“Đừng để trẻ em tổn thương vì lỗi của người lớn”

Chia sẻ

PNTĐ-"Việc sử dụng trẻ em để thể hiện những câu chuyện, nội dung, tư tưởng nào đó phải vô cùng thận trọng. Liệu đạo diễn có nghĩ tới những hệ lụy đối với các em nhỏ hay không?"

 
Tuần qua, dư luận bất bình với sự xuất hiện của Ngọc Trinh trên thảm đỏ LHP Cannes (Pháp) và việc bộ phim gắn mác 18+ “Vợ ba” sử dụng diễn viên vị thành niên đóng nhiều cảnh “nhạy cảm”. Sự việc đã khép lại khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định xử phạt nhà sản xuất phim 50 triệu đồng và dừng phát hành bộ phim tại rạp. Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội - xung quanh vấn đề này.
 
“Đừng để trẻ em tổn thương vì lỗi của người lớn” - ảnh 1
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng

 
* Thưa bà, vừa qua bà đã có ý kiến phản đối gay gắt trên trang cá nhân về việc diễn viên 13 tuổi Trà My đóng những cảnh quay “nhạy cảm” trong phim “Vợ ba”. Theo bà, Bộ VH-TT&DL phạt nhà sản xuất 50 triệu đã thoả đáng? 
 
- Điều mà mọi người băn khoăn, quan ngại là chuyện cháu bé đóng cảnh người lớn chứ không ai bàn luận về nghệ thuật, hay cốt truyện. Cốt truyện thì đã quá rõ ràng và quen thuộc ở Việt Nam: chuyện tảo hôn, bạo hành, gia trưởng, đa thê... Tuy nhiên, tôi thấy quyết định xử phạt không rõ ràng, khó hiểu cho cả những người không tán thành là việc để công chiếu bộ phim có nữ diễn viên 13 tuổi đóng cảnh người lớn. 
 
Điều mà công chúng bức xúc là việc để trẻ em đóng “cảnh nóng” được dựng lên với cách khá thơ mộng, khiến ta có cảm giác điều đó không có gì sai trái. Tất nhiên, câu chuyện kể lại bối cảnh thế kỷ trước, chuyện tảo hôn là bình thường, trẻ em kết hôn sớm và sống đời sống vợ chồng là bình thường nhưng ở thế kỷ này khi dựng lại theo cách làm thi vị hóa đời sống tình dục của trẻ em mới là câu chuyện đáng lo ngại. Nó khiến những đứa trẻ khác xem phim thấy chuyện đó là bình thường…
 
* Sau khi phim bị dừng chiếu tại các rạp thì trên các trang mạng, bộ phim này lại thu hút lượng xem rất lớn, theo bà, điều này có tác hại như thế nào?
 
- Khi bộ phim được chiếu công khai đồng nghĩa với việc phim được phê duyệt, được cấp phép lưu hành. Tuy nhiên, khi nó được phổ biến trên mạng sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
 
Chẳng hạn, những người có suy nghĩ lệch lạc sẽ nhìn thấy ở bộ phim này chuyện quan hệ tình dục với trẻ em không có gì bất thường, tồi tệ, xấu xa. Với những người này, xem phim có thể dẫn đến khuyến khích, thôi thúc người ta có những hành vi không hay. Trẻ em xem phim có thể sẽ lầm tưởng rằng trẻ em quan hệ tình dục với người lớn là bình thường, không có gì khủng khiếp cả.
 
Vì vậy, tôi mong cơ quan chức năng liên quan nên kịp thời ngăn chặn để những bộ phim như vậy không được phát tán rộng rãi. 
 
* Nhiều người lo ngại sự việc sẽ gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề đối với diễn viên nhỏ tuổi Trà My, bà nghĩ sao? 
 
- Trong phim “Vợ ba” tôi cảm thấy hơi tiếc cho Trà My vì cháu rõ ràng rất có tài. Nếu đạo diễn, nhà sản xuất có những thủ pháp khác hơn thì câu chuyện sẽ không xảy ra theo cách như thế này. 
 
Với những người tham gia làm phim, đặc biệt là các diễn viên, sự ám ảnh diễn xuất là có thật. Ngay cả những diễn viên nước ngoài dù đã đủ tuổi đóng “cảnh nóng” vẫn có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định về tâm lý sau này. Với cháu bé, có thể ngay bây giờ chưa nhìn thấy ảnh hưởng, hoặc chưa ảnh hưởng ngay lập tức nhưng tổn thương về tinh thần, tâm lý, tình cảm sau này, thì không đoán định được. 
 
Trong tình huống xảy ra những hệ lụy nghiêm trọng thì ai chịu trách nhiệm với tương lai, cuộc đời của cháu?. Đó là lý do vì sao trên thế giới người ta quan ngại việc để trẻ em lao động, trẻ em có những hoạt động đặc thù như vậy và cần có chế tài. 
 
* Gần đây trong nghệ thuật, cũng có không ít những trường hợp trẻ em phải vào những vai diễn “nhạy cảm” như giả gái, nhân vật thuộc giới tính thứ ba, ăn mặc táo bạo váy ngắn, hở eo… quan điểm của bà ra sao?
 
- Việc sử dụng trẻ em để thể hiện những câu chuyện, nội dung, tư tưởng nào đó phải vô cùng thận trọng. Liệu đạo diễn có nghĩ tới những hệ lụy đối với các em nhỏ hay không? Nếu nghĩ đến mà vẫn quyết định thì có thể là bởi họ cố tình gây cười, cuốn hút hơn, nhưng cái giá phải trả thì không đáng. Đôi khi chỉ là chi tiết nhỏ nhưng làm cháu bé có những tổn thương mà không lường hết được hậu quả.
 
Tâm hồn của trẻ em rất mong manh, chúng ta không thể đoán trước được hết mọi chuyện, ngay cả người trong cuộc cũng không thể. Trẻ em khó có thể đưa ra những quyết định mang tầm nhìn xa, nên người lớn phải có trách nhiệm trước tiên. 
 
* Xin cảm ơn bà!
Nguyên Vũ (thực hiện) 

Tin cùng chuyên mục

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.
Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, nhân dịp bộ sách "Thưởng thức triết học" ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".