Chương trình giải trí hè cho thiếu nhi: Quay về văn hóa dân gian

Chia sẻ

PNTĐ-Hè năm nay, các chương trình dành cho thiếu nhi bất ngờ đổi sắc ngoạn mục, quay về với văn hóa dân gian truyền thống, lấy cốt truyện là các tích truyện cổ tích.

 
Hè năm nay, các chương trình dành cho thiếu nhi không chỉ tập trung vào tính giải trí đơn thuần, khai thác những vở hài kịch, ảo thuật do các nghệ sĩ hài nổi tiếng biểu diễn, mà bất ngờ đổi sắc ngoạn mục, quay về với văn hóa dân gian truyền thống, lấy cốt truyện là các tích truyện cổ tích. 
 
Đồng loạt đưa truyện cổ tích lên sân khấu
 
Sân khấu Lệ Ngọc khai màn với vở diễn “Tấm Cám” - câu chuyện cổ tích quen thuộc, từng được chuyển thể dưới nhiều hình thức cải lương, chèo, kịch nói, nhạc kịch, phim ảnh... với góc nhìn của đạo diễn Singapore - Chua Soo Pong. Vở kịch đã lên sân khấu một cách mới mẻ, thu hút rất đông khán giả nhí. Nhà hát Tuổi trẻ cũng bất ngờ “đổi gió” khi công diễn vở kịch “Đại chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh”.
 
Chương trình giải trí hè cho thiếu nhi: Quay về văn hóa dân gian  - ảnh 1
Vở kịch Tấm Cám được nhiều khán giả nhí yêu thích

 
Liên đoàn Xiếc Việt Nam, thay vì thu hút thiếu nhi bằng các chương trình xiếc quốc tế, xiếc tổng hợp, năm nay đầu tư xây dựng hẳn một chương trình xiếc mới “Cuộc phiêu lưu của chú Tễu”. Hình ảnh chú Tễu cùng các nhân vật chị Hằng, chú Cuội trong vở diễn đã quá quen thuộc với văn hóa dân gian Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam kỳ vọng sẽ đem đến cho các em một “món ăn” tinh thần quen mà lạ. 
 
Năm nay, cặp đôi vũ công Viết Thành - Quỳnh Trang cũng mạnh dạn góp mặt vào sân chơi cho thiếu nhi bằng chương trình vũ kịch “Sắc màu tuổi thơ”. Chương trình xây dựng trên những tích truyện quen thuộc với tuổi thơ như: Tấm Cám, Thánh Gióng, Bờm, Chú Cuội - chị Hằng.
 
Với thị trường sân khấu Hà Nội, dường như mảng đề tài cổ tích Việt này bị “ngó lơ” từ khá lâu. Các đơn vị sản xuất mải miết chạy theo cái mới lạ từ quốc tế, hay đơn giản mua vui chốc lát cho các em bằng những tiết mục hài vui nhộn, nhanh đạt doanh thu… Sự chuyển hướng bất ngờ này đã cho thấy những tín hiệu vui khi các nhà sản xuất đã biết quan tâm hơn đến giá trị tinh thần mang lại cho khán giả nhí. 
 
Vinh danh văn hóa Việt
 
Để kéo được các em nhỏ đến sân khấu, các nhà sản xuất cho rằng, muốn các em tìm đến sân khấu, hứng thú chọn lựa xem chương trình có cảm hứng từ truyện dân gian Việt Nam, thì phụ huynh là một yếu tố quan trọng góp sức trong việc định hướng, cổ vũ. Vì vậy, các đơn vị sản xuất đã phải nỗ lực gấp đôi để làm sao vừa hấp dẫn trẻ nhỏ, vừa chinh phục được phụ huynh. 
 
Vở kịch “Tấm Cám” của sân khấu Lệ Ngọc được tiết lộ đầu tư hàng tỉ đồng, từ việc thuê đạo diễn người Singapore, đến thuê nhà thiết kế nổi tiếng Sỹ Hoàng thực hiện trang phục, nhạc sĩ Tiến Minh viết nhạc… NSND Lệ Ngọc chia sẻ, chị đầu tư hết sức, chấp nhận lỗ cho vở diễn bởi khán giả nhí bây giờ “sành” lắm, các em được tiếp thu văn hóa thế giới nhiều, sẽ khó để chấp nhận những chương trình nghèo nàn, đơn giản. Muốn các em yêu sân khấu, quan tâm đến văn hóa dân gian, thì phải đầu tư bài bản.
 
Vở diễn “Sơn Tinh - Thủy Tinh” của Nhà hát Tuổi trẻ cũng mạnh dạn đầu tư công nghệ kỹ xảo sân khấu hiện đại, sử dụng hiệu ứng 3D mapping… để tạo cảm giác thần thoại với các em nhỏ. Vở vũ kịch “Sắc màu tuổi thơ” với 78 vũ công nhí tham gia cũng “ngốn” đến con số tiền tỉ, một con số không hề nhỏ với một chương trình dành cho trẻ em. Tuy nhiên, với khát vọng mong mỏi các em sẽ không quên văn hóa dân gian trong đời sống giải trí toàn siêu anh hùng, vô vàn loại game hấp dẫn, thì việc đầu tư những chương trình hoành tráng, công phu là rất cần thiết. 
 
Mang lại những bài học cuộc sống là điều mà các chương trình cho thiếu nhi luôn hướng tới. Theo đạo diễn Lý Chí Huy, đạo diễn vở “Sơn Tinh - Thủy Tinh đại chiến”, thì truyện cổ Việt Nam luôn mang lại những bài học cuộc sống vô cùng sâu sắc, nổi bật, xứng đáng để các đơn vị sản xuất khai thác mạnh. Với “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, đạo diễn Lý Chí Huy hướng đến việc làm nổi bật lên tinh thần đoàn kết của nhân dân ta và truyền đi thông điệp, đừng vì sự ích kỷ của cá nhân mà gây tai họa cho người vô tội tới các em nhỏ. 
 
Với góc nhìn của một người trẻ tuổi, vũ công Viết Thành chia sẻ, anh lớn lên từ những câu chuyện cổ tích, mà thấy tiếc khi thời nay trẻ con đã quên đi rất nhiều những câu chuyện này, thay vào đó là truyện tranh hiện đại, ít tính giáo dục. Anh và ekip mong muốn, sự nỗ lực của mình cũng như của sân khấu Hà Nội khi cùng đem những tích truyện dân gian trở lại sẽ góp phần vinh danh văn hóa Việt, “lôi kéo” trẻ nhỏ trở về với truyện cổ Việt Nam, với văn hóa Việt Nam.
 
“Để làm được điều này không dễ dàng, nhưng với khát vọng truyền cho thế hệ hôm nay một tình yêu văn hóa Việt Nam, những người lo lắng cho sự mai một của truyện cổ Việt Nam sẽ nỗ lực bằng mọi cách” - vũ công Vũ Viết Thành chia sẻ. 
 
 
Nguyên Vũ 

Tin cùng chuyên mục

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.
Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, nhân dịp bộ sách "Thưởng thức triết học" ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".