“Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi”

Chia sẻ

PNTĐ-Hàng nghìn phụ nữ đã tập trung tại các thành phố khắp nước Mỹ những ngày qua để phản đối lệnh cấm phá thai mà một số bang thông qua.

 
Những người hoạt động vì quyền phá thai khắp nước Mỹ đã kéo nhau xuống đường, tới quảng trường và tòa án để phản đối lệnh cấm phá thai ở các bang như Alabama, Mississippi, Ohio và Missouri.
 
Các cuộc biểu tình #StopTheBans (Ngừng lệnh cấm) được hơn 50 tổ chức thực hiện, trong đó có hiệp hội quốc gia vì Bãi bỏ Luật phá thai, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU)… Biểu tình rầm rộ nhất ở New York, Washington DC, Las Vegas, Philadelphia… Phụ nữ mang theo những biểu ngữ như “Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi” hay “Tôi chịu trách nhiệm về cơ thể tôi”… 
 
“Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi” - ảnh 1
Phụ nữ Mỹ biểu tình phản đối lệnh cấm phá thai hà khắc.

 
Làn sóng lệnh cấm
 
Theo viện Gutttmacher, một tổ chức chính sách, nghiên cứu và sức khỏe sinh sản, tại Mỹ trong quý đầu năm 2019, ít nhất 29 nghị viện bang đã đưa ra lệnh cấm phá thai. Viện Guttmacher cho biết, mặc dù con số này cũng tương tự như năm 2018 nhưng bản chất cực đoan của các luật cấm năm nay là chưa từng có tiền lệ.
 
Tuần trước, Thống đốc bang Alabama đã ký thông qua Luật Phá thai nghiêm ngặt nhất nước Mỹ, khiến việc phá thai trở nên bất hợp pháp trong mọi trường hợp, kể cả khi bị cưỡng hiếp và loạn luân. Bác sĩ thực hiện ca phá thai có thể phải ngồi tù tới 99 năm. Luật này sẽ có hiệu lực từ tháng 11 tới và các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ đã cam kết đưa luật này ra tòa.
 
Một số bang khác như Ohio, Louisiana và Kentucky cũng đã thông qua cái gọi là “luật nhịp tim”, theo đó cấm phá thai khi thai nhi đã có nhịp tim, tức là thai nhỏ hơn 6 tuần tuổi. Đây là khoảng thời gian mà nhiều phụ nữ không biết là mình đã mang thai. Các tổ chức bảo vệ quyền phá thai cũng có kế hoạch đưa luật này ra tòa.
 
Bang Missouri cũng đã thông qua một luật ngày 17/5 để cấm phá thai sau khi thai nhi có nhịp tim. Missouri đã trở thành bang thứ 8 trong năm 2019 thông qua biện pháp cấm phá thai và luật này có thể vi phạm quyền theo hiến pháp. 
 
Trong khi đó, bang Utah và Arkansas đã bỏ phiếu thông qua luật hạn chế phá thai ở giữa thai kỳ thứ hai.
 
Phần lớn các bang khác đã tuân theo tiêu chuẩn do Tòa án Tối cao đưa ra khi xét xử một vụ năm 1974, theo đó phán quyết phá thai là hợp pháp trước giai đoạn thai nhi có khả năng sống sót, thường là từ 24 tới 28 tuần tuổi.
 
Những lệnh cấm mới nhất chưa có hiệu lực ngay thời điểm hiện tại (lệnh của bang Kentucky đã bị một thẩm phán ngăn chặn). Dự kiến, tất cả các luật cấm phá thai ở các bang sẽ bị đưa ra tòa.
 
Trong những năm gần đây, các nghị sĩ Cộng hòa đã thành công trong thúc đẩy các dự luật cấm phá thai. Nhiều bang cho phép phá thai nhỏ hơn 22 tuần tuổi. Tuy nhiên, trong năm nay, các luật cấm phá thai 6 tuần tuổi trở lên bị coi là quá cực đoan, không khác gì việc cấm hoàn toàn.
 
Những người phản đối phá thai đã tìm thấy lợi thế khi thẩm phán Brett M. Kavanaugh được bổ nhiệm năm 2018. Thẩm phán này được cho là có quan điểm phản đối phá thai. Từ đó, các nghị sĩ bang có thêm động lực để thông qua nhiều luật cấm phá thai cực đoan hơn.
 
Albama sẽ không phải là bang cuối cùng đưa ra luật cấm phá thai cực đoan. Các dự luật muốn cấm phá thai trên 6 tuần tuổi đang được bàn bạc tại Thượng viện các bang như Louisiana. Các biện pháp cấm tương tự đã được đề xuất ở một số bang khác.
 
Đa số người Mỹ phản đối lệnh cấm phá thai cực đoan
 
Nhiều khảo sát cho thấy đa số người Mỹ không ủng hộ các luật cấm phá thai cực đoan như luật của bang Alabama. Theo khảo sát của Morning Counsult/Politico thực hiện tuần này, 56% người được hỏi không  ủng hộ các bang khác thông qua luật tương tự như bang Alabama. Khảo sát của HuffPost/YouGov cho thấy, một tỷ lệ tương tự (57%) người được hỏi phản đối luật nói trên.
 
Điều đáng lưu ý là ngay cả những người phản đối phá thai nói chung cũng không muốn có quan điểm cấm phá thai hoàn toàn như luật ở một số bang.
 
Tổng thống Donald Trump và một số Nghị sĩ Quốc hội như Mitt Romney và Tom Cotton là một vài trong số những người không ủng hộ luật của Alabama.
 
Trong bối cảnh Luật Phá thai hà khắc ở Alabama vừa được thông qua, rất có thể phá thai sẽ trở thành một chủ đề quan trọng trong cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống Mỹ năm 2020. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều coi đây là vấn đề có thể thu hút cử tri. Hiện chưa rõ những luật cấm phá thai hà khắc ở một số bang nói trên có mang lại lợi thế cho đảng Dân chủ hay không.
 
Theo khảo sát, 75% người Dân chủ và 67% người Cộng hòa cảm thấy phá thai là vấn đề quan trọng trong bầu cử Tổng thống năm 2020.
 
 
Dương Thùy (theo CNN)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp các hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống Lula da Silva từ ngày 17-26/9