Cần ý thức và hành động có trách nhiệm

Chia sẻ

PNTĐ-Trên hết và hiệu quả nhất để chống tác hại của rượu bia là ý thức là hành động có trách nhiệm của mỗi người và cả cộng đồng.

 
Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp các vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra có liên quan đến người lái xe sử dụng rượu bia đã khiến Dự luật Phòng, chống tác hại rượu bia đưa ra biểu quyết tại Quốc hội nhận được sự quan tâm hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bất ngờ chưa có tiền lệ là kết quả lấy ý kiến đại biểu về một số nội dung dự thảo đã chứng kiến sự không ngã ngũ giữa các ý kiến đồng thuận và phản đối việc siết luật. 
 
Trong tuần làm việc cuối cùng của Quốc hội vào sáng 10/6, Quốc hội vẫn khẳng định, Dự luật có tác động đến người dân này sẽ được nhấn nút thông qua tại kỳ họp lần này, dù còn nhiều ý kiến khác. Trước đó, trong các phiên thảo luận lấy ý kiến đại biểu Quốc hội và đại biểu nhấn nút thông qua Dự luật, trong 3 nội dung: Quy định liên quan đến uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông; Quy định về thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ và Quy định không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18h đến 21h, chỉ có nội dung thứ 3 là nhận được sự đồng thuận để đưa vào Luật. Hai nội dung còn lại đã không đạt được tỷ lệ ủng hộ “quá bán”. 
 
Có tới 43,80% ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng ý “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn”; 34,92%  đại biểu “chống” lại quy định “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông”; 42,56% đại biểu không đồng tình với “quy định về thời gian cấm bán rượu, bia (từ 22h đến 8h sáng hôm sau) để tiêu dùng tại chỗ”.
 
Trong một báo cáo công bố năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Bình quân một năm, mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.
 
Mức tiêu thụ rượu bia cao cũng “song hành” với số vụ tai nạn giao thông xảy ra. Theo số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong năm 2018, tại Việt Nam đã xảy ra hơn 18 ngàn vụ tai nạn giao thông, trong đó chiếm đến 70% số vụ là do lái xe uống rượu bia khi tham gia giao thông.
 
Cũng theo một nghiên cứu của Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp Hiệp hội các doanh nghiệp Rượu châu Á - Thái Bình Dương cho thấy có tới 70% số người sau khi uống rượu, bia vẫn tiếp tục tự lái xe và rồi vi phạm các quy tắc ATGT như: 36% chuyển hướng không đúng quy định, 26% đi ngược chiều, 17% không bật đèn xe...
 
Đó là lý do vì sao, nhiều chuyên gia, công chúng…  trông chờ Việt Nam sẽ sớm ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia với những quy định đủ mạnh để có thể  ngăn ngừa tình trạng quảng cáo, bán rượu bia tràn lan, uống rượu bia vẫn lái xe… 
 
Đã có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho việc vì sao nhiều đại biểu Quốc hội bỏ phiếu “chống” lại một số quy định mà dư luận cho là “hợp lý”, cần thiết phải đưa vào Luật. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng quy định cấm không bán rượu bia để tiêu dùng tại chỗ sau 22h là thiếu tính khả thi vì người muốn uống có thể mua tích trữ rượu bia trước “khung giờ cấm” rồi mang đến chỗ nhậu uống tiếp. Hay quy định “đã lái xe không uống rượu bia” bao gồm cả lái xe ô tô, xe máy, xe đạp điện là chưa thuyết phục. Tất nhiên, dù lý do là gì, chúng ta cũng phải tôn trọng ý chí, quyết định cuối cùng của Quốc hội. 
 
Ngày 4/6, trên vai trò điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, pháp luật hiện hành trong lĩnh vực giao thông đã có nhiều quy định nghiêm cấm hành vi uống rượu, bia rồi sử dụng phương tiện giao thông. Điều đó có nghĩa chúng ta vẫn có đầy đủ chế tài xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn.
 
Không bổ sung một số quy định vào Luật, không có nghĩa chúng ta không muốn phòng chống tác hại của rượu bia. Thực tế, bất cứ bộ luật nào dù có chặt chẽ đến đâu, nhưng nếu không đi được vào cuộc sống, được người dân tự giác thực hiện thì Luật cũng mãi chỉ nằm trên giấy.
 
Không một lực lượng chức năng nào đủ mạnh để có thể túc trực 24/7 để kiểm soát việc bán và tiêu thụ rượu ở tất cả các quán nhậu từ thành thị đến nông thôn, hay kịp thời nhắc nhở người đã uống rượu bia thì không lái xe... Trừ khi, chính người trong cuộc tự giác thực hiện điều đó.
 
 Ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1092/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam nhằm “chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam”. 1/11 nội dung ưu tiên giai đoạn 2018- 2030 là phòng chống tác hại của rượu, bia với mục tiêu giảm tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại ở nam giới trưởng thành từ 39% (năm 2025) xuống 35% (năm 2030). Để thực hiện được mục tiêu này, một lần nữa cho thấy, ngoài việc cần có một hành lang pháp lý, mỗi người dân cũng phải tự nâng cao ý thức, bán, tiêu thụ rượu bia có trách nhiệm.
 
Trên hết và hiệu quả nhất để chống tác hại của rượu bia là ý thức là hành động có trách nhiệm của mỗi người và cả cộng đồng.
 
 
Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.