Bộ Quy định ứng xử lần đầu tiên trong nhà trường: Thiếu cơ chế giám sát

Chia sẻ

PNTĐ-Điều mà nhiều nhà giáo, phụ huynh học sinh quan tâm chính là việc thực thi Bộ Quy tắc này trên thực tế sẽ ra sao.

 
Lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Giữa lúc các vụ bạo lực học đường, ứng xử thiếu chuẩn mực liên tiếp xảy ra trong các nhà trường, Bộ Quy tắc được áp dụng cho tất cả các đối tượng là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh đến cha mẹ học sinh, bắt đầu có hiệu lực từ 28/5 - khi năm học 2018-2019 đã kết thúc.
 
 Bộ Quy định ứng xử lần đầu tiên trong nhà trường: Thiếu cơ chế giám sát - ảnh 1
Nhiều ý kiến cho rằng nên nâng cao chất lượng giáo viên ngay từ trong các cơ sở đào tạo giáo viên. Ảnh: Nguyễn Thực

 
Nhiều “không” cho giáo viên, học sinh
 
Trong nhiều nội dung, đáng chú ý, Bộ Quy tắc quy định công chức, viên chức, nhà giáo phải thực hiện lối sống lành mạnh; không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác; không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể. Nhà giáo phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng; không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
 
Với người học, Bộ Quy tắc ứng xử quy định khi ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ, chấp hành các yêu cầu theo quy định; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, bạo lực; khi ứng xử với bạn bè, sử dụng ngôn ngữ đúng mực, thân thiện, trung thực, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt; không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết; không bịa đặt, lôi kéo; không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người học khác.
 
Nhìn chung, dư luận đều ủng hộ và thấy tính cần thiết phải có Bộ Quy tắc ứng xử trong nhà trường, dù rằng thời điểm Quy tắc được thực thi diễn ra khi học sinh đã bắt đầu nghỉ hè. Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Đinh Tiên Hoàng, rất cần có những quy định tường minh để từng đối tượng có căn cứ để biết cách ứng xử.
 
Bà Lê Hồng Hoa, nguyên giáo viên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng đồng tình với mục đích ra đời của Bộ Quy tắc nhằm “điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc; xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường”, nhất là trong bối cảnh nhiều sự việc phản giáo dục đang xảy ra liên tiếp vừa qua.
 
Theo bà Hoa, ưu điểm của Bộ Quy tắc là lần đầu tiên đã điều chỉnh hành vi của tất cả các thành phần trong môi trường giáo dục như: giáo viên với giáo viên; giáo viên với cán bộ quản lý, giáo viên với học sinh; giáo viên với PHHS và ngược lại. 
 
Cần nâng cao trình độ, đạo đức giáo viên
 
Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà giáo, PHHS quan tâm chính là việc thực thi Bộ Quy tắc này trên thực tế ra sao. 
 
Bà Lê Hồng Hoa cho rằng, hiện nay, nhiều quy định ra đời nhưng không có tác dụng điều chỉnh hành vi, hoặc không được triển khai đầy đủ. Chẳng hạn, Bộ GD-ĐT có quy định giáo viên không được mặc váy quá đầu gối, không được hút thuốc trong nhà trường nhưng thực tế, hiện tượng này vẫn diễn ra mà người vi phạm không bị xử lý cũng như không có ai xử lý. Hay như mới đây Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ra Chỉ thị mới về phòng chống bạo lực học đường nhưng nhiều khi ngay chính giáo viên cũng không biết. Vậy với Bộ Quy tắc này, ai sẽ là người giám sát thực hiện. Nếu các đối tượng không thực hiện thì có bị xử phạt không?
 
Ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anxtanh cũng cho rằng, Bộ Quy tắc ứng xử khi được triển khai, nhưng thiếu cơ chế xử phạt... thì cũng chỉ mang tính chất... tham khảo. Chưa kể, hành vi, ứng xử giữa giáo viên, học sinh xảy ra mọi lúc, mọi nơi nên rất khó cử người canh chừng để xử phạt. Vì thế, theo ông Đạt, Bộ Quy tắc chỉ có tác dụng khi mỗi giáo viên, học sinh tự ý thức được trách nhiệm và tự giác thực hiện. 
 
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên quá hy vọng Bộ Quy tắc ứng xử ra đời sẽ xóa bỏ được ngay các hiện tượng xấu, lành mạnh hóa môi trường ở tất cả các cơ sở giáo dục. Bởi, có nhiều nguyên nhân của hàng loạt hiện tượng lệch chuẩn xảy ra trong nhà trường thời gian qua như sự xuống cấp về đạo đức, bệnh thành tích trong nhà trường… nên chỉ mỗi Bộ Quy tắc sẽ không thể giải quyết được các bất cập trên.
 
Ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, muốn Bộ Quy tắc được thực thi, mỗi nhà trường phải xây dựng được cộng đồng có văn hóa, dân chủ. Người đứng đầu nhà trường phải gương mẫu, ứng xử đúng mực. Tiếp đến, mỗi giáo viên cũng phải chuẩn mực về đạo đức, tác phong trước học trò. Không thể ép buộc nhau thực hiện Bộ Quy tắc khi hiệu trưởng vẫn lạm quyền, giáo viên vẫn tự cho mình quyền được đứng trên học trò để trù dập, xúc phạm các em; học sinh thiếu sự gắn kết.
 
Ngoài ra, cũng theo ông Lâm: “Một số giáo viên thiếu kỹ năng xử lý tình huống, nhận thức kém, thiếu văn hóa nên mới thóa mạ, gọi học trò là con lợn, bắt học trò uống nước giẻ lau bảng, phạt trò bằng 231 cái tát... Vì thế, chúng ta cần làm tốt việc đào tạo giáo viên cả về trình độ, đạo đức… chứ không phải “đưa vào các nhà trường” những sản phẩm lỗi, hỏng rồi mới trông chờ điều chỉnh hành vi bằng Bộ Quy tắc”.
 
Bà Lê Hồng Hoa cũng lo lắng trước thực trạng đầu vào của sinh viên ngành Sư phạm hiện còn thấp sẽ khó cải thiện chất lượng giáo viên. “Khi còn công tác, tôi đã từng phải cầm tay chỉ việc cho nhiều sinh viên thực tập từ cách giao tiếp với học sinh, cách tổ chức buổi sinh hoạt lớp, xử lý tình huống… Tôi thấy nhiều em yếu kém về nghiệp vụ sư phạm, năng lực cũng không tốt, chưa yêu nghề, yêu trẻ. Nếu chúng ta không nâng chất lượng đào tạo từ trường sư phạm thì khó xóa bỏ được các hiện tượng ứng xử phản giáo dục sau này”.
 
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…