Vợ chồng công khai "quỹ đen": Tại sao không?

Chia sẻ

PNTĐ-Lâu nay, mọi người vẫn cho rằng "quỹ đen" tồn tại trong hôn nhân mang ý nghĩa xấu nhiều hơn tốt. Tuy nhiên, thời hiện đại, một bộ phận vợ chồng lại cho rằng "quỹ đen" có "quyền" tồn tại...

 
 
Lâu nay, mọi người vẫn cho rằng "quỹ đen" tồn tại trong hôn nhân mang ý nghĩa xấu nhiều hơn tốt. Vì nó mang lại nhiều ẩn họa cho hôn nhân. Tuy nhiên, thời hiện đại, một bộ phận vợ chồng lại cho rằng "quỹ đen" có "quyền" tồn tại công khai trong hôn nhân...
 
Tài sản riêng là... "quỹ đen"?
 
Vợ chồng tôi thuộc thế hệ 6X theo cách gọi của giới trẻ bây giờ. Kể từ lúc cưới nhau đến nay đã mấy chục năm, giờ cũng sắp lên chức ông bà nội, ông bà ngoại, chúng tôi vẫn xem tài sản trong gia đình đều là "của chung". Vì vậy, chuyện "quỹ đen" là tối kỵ. Bản thân tôi vẫn luôn cho rằng một khi vợ chồng lập "quỹ đen" là muốn làm chuyện "mờ ám" sau lưng bạn đời. Bởi nếu là việc chung hay việc riêng trong gia đình, vợ chồng đều có thể thảo luận với nhau.
 
Vì cả hai vợ chồng đều là con trưởng, gái lớn trong gia đình nội, ngoại nên thỉnh thoảng vẫn cần có những khoản chi tiêu riêng cho gia đình. Do đó, tôi và chồng thống nhất cả hai sẽ có một khoản tiền riêng "nho nhỏ" để chi dùng cho việc ấy, không cần thông qua nhau, chỉ trừ những việc lớn thì mới nói với nhau. Như thế để chúng tôi hạn chế việc lập "quỹ đen" sau lưng bạn đời.
 
Cả hai thống nhất, nếu giấu giếm có "quỹ đen" mà để bạn đời phát hiện ra thì coi như hôn nhân không còn gắn kết được nữa. Bạn bè tôi, đa số đều sống với quan điểm "quỹ đen" tối kỵ trong hôn nhân. 
 
Vợ chồng công khai
Ảnh minh họa

 
Vì vậy, trong lần ghé thăm vợ chồng đứa cháu thuộc thế hệ 9X, tôi đã thật ngạc nhiên khi hai vợ chồng công khai "quỹ đen" của nhau rất thoải mái. Tôi đã lập tức chấn chỉnh đôi vợ chồng trẻ.
- Người ta nói vợ chồng chung một giỏ, hay “vợ như cái giỏ, chồng như cái hom”, các cháu làm ra kinh tế nhưng phải biết quy về một mối. Không nên mỗi vợ chồng một "quỹ đen" như thế, mạnh ai người nấy tiêu rồi sinh chuyện lăng nhăng bên ngoài. Sau này lấy gì nuôi con, tiền đâu để làm các công chuyện lớn trong gia đình...?
 
- Bác ơi, thời hiện đại rồi, vợ chồng có "quỹ đen" là chuyện bình thường. Các bác hiểu "quỹ đen" là tiền riêng đúng không? Vậy tiền riêng của mỗi người thì họ có quyền với tài sản của mình chứ. Việc gì phải giấu giếm. Như vợ cháu ấy, cô ấy có nhiều "quỹ đen" lắm, công khai luôn cho cháu biết đấy. Cô ấy cũng thoải mái khi cháu có "quỹ đen". Cháu thấy như thế cũng hợp lý, miễn sao vợ chồng có kế hoạch chi tiêu hợp lý, không ảnh hưởng đến "an ninh kinh tế" chung của gia đình là được.
 
Theo lý giải của cháu tôi "quỹ đen" có nghĩa là tiền riêng hay còn gọi là tài sản của vợ, chồng làm ra hoặc được bố mẹ cho, tặng khi cưới, hay thừa kế khi bố mẹ qua đời. Cháu dâu tôi là con một trong gia đình khá giả, ngày cưới chồng, bố mẹ cho một chiếc ô tô cùng mấy trăm triệu. Khoản tiền đó, cháu dâu công khai với chồng là "quỹ đen" riêng của mình, chồng bất khả xâm phạm nếu như chưa được sự đồng ý của vợ.
 
Tương tự, cháu trai tôi cũng được bố mẹ cho một khoản tiền để đầu tư mở cửa hàng làm ăn. Số tiền đó, cháu cũng công khai với vợ là "quỹ đen" của mình để lo chuyện làm ăn, và vợ không có quyền quản số tiền đó. Hai vợ chồng đi làm, hàng tháng cùng đóng góp vào một khoản để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình và thêm một khoản đóng góp vào làm "của chung" phòng khi đau ốm hay cần mua sắm gì trong nhà. Số còn lại, vợ chồng có thể cho vào "quỹ đen" của mình để chi tiêu cá nhân riêng. Vì cùng thống nhất như vậy nên cả hai thoải mái với việc vợ chồng có "quỹ đen".
 
Đối với họ, "quỹ đen" không đáng sợ khi vợ chồng tin tưởng nhau. Bởi ai cũng có quyền đối với tài sản mình làm ra, không phải rơi vào cảnh mình làm ra tiền nhưng vẫn phải phụ thuộc kinh tế từ vợ hoặc chồng bởi việc một người nắm tay hòm chìa khóa.
 
Trong khi tôi vẫn phân vân trước việc vợ chồng công khai và tự do có "quỹ đen" thì vợ chồng đứa cháu bảo giới trẻ bây giờ xem việc đó là bình thường. Bởi thay vì một người cầm tay hòm chìa khóa kinh tế trong gia đình thì nay cả hai cùng nắm giữ, chia tiêu và quyết định tài sản bình đẳng như nhau. 
 
 "Quỹ đen" là... "văn minh"?
 
Không chỉ tự do công khai với bạn đời về "quỹ đen" riêng của mình, một bộ phận vợ chồng trẻ còn cho rằng "quỹ đen" không hề xấu, ngược lại nó còn rất văn minh. Điều gì khiến cho "quỹ đen" từ chỗ bị cấm kỵ trong hôn nhân trở thành có quyền tồn tại tự do trong hôn nhân, thậm chí được xem là "văn minh"?
 
Tôi thử làm một cuộc test đối với các cặp vợ chồng trẻ để tìm hiểu "quỹ đen" theo góc độ "văn minh" như thế nào. Kết quả thật bất ngờ khi đa số đều cho rằng nếu vợ chồng có khả năng lập "quỹ đen" riêng, ngoài việc đã đóng góp để đảm bảo cho chi tiêu sinh hoạt gia đình, và các khoản cần có trong hôn nhân là rất tốt. Bởi khi vợ, chồng có "quỹ đen" nghĩa là mỗi người đều có nguồn tiền riêng, tài sản tích tũy của mình. Họ có thể tự do, thoải mái trong việc đối nội, đối ngoại trong gia đình. Một việc mà lâu nay trở thành nguyên nhân khiến vợ chồng bất hòa trong cuộc sống, thậm chí đẩy hôn nhân vào bế tắc. 
 
Một anh chồng kể, hai vợ chồng họ cưới nhau đã gần 20 năm nay nhưng cuộc sống luôn lục đục bởi lý do vợ luôn kiểm soát việc chồng giúp đỡ người thân. Gia đình anh sống theo quan niệm truyền thống, nghĩa là vợ nắm giữ tay hòm chìa khóa, chồng đi làm về được bao nhiêu đưa hết vợ quản. Cô vợ thậm chí còn cho mình quyền quản lý cả các chi tiêu cá nhân của chồng.
 
Ví dụ, hàng tháng, cô cấp cho chồng một khoản tiền nhất định để đổ xăng đi làm, ăn trưa, mua dao cạo râu... Anh là con trưởng trong nhà, nghĩa vụ giúp đỡ các em, phụ nuôi bố mẹ già vẫn phải thực hiện. Nhưng, lần nào anh bảo vợ đưa tiền để thực hiện nghĩa vụ đó cũng rất khó khăn.
 
Bởi cô vợ mang tâm lý không muốn chi tiền cho chồng đưa về giúp đỡ người thân, nên nếu có đưa cũng rất "nhỏ giọt", hoặc có lúc còn không chịu chi. Mỗi lần như thế, hai vợ chồng lại cãi vã nhau. Có tháng, anh bí mật để ra một khoản lương để thực hiện nghĩa vụ của mình đỡ phải hỏi vợ, ai ngờ, cô vợ phát hiện ra, cho rằng anh có bồ nhí con riêng bên ngoài nên mới lập "quỹ đen". Vợ chồng cãi nhau suýt ra tòa vì khoản "quỹ đen" đó. Từ nỗi khổ khó nói của mình, anh bảo giá như anh có quyền lập "quỹ đen" công khai thì vợ chồng tránh được sự cãi vã kia. 
 
Thu Hồng, một cô vợ trẻ có quan niệm "quỹ đen" tự do tồn tại trong hôn nhân kể, nhờ vào việc đó nên vợ chồng cô gần như không cãi vã nhau trong chuyện vợ, chồng giúp đỡ người thân của mình. Hai vợ chồng cô đều đi làm, có thu nhập ngang nhau. Họ lập ra một tài khoản chung, thỏa thuận với nhau mỗi tháng đổ vào đó 2/3 thu nhập, còn lại 1/3 sẽ giữ trong tài khoản riêng của mỗi người. Đó là "quỹ đen" công khai của họ. Theo đó, vợ sẽ có nghĩa vụ lo các khoản đối ngoại, bên nhà ngoại, chồng lo bên nhà nội. Nhiều hay ít, không ai được can thiệp vào. Nếu ai có "quỹ đen" nhiều có thể bày tỏ lòng hiếu với bố mẹ hai bên thêm. Như vậy, theo Hồng "quỹ đen" là tích cực chứ không hề tiêu cực.
 
Theo các chuyên gia tâm lý, trong thời hiện đại, khi phụ nữ và đàn ông đều có cơ hội đi là kiếm tiền ngang nhau thì việc quản lý và định đoạt kinh tế dựa trên nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng. Việc vợ chồng tồn tại khoản tiền riêng do mình làm ra hoặc được thừa kế lại là quyền tự do chính đáng của họ. Chúng ta không nên xem nguồn tiền riêng ấy là xấu, thuộc dạng "quỹ đen" bất chính.
 
Ở nước ngoài, tài sản riêng được tồn tại và thừa nhận nghiễm nhiên trong cuộc sống hôn nhân. Nó cũng giúp cho bạo lực gia đình được hạn chế. Bởi chế tài của pháp luật, khi chồng, vợ gây ra bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính thì sẽ phải trích từ nguồn thu nhập riêng của mình để đóng phạt. Như vậy, nếu gây ra bạo lực, thủ phạm sẽ bị thiệt hại về kinh tế đầu tiên, chứ không phải nạn nhân phải mang tiền đi đóng phạt hộ thủ phạm như nước ta. Rõ ràng, ở một góc độ, sự tồn tại "quỹ đen" khiến vợ chồng ứng xử với nhau văn minh hơn.
 
 
Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.