bị xử lý đúng tội nên coi thường pháp luật, tái diễn hành vi bạo lực nhiều lần.
 
Chúng ta đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhưng khi đi vào cuộc sống vẫn còn có sự bất cập khiến cho công tác thực thi Luật có hiệu quả thấp. Một số quy định trong các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành luật vẫn còn bất cập như: đối tượng gây ra bạo lực không bị buộc ở nhà tạm lánh mà lại chính là nạn nhân bị bạo lực, việc phạt tiền đối với đối tượng gây ra bạo lực cũng khó khả thi vì đa số nạn nhân lại phải bỏ tiền ra đi đóng tiền phạt thay cho thủ phạm...
 
Công tác tuyên truyền về phòng chống BLGĐ, nâng cao kiến thức cho người dân vẫn chưa được liên tục, chủ yếu theo thời điểm phát động trong một thời điểm nhất định. Đây là những hạn chế cần được khắc phục, sửa đổi thì công tác phòng chống BLGĐ mới có hiệu quả thật sự. 
 
 
Thu Giang

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.