Thơ - Vương Trọng

Chia sẻ

PNTĐ-Vương Trọng tên thật là Vương Đình Trọng, sinh năm 1943 tại Đô Lương, Nghệ An. Ông có hơn 40 năm sáng tác thơ, hơn 30 năm làm biên tập thơ ở Tạp chí Văn nghệ quân đội.

 
Thơ - Vương Trọng - ảnh 1

 
Vương Trọng tên thật là Vương Đình Trọng, sinh năm 1943 tại Đô Lương, Nghệ An. Ông có hơn 40 năm sáng tác thơ, hơn 30 năm làm biên tập thơ ở Tạp chí Văn nghệ quân đội. Giải thưởng văn chương: Giải thưởng văn chương Bộ Quốc phòng (1990) với tập thơ Những ngày xa, Giải thưởng văn chương Bộ Quốc phòng (1994).
 
 
LỜI DÃ BẠN
 
Dây trầu quấn quýt thân cau
Một vườn tay bí, tay bầu kết thân
Tơ hồng níu ngọn cúc tần
Người ơi sao nỡ rời chân, hỡi người?

 
Miếng trầu vừa ấm hơi vôi
Bài ca đang lúc làn môi ngọt ngào
Lời tình chưa nhận, chưa trao
Con thuyền quay mũi được sao hỡi thuyền?

 
Mong manh cái mối tơ duyên
Năm mưa, tháng nắng có bền được không
Mai buồn ra ngõ đứng trông
Leo lên Quan Dốc chỉ mong gặp người.

 
Ô cầm héo giữa tay tôi
Lệch xô khăn xếp, rã rời bàn chân
Thuyền đi thuyền khuất mờ dần
Chỉ còn sắc nón ba tầm ánh lên.
 
 
CÂU HÒ SÔNG QUÊ
 
Bến Cung anh đến đang chiều
Gặp sông mà vắng mái chèo đò ngang
Sắc trời, mặt nước mênh mang
Lặng ngồi trên cát nhìn sang đợi đò.
Nghe thương một giọng ai hò
Tưởng như lời của đôi bờ nhớ nhau
Tiếng “ơ” cong mấy nhịp cầu
Dòng sông hẹp lại trong câu mái nhì
Đò còn bờ nớ chưa đi
Cong cong như một nét mi xa vời
Thêm câu hò nữa tới nơi
Nôn nao khách quá ơi lời đò đưa!
Dân gian chín đợi mười chờ
Người trong câu hát bây giờ còn xa?
Không thương thuyền vượt phong ba
Bằng thương bến nước quê nhà đợi trông.
Đò chèo ra giữa dòng sông
Nón em quai buộc nên không trùng triềng
Sóng làm cho dáng em nghiêng
Câu hò lan gió rộng thêm mấy tầm.
Anh đi đánh giặc mười năm
Thuộc ngàn bến đợi, quen trăm sông chờ
Bâng khuâng gặp lại bây giờ
Em và man mác câu hò sông quê.
 
 
RAU TRƯỜNG SA
 
Nhỏ nhoi hạt cải, hạt dền
Ra đây với đất thân quen quê nhà(*)
Người nhìn, thương quãng đường xa
Nâng niu với nỗi thiết tha mong chờ.
Biển khơi, con sóng dư thừa
Hiếm hoi những giọt nước mưa ngọt ngào
Khẩu phần nước, lính chia nhau
Giờ thêm san sẻ cho rau sớm chiều.
Ngọn mồng tơi của quê nghèo
Nhà chòi không giậu thì leo thành giàn
Nhắc người nhớ bát canh chan
Quả cà muối xổi giòn tan bữa thường.
Bên người, từng ngọn cây vươn
Non tươi nhắc những mảnh vườn thân quen
Xoè tay mát rượi lá mềm
Ngỡ như chạm được bình yên quê nhà.
 
(*) Khi gửi hạt giống ra đảo, đất liền gửi cả đất 
trồng cây.
 
 
TAM ĐẢO
 
Say giấc suối ru, bừng dậy muộn
Mây tránh cho ta xếp lại màn
Rộng cửa nhìn ra lòng hốt hoảng:
Chắc gì còn ở chốn trần gian?
Lần hạt bồ đề, leo từng bậc
Nguyện lời kinh kệ, ngắn đường lên
Tới đỉnh vắng chùa, không dáng Phật
May mà còn gặp nụ cười em.
Lên rừng, hồn nhập Phật
Mây trắng bạc đầu xanh
Xuống phố thân hoàn tục
Trưởng lão cũng là anh!
 
 

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

(PNTĐ) - Tối qua, 23/4 công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chính thức khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách. Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.