Con đường và những con người huyền thoại

Chia sẻ

PNTĐ-Không giống mọi con đường khác trên thế giới, đường Trường Sơn là kết tinh tinh thần yêu nước, khát vọng chiến thắng, khát vọng độc lập, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Con đường và những con người huyền thoại - ảnh 1
Con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là kết tinh tinh thần yêu nước (Ảnh TTXVN)

 
Cách đây 60 năm, trước đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, con đường huyền thoại Trường Sơn đã từng bước được xây dựng, phát triển. Không giống mọi con đường khác trên thế giới, đường Trường Sơn là kết tinh tinh thần yêu nước, khát vọng chiến thắng, khát vọng độc lập, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
 
Năm tháng đi qua, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh hôm nay vẫn hiên ngang tồn tại, là dấu nối quá khứ, hiện tại, tương lai. Cùng với đó, là những chiến sĩ Trường Sơn, TNXP bước ra từ cuộc chiến đang tiếp tục tỏa sáng giữa thời bình…
 
“Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”
 
Trên thực tế, đường Trường Sơn có từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng lúc đó chỉ là con đường giao liên nhỏ, hẹp. Khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, T.Ư Ðảng chủ trương khôi phục và mở rộng con đường này để chi viện cách mạng miền Nam.
 
Con đường và những con người huyền thoại - ảnh 2
Bộ đội, TNXP Trường Sơn bắc cầu cho xe vào chiến trường (Ảnh TTXVN)

 
Để chi viện lực lượng, vũ khí cho chiến trường miền Nam, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đoàn 559 với nhiệm vụ mở tuyến đường Trường Sơn - tuyến giao liên vận tải chiến lược với điểm đầu là Khe Hó - địa danh ở miền Tây Vĩnh Linh, Quảng Trị rồi phát triển theo hướng Tây Nam... Tuyến vận tải quân sự quan trọng và chiến lược này đi qua 11 tỉnh của Việt Nam từ Nghệ An đến Bình Phước, 7 tỉnh của Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia, với 5 trục dọc, 21 trục ngang, tổng số khoảng 17.000km.
  
Thiếu tướng, AHLLVTND Hoàng Kiền - Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam chia sẻ, phát hiện tuyến đường trọng điểm chiến lược của ta, đế quốc Mỹ đã tập trung sức mạnh đánh phá vô cùng ác liệt, sử dụng các loại vũ khí, thiết bị kỹ thuật hiện đại.
 
Con đường và những con người huyền thoại - ảnh 3
Chiến sỹ chỉ đường cho xe qua (Ảnh tư liệu)

 
Chúng dùng thủ đoạn tạo ra hàng loạt trọng điểm trên khắp Trường Sơn để cắt đứt hoạt động vận chuyển chi viện cho các chiến trường; điển hình nhất là đường 20 Quyết Thắng - một trục ngang dài trên 120 cây số, từ Đông Trường Sơn vượt biên giới Việt - Lào sang Tây Trường Sơn. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự của đế quốc Mỹ không thể đè bẹp được ý chí và sức sáng tạo của dân tộc Việt Nam, trong đó những chiến sĩ bộ đội Trường Sơn là một biểu hiện sinh động.
 
Với trí tuệ, tài năng và tấm lòng “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, các lực lượng của ta đã chiến đấu hiệp đồng binh chủng tại chỗ để bảo vệ các đội hình xe vượt trọng điểm. Trong đó, bộ đội cao xạ bố trí ngay sát trọng điểm anh dũng chiến đấu, giáng trả mãnh liệt, buộc máy bay địch phải lên cao, giảm hiệu quả đánh phá; tranh thủ thời gian, lực lượng công binh, TNXP ào ra làm đường, san lấp hố bom; nắm bắt thời cơ, các đoàn xe vận tải nối đuôi nhau vượt trọng điểm an toàn. 
 
Con đường và những con người huyền thoại - ảnh 4
Những cô gái TNXP N43 hăng hái lên đường ra tiền tuyến (Ảnh Hội cựu TNXP HN)

 
Những năm đầu thập niên 70, Mỹ dùng máy bay hiện đại AC130 trang bị thiết bị hồng ngoại, phát hiện tia lửa điện và nhiệt do động cơ xe toả ra, phương tiện khuyếch đại ánh sáng mờ để nhận rõ mục tiêu trong đêm tối, kết hợp các loại vũ khí tối tân. Thời điểm này, không một đoàn xe nào của ta không bị chúng phát hiện và tấn công. Trước tình hình đó, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã quyết định xây dựng trục đường kín (đường K) đi thẳng đến các chiến trường để thực hiện vận chuyển vào ban ngày, tạo ra bước chuyển biến lớn và thế trận bất ngờ đối với địch.
 
“Tuổi hai mươi” trên con đường Trường Sơn
  
Năm 1968, Mỹ ngụy tăng cường đánh phá chiến trường Trường Sơn, gây nhiều khó khăn cho ta trong công tác vận chuyển. Thời điểm này, Bộ Tư lệnh 559 đã có quyết định táo bạo: thành lập đơn vị Nữ lái xe Trường Sơn để hỗ trợ cho lực lượng cửa khẩu, thay cho lái xe nam ra trận.
 
Bà Bùi Thị Vân - đại diện Ban liên lạc đơn vị nhớ lại: 40 chị em là thanh niên xung phong và bộ đội từ các binh trạm được tuyển chọn về đơn vị. Qua 45 ngày đào tạo, chị em được giao nhiệm vụ chở hàng từ Vinh (Nghệ An) vào các cửa khẩu đường 12, 18, 20, 22; chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra Bắc chữa bệnh, an dưỡng, học tập.
 
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Bá Tòng - nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng) nhận định: Đây là nhiệm vụ nặng nề với một đơn vị nữ lái xe; tuyến hoạt động chủ yếu từ Bến Thủy đến Tây Trường Sơn, trong đó có nhiều “trọng điểm của trọng điểm”, là “túi bom” địch đánh phá ác liệt 24/24 giờ.
 
Con đường và những con người huyền thoại - ảnh 5
Cựu bộ đội Trường Sơn xúc động xem lại kỷ vật đơn sơ những năm mở đường Trường Sơn. Ảnh: Thanh Thuận

 
Nhắc lại những ngày tháng ác liệt, bà Bùi Thị Vân nghẹn lời: Cung đường vận chuyển rất nguy hiểm, có những chuyến đi, đơn vị thậm chí còn làm “lễ truy điệu sống” cho một số chị em. Chúng tôi lúc đó còn rất trẻ, mới chỉ 18 - 20, sức vóc nhỏ bé như chị Phạm Thị Phàn phải kê thêm một chiếc can xăng trên ghế lái mới nhìn được cửa ra cabin. Thế nhưng, khi đã cầm tay lái, chị điều khiến xe rất tốt và là một trong hai nữ lái xe đầu tiên của toàn quân vượt qua cao điểm 050 (Quảng Trị).
 
Chị Phàn xung phong dẫn đầu đoàn xe, chở súng ống, đạn dược vượt cao điểm trong đêm để sang Lào. Chị Phàn cùng đồng đội vinh dự được Bác Hồ gửi tặng một chiếc đồng hồ. Kỷ vật thiêng liêng này được chị giữ gìn cẩn thận và mới đây chị trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
 
Góp sức trên cung đường huyền thoại Trường Sơn, còn có trên 14 vạn cán bộ, đội viên TNXP tình nguyện tham gia vào 170 Đội TNXP và 50 đại đội TNXP trực thuộc với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, trong đó có những TNXP Thủ đô Hà Nội. 
  
Cựu TNXP Dương Thị Vịn, em gái liệt sĩ chống Mỹ Dương Văn Vinh, Nguyên Phó Bí thư Đoàn Đội TNXP CMCN-N43 nhớ lại: Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Đoàn, lúc đó, dù đã có giấy gọi đi học đại học ở nước ngoài, bà vẫn xung phong gia nhập đội TNXP. “Hầu hết  cán bộ đội viên N43 đều còn rất trẻ, chỉ khoảng 18 tuổi, trong đó 50% là nữ.  Có người khai tăng thêm tuổi, thêm cân để được gia nhập đội; người gửi con nhỏ cho mẹ để lên đường; có cha mẹ tuổi cao sức yếu vẫn viết đơn tình nguyện cho con tham gia đội TNXP”.
  
Con đường và những con người huyền thoại - ảnh 6
Thăm lại đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh năm xưa

 
Chỉ sau 3 ngày ổn định quân ngũ, tiếp nhận quân trang, Đội đã lên đường, đi bộ suốt 12 đêm, trên vai vác balo đựng gạo, cuốc, xẻng, tư trang nặng khoảng 15 kg dưới bom rơi của Mỹ để ra tiền tuyến. 4 năm làm nhiệm vụ ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đội đã xây dựng và đảm bảo giao thông trên các tuyến đường chiến lược 15, 20, 22 và đường 10.
 
“Công việc của chúng tôi chủ yếu là xẻ núi, mở đường ở những nơi còn ít dấu chân người, làm vào ban đêm, chủ yếu dùng sức người với các dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng nên khá nặng nhọc với nữ giới… Hằng ngày phải đối mặt với máy bay, bom đạn tối tân của Mỹ và biệt kích thám báo. Điều kiện sống cũng hết sức khó khăn. Càng về sau, càng vào sâu trong rừng, lương thực, thực phẩm, quân trang, nhu yếu phẩm càng khan hiếm… Đội viên phải ăn sắn, khoai, rau rừng ròng rã; đi làm đầu không mũ, chân không giầy dép, chịu đựng bệnh tật hoành hành, nhiều nữ đội viên bị ghẻ lở, sốt rét ác tính, rụng tóc…”.
 
Con đường và những con người huyền thoại - ảnh 7

 
Vượt lên tất cả, TNXP Hà Nội vẫn giữ tinh thần lạc quan, kiên định lý tưởng chống Mỹ, cứu nước, đảm bảo giao thông liên tục thông suốt để những đoàn xe vận chuyển hàng chi viện cho tiền tuyến. Trong 4 năm 1965-1969, Đội N43 đã xây dựng 3 tuyến đường chiến lược với chiều dài 55km; chốt giữ 15 trọng điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt như Khe Do, Long Đại, Gốc Mít, Ba Lòi, Đèo Ngang; phá hàng vạn bom mìn các loại của địch, trong đó có các loại bom mới tối tân của Không lực Hoa Kỳ… 
 
Chiến sĩ trong cuộc sống hòa bình
  
Vào dịp cuối năm, đến với huyện Phúc Thọ, nhiều người sẽ ngạc nhiên trước bạt ngàn hecta bưởi Diễn cho trái vàng lúc lỉu, có giá trị kinh tế cao. “Chủ nhân” của nhiều trang trại này chính là các TNXP đã làm nên chiến tích năm xưa.
 
Ông Đặng Hữu Bằng, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Phúc Thọ tự hào chia sẻ về phong trào “Gia đình cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế xóa nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống” thực hiện rất hiệu quả. Tận dụng lợi thế quê hương có vùng đất ven bãi phì nhiêu, màu mỡ, cùng đồng đội, ông Bằng đã tự mày mò học hỏi, đưa giống bưởi Diễn về trồng. Những vụ bưởi đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng/năm giúp nhiều cựu TNXP ấm no. Không chỉ lo cho gia đình, ông cùng các đồng đội lập CLB gia đình TNXP, động viên nhiều cựu TNXP khác thuê đất bãi để trồng bưởi. Cựu TNXP nào gặp khó khăn, sẽ được đồng đội cho vay tiền thuê đất, được giúp cây giống, tham gia lớp tập huấn kỹ thuật…
 
Con đường và những con người huyền thoại - ảnh 8
Những cuốn sổ tiết kiệm được trao tặng cho cựu TNXP từ nghĩa tình đồng đội (Ảnh Hội cựu TNXP HN)

 
Như không ít cựu TNXP khác, ông Trần Huy Vân có 2 hecta trồng cây ăn quả, chăn nuôi vịt cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm; Tại xã Vân Hà, có 15 hội viên là TNXP thì 10 hộ sinh hoạt trong CLB làm giàu, không hộ nào nghèo... Nhiều mô hình cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế như thế trên địa bàn TP đã giúp cho hàng trăm gia đình hội viên xóa nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Không chỉ vậy, những chiến sĩ năm xưa thực hiện nhiều hoạt động nghĩa tình đồng đội, tương thân tương ái.
 
Đón chúng tôi trong căn nhà đã khang trang hơn, vợ chồng cựu TNXP Đỗ Thị Thử, Phạm Văn Đông, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy xúc động nhớ lại: “Nhiều  năm trước, ngôi nhà của chúng tôi bị xuống cấp nghiêm trọng. Trời mưa, nước từ mái nhà thủng lọt vào trong ngập lênh láng. Chính các đồng đội Hội cựu TNXP quận Cầu Giấy, cùng với chính quyền địa phương đứng ra hỗ trợ kinh phí, giúp tôi sửa nhà”.
 
Con đường và những con người huyền thoại - ảnh 9
Vợ chồng nữ cựu TNXP Đỗ Thị Thử, Phạm Văn Đông trước căn nhà được sửa lại bởi sự giúp sức của đồng đội 

 
Bà Lê Thị Hồi, Chủ tịch Hội TNXP quận Cầu Giấy chia sẻ: Trong chiến đấu, chúng tôi là đồng đội, trong hòa bình, chúng tôi vẫn đồng hành với nhau, cùng nhau tiếp tục cống hiến: làm Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố… 
 
Chiến trường ác liệt là thế, nhưng thật kỳ diệu, cả đơn vị Nữ lái xe Trường Sơn không ai bị hy sinh, 1/3 chị em bị thương. Sau chiến tranh, cuộc sống của các chị gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhiều chị em bị bệnh nặng, không thực hiện được thiên chức làm mẹ do ảnh hưởng từ việc dùng miệng hút xăng, nuốt xăng mang theo chì độc vào cơ thể. Nỗi buồn di chứng chiến tranh khiến các chị càng yêu thương, gắn bó và chia sẻ với nhau hơn.
 
Con đường và những con người huyền thoại - ảnh 10
Hội cựu TNXP TP Hà Nội đón Huân chương Lao động hạng Hai năm 2017 (Ảnh Hội cựu TNXP Hà Nội)

 
Con đường và những con người huyền thoại Trường Sơn năm xưa, nay đã khác xưa rất nhiều. Đường Hồ Chí Minh được mở rộng xây dựng trên nền tuyến đường Trường Sơn với tổng chiều dài 3.167km từ Pắc Bó (Cao Bằng) tới Đất Mũi (Cà Mau), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. 
 
Cùng với con đường, những chiến sĩ Trường Sơn, TNXP năm ấy đang tiếp tục bình dị và tỏa sáng giữa thời bình…
 
 
Hoàng Lan - Đức Hạnh 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.