Con gái ơi

Chia sẻ
 
Con mặc chiếc váy mỏng như khâu bằng những cánh hoa tầm xuân
Con đi đôi giày nhỏ như làm bằng hai chiếc kén tằm vàng
Trên con đường trước nhà ta đầy đá
Con chạy ra đón cha

 
Hai bên đường những cánh bướm còn non
Bay như dính vào không gian
Đó là chim bồ câu tí hon
Trong miền riêng của con trong trắng

 
Niềm xúc động trong cha dâng lên đến tận cùng
Làm buốt chân tóc trên đỉnh đầu cha
Những sợi tóc tơ con ròng ròng từng sợi nước
Mát rượi chảy tràn từng ống xương cha

 
Con gái của cha ơi
Cha nghe thấy có tiếng cười lạ
Cha nghe thấy có tiếng người lạ
Dẫu không gọi tên con cũng không gọi tên cha
Mà sao cha sợ run lên
Cha mở đời cha như mở một tấm lót
Bọc lấy con và bế con lên

 
Chỉ như thế cha mới có thể nhắm đôi mắt lại
Hôn dịu dàng lên mái tóc con
Chỉ như thế chiều nay con mới không òa khóc
 
Nguyễn Quang Thiều 
 
Nguyễn Quang Thiều (sinh 1957) là một nghệ sỹ đa tài: ông viết văn, làm thơ, sáng tác kịch và còn là dịch giả nổi tiếng. Riêng về thơ, ông đã cho in hàng chục đầu sách. Ông xuất hiện trên thi đàn văn học hiện đại với một lối viết lạ lẫm, đầy ấn tượng. Những bài thơ của ông góp phần cách tân, đổi mới thơ ca rõ rệt. Trong số rất nhiều sáng tác của ông, tôi rất ấn tượng với bài “Con gái ơi” viết cho con gái Tuyết Ngân, rút từ tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” (1992).
 
Bài thơ là những cảm xúc dạt dào, tâm trạng hạnh phúc thiêng liêng tột cùng  ở người cha khi được con gái chạy ra đón mình và niềm khao khát chở che bao bọc đứa con  nhỏ bé. Nhà thơ chọn thể thơ tự do làm phương tiện biểu đạt là rất sát với mạch cảm xúc dạt dào trong bài. Những câu thơ phóng khoáng về vần điệu và số lượng các âm tiết dài ngắn khác nhau thật phù hợp với nỗi niềm khó nói hết thành lời.
 
Con gái ơi - ảnh 1

 
 Ngay mở đầu bài, tác giả đã tái hiện lại chân dung con gái mình thật dễ thương như một thiên thần nhỏ: “Con mặc chiếc váy mỏng như khâu bằng những cánh hoa tầm xuân/ Con đi đôi giày nhỏ như làm bằng hai chiếc kén tằm vàng/ Trên con đường trước nhà ta đầy đá/ Con chạy ra đón cha”. Thật khó mà nói hết được niềm vui tạo hóa ban tặng diễm phúc cho những ai được làm cha. Niềm vui ấy càng nhân lên cấp số khi con gái nhỏ biết chạy ra đón cha trong dáng điệu mừng tíu tít. Và chính lúc này, từ sâu thẳm cõi lòng tác giả dâng lên “Niềm xúc động trong cha dâng lên đến tận cùng làm buốt chân tóc trên đỉnh đầu cha/ Những sợi tóc tơ con ròng ròng từng sợi nước/ Mát rượi chảy tràn từng ống xương cha”. Cái hạnh phúc giản dị mà lớn lao ấy quả là đáng quý và thiêng liêng vô cùng. 
 
 Bằng tấm lòng yêu thương vô hạn của người cha, thi sĩ đã hình dung ra một thế giới kì ảo, nhỏ xíu - vừa là thế giới thật, vừa là thế giới thần tiên hiện hữu quanh con: “Hai bên đường những cánh bướm còn non/ Bay như dính vào không gian/ Đó là chim bồ câu tí hon/ Trong miền riêng của con trong trắng”. Người cha lắng tâm hồn mình vào miền riêng ấy của con và như nghe thấy tiếng người, thấy tiếng cười lạ - dù tiếng ấy không gọi tên ai thì cảm giác sợ hãi bỗng trùm lên, run rẩy. Có lẽ người cha hình dung cái miền riêng ấy là bí mật của cả hai cha con chăng? Và cái chính là người cha lo cho sự an toàn của con gái bé bỏng mà thôi. Nhưng con gái hãy yên tâm.
 
Cha đã đem cả cuộc đời mình và mở nó ra như một tấm lót để bọc lấy con, che chở, giữ gìn cho con: “Cha mở đời cha như mở một tấm lót/ Bọc lấy con và bế con lên/ Chỉ như thế cha mới có thể nhắm đôi mắt lại/ Hôn dịu dàng lên mái tóc con/ Chỉ như thế chiều nay con mới không òa khóc”. Nghệ thuật sử dụng điệp từ “con” (10 lần) và “con gái” (3 lần) thể hiện xiết bao yêu thương trìu mến. Đặc biệt cách so sánh cuộc đời mình như một tấm lót quả là rất mới lạ, độc đáo đã khắc sâu tấm lòng yêu thương rộng lớn, sự hy sinh hết mình ở người cha. Ông cha ta xưa thường nói: phụ tử tình thâm, hình ảnh trên quả là một minh chứng cụ thể và sống động.
 
Bài thơ đã khép lại nhưng đọng sâu đậm trong lòng người đọc là tình cảm cha con sâu nặng. Tình cảm nồng ấm ấy đã và luôn là nguồn động lực tiếp thêm cho người cha sức mạnh vượt qua mọi sóng gió trên dòng sông cuộc đời lắm ghềnh nhiều thác.
 
 
NGUYỄN THIỆN 

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

(PNTĐ) - Tối qua, 23/4 công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chính thức khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách. Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.