Hãy cùng “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”

Chia sẻ

PNTĐ-Có lẽ là hơn cả một cuốn sách, “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” đem đến cho tôi nhiều triết lí sống tưởng như thân thuộc, nhưng lại bị bỏ quên bấy lâu...

 
Hãy cùng “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” - ảnh 1

 
Đã bao lần, bạn tự hỏi, mình là ai giữa cuộc đời 7 tỷ người này? Đã bao lần, bạn tự vấn, tâm hồn mình có bình yên giữa thế gian vội vã... Những câu hỏi lặp lại với tần suất tính bằng bội số của 10, 20 diễn ra trong đầu mình hằng ngày. Giữa bộn bề cuộc đời này, người ta cứ cố gắng chạy cho kịp bằng ai đó, cho vừa mắt với ánh nhìn của khán giả cuộc đời. Đôi lần, vì mải mê, ta để quên bản ngã của mình phía sau vạch đích. Sống vì người khác, sống vì xã hội, mệt mỏi rệu rã.
 
Tôi chợt bừng tỉnh rằng: “Tại sao phải lạc mất mình... khi ta hoàn toàn có thể bước chậm lại và sống trọn vẹn từng phút giây?”, khi bắt gặp cuộc đời trong “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” của tác giả là thiền sư Hae Min Đại đức. 
 
Cuốn sách được chia làm 8 chương, với những chủ đề khác nhau mà ta thường gặp trong cuộc sống: Nghỉ ngơi, những mối quan hệ, tương lai, cuộc sống, tình yêu, tu hành, nhiệt huyết, tôn giáo. Mỗi chương mang ý nghĩa tích cực, cũng như nhiều vấn đề khi gặp khó khăn chúng ta có thể lật dở từng trang sách để tìm lời khuyên và sự chia sẻ. Và ngay từ trang đầu tiên, cuốn sách đã mang lại cho người đọc cảm giác muốn được nghỉ ngơi, tìm một điểm tựa an yên trong mình.
 
Có lẽ là hơn cả một cuốn sách, “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” đem đến cho tôi nhiều triết lí sống tưởng như thân thuộc, nhưng lại bị bỏ quên bấy lâu. Thiền sư Hae Min ví cuộc đời này là một bản nhạc, việc của chúng ta là cần trầm, thăng đúng lúc: “Lý do âm nhạc được xem là một thứ gì đó đẹp đẽ/ Là vì giữa các nốt có khoảng cách. Có đoạn nghỉ/ Lý do lời nói được xem là một thứ gì đó đẹp đẽ/ Là vì giữa các từ có khoảng nghỉ vừa phải”.
 
Lối hành văn của tác giả không đặt nặng hình ảnh, câu chữ. Nghệ thuật, lí trí nhường chỗ cho dòng xúc cảm chảy tràn. Khuyên nhủ nhẹ nhàng, không giáo điều đanh thép: “Nếu cảm thấy mệt mỏi, hãy nghỉ một lát rồi đi tiếp/ Khi bị người khác làm tổn thương đến rơi nước mắt/ Khi điều bạn khao khát không trở thành hiện thực/ Khi người bạn yêu thương rời bỏ bạn/ Hãy cứ nghỉ một lát rồi đi tiếp/ Hẹn gặp những người thật lòng trân trọng bạn/ Nói hết những chuyện bạn giấu trong lòng bấy lâu...”.
 
Với những triết lý hết sức bình dị, đời thường, quyển sách là lời mà Hea Min Đại đức muốn nhắn gửi đến thế hệ trẻ hiện nay - thế hệ có bao nhiêu nỗi lo và bất an xuất hiện, chông chênh và dễ buồn lòng… Tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác, từng có những lúc suy sụp, sợ hãi hay căm giận ai đó đối xử tệ với mình… Nhưng tôi đã may mắn khi bắt gặp những triết lý nhân sinh trong cuốn sách: “Hãy tha thứ cho những người đã làm hại bạn/ Không phải vì họ tốt đẹp/ Không phải vì họ đáng được tha thứ/ Không phải vì “Thì người ta cũng là người...”/ Mà vì chỉ có như thế bạn mới sống được/ Vì bạn phải quên họ đi để sống tiếp cuộc sống của mình/ Vì bạn có quyền được hạnh phúc”. 
 
Tôi tin rằng, mỗi người khi gấp trang sách lại sẽ vẫn ngân nga mãi cuộc hội thoại ngầm giữa độc giả và tác giả. Bởi mỗi chúng ta, xét cho cùng đều nhìn thấy chính mình trong bức tranh cuộc đời qua lời văn của Hae Min. Mỗi chúng ta, xét cho cùng, cũng đang bị giam cầm trong thế giới quan của mình. Chỉ còn cách chầm chậm bước đi, lần mò chìa khóa bên hông tên cai ngục mang tên “sợ hãi” để giải thoát chính bản thân.
 
Nếu bạn đang mất kết nối với chính bản thân mình, thậm chí với chính những mối quan hệ mình có thì cuốn sách này là dành cho bạn. Đọc để tự hỏi, là do thế gian này vội vàng hay do chính tâm trí bạn đang quá bận rộn? để thong thả khám phá những điều mà chỉ khi bước chậm lại mới có thể thấu rõ: về các mối quan hệ, về chính bản thân mình, về những trăn trở trước cuộc đời và nhân thế, về bao điều lý trí rất hiểu nhưng trái tim chưa cách nào nghe theo.
 
Chúng ta đôi khi đang tự nhốt mình trong lớp mặt nạ cảm xúc mà quên mất rằng chính nó mới là công cụ kết nối thế gian. Điều chỉnh và làm chủ cảm xúc là điều cần thiết cho con người trong xã hội hiện đại. Hae Min đưa ra giải pháp cho những tâm hồn lạc lõng muốn thoát ra khỏi thế giới quan chật hẹp của họ. Thả lòng với cuộc đời qua trang sách thấm đậm tính nhân văn. Đó là điều thiền sư Hae Min muốn mang người đọc đi đến. Đừng tự cho mình cái quyền được buồn nữa, vì cuộc sống này tiêu cực hay tích cực, đều phụ thuộc vào thế giới quan bạn chọn.
 
 
Bùi Ngọc Hòa
Lớp 12 Văn, trường THPT Chuyên Sư phạm, 
đại học Sư phạm Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

(PNTĐ) -“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.
“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

(PNTĐ) -Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.