Nên giữ hay bỏ kỳ thi THPT quốc gia?

Chia sẻ

PNTĐ-Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội lẫn cử tri, chuyên gia giáo dục tranh luận trái chiều về việc nên giữ hay bỏ kỳ thi THPT quốc gia.

 
Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 Chương, 119 điều đã được đưa ra “mổ xẻ” tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Trong  đó, nhiều đại biểu Quốc hội lẫn cử tri, chuyên gia giáo dục tranh luận trái chiều về việc nên giữ hay bỏ kỳ thi THPT quốc gia. 
 
Chỉ nên xét tốt nghiệp THPT?
 
Theo Bộ GD-ĐT, trước năm 2015, học sinh phải thi tốt nghiệp THPT, thi đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ)… Để giảm áp lực cho học sinh, Bộ đã nghiên cứu, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Đề án đã được Chính phủ phê duyệt cho Bộ thực hiện đến năm 2020.
 
Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu quốc hội chưa cảm thấy thuyết phục về tính cần thiết của kỳ thi này. Đại biểu Thái Trường Giang (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau) cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phải xem xét đánh giá tác động của việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, vì hiệu quả của kỳ thi này trên thực tế chưa rõ.
 
 
Nên giữ hay bỏ kỳ thi THPT quốc gia? - ảnh 1
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định cứng phương thức tốt nghiệp THPT 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Thái Bình) cho rằng không cần thi tốt nghiệp THPT mà nên tách kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, các trường ĐH tự chủ tuyển sinh, còn kỳ thi THPT giao cho các địa phương xét tốt nghiệp. 
 
Theo đại biểu Lê Tuấn Tứ (Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa) cần có sự đánh giá, tổng kết nghiêm túc về việc có cần thiết phải duy trì một kỳ thi với hai mục đích hay không khi mà sự tồn tại của kỳ thi này đã nảy sinh nhiều gian lận, làm mất niềm tin của công chúng vào chất lượng giáo dục nước nhà. 
 
Bên ngoài Quốc hội, nhiều chuyên gia giáo dục cũng bày tỏ quan điểm riêng về sự cần thiết của kỳ thi THPT quốc gia. PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục cho rằng: Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá kiến thức và kỹ năng học sinh lớp 12 đạt được trong chương trình THPT và là điều kiện để được cấp chứng chỉ tốt nghiệp THPT. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để được tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hoặc được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
 
Từ năm 1975 đến 2018, giáo dục Việt Nam đã trải qua nhiều lần cải tiến lớn về đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Cụ thể, năm 1975 thi tốt nghiệp THPT 6 môn; Giai đoạn trước năm 2000, thi tốt nghiệp THPT gồm 4 môn; Từ năm 2000 -2014, Bộ tăng lên 6 môn thi; Đến năm 2014 đến nay, số lượng các môn thi bắt buộc đối với thi tốt nghiệp quốc gia đã giảm xuống còn 4 môn.
 
Các kỳ thi đều được tổ chức cùng một thời gian, trên phạm vi toàn quốc, mặc dù các quy định về môn thi và hình thức thi có thay đổi nhất định. Tuy nhiên, theo TS Nga, mặc dù đã cải tiến nhưng nhìn chung, các kỳ thi này vẫn kéo theo sự lo âu của xã hội cũng như gây tốn kém về chi phí.
 
Giữ hay bỏ kỳ thi THPT quốc gia?
 
Trong khi đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lại không tán thành bỏ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ tổ chức tuyển sinh vào ĐH. Ông cho rằng, học sinh hoàn thành chương trình THPT cần phải thi tốt nghiệp, để qua đó khẳng định với xã hội học sinh đó đã đạt được mức chuẩn kiến thức phổ thông nhất định.
 
Trước các ý kiến chúng ta đang lãng phí tiền bạc, công sức, huy động cả xã hội cùng vào cuộc tổ chức thi chỉ để tìm ra “vài phần trăm” học sinh trượt tốt nghiệp, TS Nhĩ cho rằng, “học sinh đỗ nhiều không phải do lỗi của kỳ thi” mà là do con người tổ chức thi chưa tốt. “Tôi khẳng định quan điểm cần thi tốt nghiệp THPT. Còn cách thức thi như thế nào để đảm bảo nghiêm túc, công bằng, chất lượng là do chính chúng ta.
 
Tại sao cứ phải mắc bệnh thành tích với trên 90% học sinh đỗ tốt nghiệp mà không xiết còn 50%, 60% thôi?”. Ông Nhĩ “cảnh báo”, nếu không tổ chức thi tốt nghiệp THPT tầm quốc gia mà giao về cho các trường, địa phương tự xét thì sẽ càng tiêu cực, càng không đánh giá được chất lượng, năng lực thật của học sinh.
 
TS Nguyễn Phương Nga và cộng sự đã đề xuất hai phương án đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT ở Việt Nam, được cho là sẽ khắc phục các nhược điểm của kỳ thi THPT quốc gia hiện tại. Cụ thể:
 
Phương án 1 gồm hai thành tố: Một là, các trường THPT cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho những học sinh đã hoàn thành chương trình và đạt các điều kiện theo quy định. Hai là thi THPT quốc gia. Kỳ thi này có thể tổ chức 2-3 lần/năm do sở GD-ĐT chịu trách nhiệm tổ chức và do trung tâm khảo thí đặt tại các tỉnh, thành triển khai. Thí sinh có thể chọn thời điểm thích hợp để dự thi. Các môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn/tiếng Việt, Ngoại ngữ trong chương trình lớp 12.
 
Phương án 2: Một là các trường cũng tổ chức thi tại trường cho học sinh đã học xong chương trình THPT theo đề thi do trung tâm khảo thí của Bộ GD-ĐT thiết kế. Thời điểm thi do các trường chủ động. Học sinh thi đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình THPT. Hai là thi THPT quốc gia. Học sinh có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT được dự kỳ thi này. Kỳ thi được tổ chức 2-3 lần/năm do các trung tâm khảo thí đặt tại tỉnh, thành tổ chức và cũng có 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
 
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng vẫn nên tổ chức kỳ thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh. Tuy nhiên, để tạo phương án mở, linh hoạt, phù hợp với các giai đoạn trong việc thực hiện thi tốt nghiệp THPT, Luật GD chỉ cần quy định “mở” học sinh học hết chương trình THPT được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không nên quy định “cứng” về phương thức, quy mô tổ chức thi.
 
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 14/6.
 
 
Trung Thu 

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…