Chủ động nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn

Chia sẻ

PNTĐ-Trước tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, dự báo thị trường có thể khan hiếm thịt lợn, TP đang tìm kiếm các giải pháp ổn định nguồn cung thực phẩm...

 
Cho đến nay, số đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy tại Hà Nội đã chiếm hơn 16% tổng số đàn lợn. Trước tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, dự báo thị trường có thể khan hiếm thịt lợn, TP đang tìm kiếm các giải pháp ổn định nguồn cung thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho gần 10 triệu dân Thủ đô, nhất là trong những tháng cuối năm.
 
Phát triển thế mạnh trong chăn nuôi 
 
Gà ri thả đồi là một trong những vật nuôi đặc sản của huyện gò đồi Ba Vì. Trước đây, giống gà này được chăn thả theo quy mô nhỏ ở các hộ chăn nuôi cho giá trị kinh tế thấp, dễ gặp rủi ro về dịch bệnh thì mấy năm gần đây, phương thức chăn nuôi gà đồi ở Ba Vì đã thay đổi hoàn toàn.
 
Anh Nguyễn Văn Tài - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì cho biết: Thực hiện chủ trương của huyện, hơn 60 hộ chăn nuôi gà, tập trung ở các xã Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng được quy tụ, tham gia hiệp hội, liên kết sản xuất khép kín từ khâu giống đến chăn thả, giết mổ, tiêu thụ.
 
Cách đây 3 năm, TP cho phép Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì sử dụng địa danh Ba Vì để đăng ký nhãn hiệu tập thể “gà đồi Ba Vì” mở ra hướng phát triển ổn định, bền vững cho các hộ chăn nuôi. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật, đến nay các xã viên đều tuân thủ quy trình nuôi gà thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP nên đàn gà khỏe mạnh, ít phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, các bệnh lý được kiểm soát ở mức thấp nhất. Ngoài sử dụng một số vaccine phòng dịch ở giai đoạn đầu chăn nuôi, sau 2 tháng tuổi, gà rất ít khi bị nhiễm bệnh nên chất lượng thịt tốt, đầu ra ổn định, đảm bảo thu nhập cho xã viên. 
 
Cùng với gà, bò cũng là loại gia súc đang phát triển mạnh tại Ba Vì. Với lợi thế về đất đai, ngoài đàn bò sữa, nhiều hộ chăn nuôi tại Ba Vì đã chuyển đổi sang nuôi bò chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap như bò thịt BBB, bò cừu cao…
 
Hộ gia đình anh Nguyễn Bá Anh ở xã Minh Châu cho biết: Cách đây gần 3 năm, nhận thấy giá lợn bấp bênh, cạnh tranh trên thị trường gay gắt nên gia đình anh đã chuyển sang nuôi bò. Đây là quyết định đúng đắn. Cùng một chế độ ăn chế độ như nhau với chi phí hơn 1 triệu đồng/tháng nhưng sau 1 năm chăm sóc, giống bò mới (bò thịt BBB) đã hiệu quả cao hơn hẳn so với đàn lợn.
 
Tổng số đàn bò của gia đình anh Bá Anh là 20 con, trong đó ½ là bò vỗ béo cho thu nhập đều đặn hàng tháng, ½ còn lại là bò sinh sản. Cách làm “lấy ngắn nuôi dài” đã giúp gia đình anh chủ động giống bò cho chăn nuôi, mang lại giá trị bền vững. 
 
Giảm phụ thuộc vào đàn lợn
 
Ngoài Ba Vì, các huyện ngoại thành khác như Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai, Phú Xuyên… đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi theo hướng phát triển giống vật nuôi đặc sản, là thế mạnh của địa phương và phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng. Nhờ vậy, trên địa bàn TP hình thành 15 vùng và 76 xã chăn nuôi trọng điểm với hơn 4.000 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.
 
Trong đó, nhiều trang trại xây dựng theo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), phát triển đa dạng các giống vật nuôi như gia cầm, thủy sản… góp phần giảm phụ thuộc vào đàn lợn, tăng số lượng và chất lượng cho đàn gà, vịt... đảm bảo nguồn thu ổn định cho nhà nông, tự chủ nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
 
Chủ động nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn - ảnh 1
Nuôi gà đồi dưới tán cây được phát triển mạnh tại các huyện Sóc Sơn, Ba Vì

 
Theo bà Nguyễn Thị Sắc - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, trên địa bàn huyện có hơn 400 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, loại bỏ dần cách thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Đàn lợn, tuy đã giảm số lượng so với các loại vật nuôi khác, nhưng nhiều trang trại đều hướng tới ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi cho giá trị kinh tế, đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế nguy cơ dịch bệnh.
 
Về giá trị kinh tế và năng suất, hiện số lượng trứng gà của các trang trại bán ra thị trường 187 triệu quả/năm, thu 336 tỷ đồng/năm; sản lượng gà thịt đạt 1.870 tấn/năm, thu 121 tỷ đồng/năm... trong khi tổng sản lượng thịt lợn xuất chuồng khoảng 800 tấn/năm, thu 31 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, nhiều trang trại tại Hà Nội đã tìm cách thức hợp tác mới: liên kết cùng phát triển. Tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, rất nhiều hội chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi được hình thành.
 
Ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn cho biết: Tham gia hội, các thành viên cùng “mua chung, bán chung”, hội lựa chọn các đơn vị cung cấp thức ăn, thuốc thú y có uy tín, chất lượng, mua với số lượng lớn giúp các hộ chăn nuôi giảm chi phí đầu vào, đồng thời xây dựng thương hiệu, quy trình kiểm soát chất lượng hiện đại qua mã QR, tìm kiếm đầu ra qua các chuỗi liên kết và các doanh nghiệp phân phối.
 
Với 46 mô hình chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, Hà Nội không chỉ là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng chuỗi mà quan trọng hơn, tạo kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng theo hướng “đôi bên cùng có lợi”: Nhà nông tìm được đầu ra ổn định còn khách hàng yên tâm tin tưởng, mua sắm thực phẩm an toàn, có kiểm soát chất lượng, nguồn gốc…
 
Nguyên Hương

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: