Báo chí xung kích phá bỏ lực cản về bình đẳng giới

Chia sẻ

PNTĐ-Đi tiên phong trong công cuộc giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới theo đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước có trách nhiệm của báo chí - truyền thông...

 
Đi tiên phong trong công cuộc giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới theo đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước có trách nhiệm của báo chí - truyền thông. Công tác này đã được thực hiện rất thành công trong các thời kì kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, xây dựng chế độ mới. Những phong trào “Ba đảm đang”, “Hậu phương thi đua với tiền phương”, “Cánh đồng năm tấn” gắn với “Chị hai năm tấn”, “Tay súng, tay cày”... đã được báo chí cổ vũ nhiệt tâm, mạnh mẽ để trở thành những xung lực trong phong trào Cách mạng...
 
Vượt qua những thử thách sống còn của đất nước trong chiến tranh, trở lại với cuộc sống thời bình, tuyên truyền về bình đẳng giới, truyền thông báo chí đã vấp phải sự trỗi dậy của lực cản định kiến giới. Rất thực tế và cũng rất tiếc, xã hội hiện đại hôm nay còn tồn tại dai dẳng rất tự nhiên và có cả ý thức rào cản đó. Không ít Người làm báo còn mang tâm lý định kiến giới trong nghề nghiệp của mình.
 
Khi phân công lao động xã hội trong công cuộc CNH-HĐH đất nước thay đổi theo hướng phát triển, hội nhập quốc tế, người phụ nữ với đặc điểm riêng về sức khoẻ, tâm sinh lý chủ yếu làm các công việc không quá nặng nhọc như: dệt may, da giày, chế biến nông sản, thuỷ sản, dịch vụ… Đó là những nghề đưa lại thu nhập không cao. Trong khi xã hội có xu hướng đề cao sự làm giàu, đua đuổi làm giàu gắn với sự chi phối của đồng tiền, thực tế thu nhập thấp đã tác động và tiếp tục hạ thấp vị thế, làm chậm sự tiến bộ của phụ nữ.
 
Không chỉ vậy, việc bung mở các cơ hội kiếm sống, làm giàu đã làm nảy nở nhiều thứ nghề, công việc mới trong đó có những nghề nghiệp, công việc không lành mạnh, lợi dụng hình ảnh, thân xác chị em, hay thấy trong công nghiệp giải trí, quảng cáo, hoạt động mại dâm, buôn bán phụ nữ ra nước ngoài… Trước hiện tượng phụ nữ bị lợi dụng hạ thấp nhân phẩm, báo chí truyền thông Việt Nam đã thường xuyên lên tiếng, phát hiện, đấu tranh để loại bỏ.
 
Đã có những tác phẩm báo chí chống lại sự đối xử bất bình đẳng, ngược đãi đối với phụ nữ; có những bài phóng sự, điều tra khá sắc nét về hoàn cảnh, thân phận phụ nữ bị bán qua biên giới hoặc lấy chồng nước ngoài. Đã có những phát hiện, phê phán, đấu tranh kịp thời về hoạt động mại dâm, biểu diễn không đúng thuần phong mỹ tục… Những việc này cần được báo chí làm mạnh hơn, kịp thời hơn để phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng thực thi pháp luật.
 
Mặt khác, nhìn lại chính hoạt động của báo chí, chúng ta có thể thấy những khoảng trống trong nhận thức về giới đã làm hạn chế hiệu quả tuyên truyền đấu tranh. Những câu chuyện phụ nữ bị buôn bán, hoạt động mại dâm, bị xâm hại tình dục… thường chỉ nói đến theo góc độ nạn nhân trực tiếp mà ít thấy trách nhiệm của gia đình, của xã hội.
 
Việc lao động nữ bị thiệt thòi, ít làm rõ nguyên nhân từ phía chủ lao động, quan niệm, trách nhiệm của xã hội; hình ảnh ứng xử chưa văn hoá, giao tiếp chưa văn minh, nói năng không thanh lịch… vẫn thường “được gán” cho người phụ nữ... Đáng phê phán là chính các trang mạng xã hội và hiện tượng báo điện tử, báo in cũng đã có biểu hiện lợi dụng phụ nữ để hút người xem, người đọc. Hình ảnh phụ nữ ăn mặc nửa kín, nửa hở, khoả thân được đăng khá nhiều trên một số trang mạng và cả báo chí; những câu chuyện tình ái lâm li, mùi mẫn, éo le, những cuộc tình trái pháp luật, phi nhân văn, vụ án li kì, phi nhân tính được kể lể, mô tả cặn kẽ với mục đích câu khách hơn là đấu tranh ngăn ngừa, loại bỏ…
 
Vậy là mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động tiêu cực đến chính báo chí, làm một bộ phận của nó biến dạng. Đây là điều cơ quan quản lý báo chí, các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan chủ quản báo chí cần kiên quyết hơn nữa trong ngăn chặn, xử lí. Là điều mà chính cá nhân mỗi người làm báo cần tỉnh táo tự phòng ngừa bằng chính sự tu dưỡng rèn luyện đạo đức, phẩm cách Người làm báo.
 
Trong quá trình phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, vấn đề thực hiện bình đẳng giới cũng có nhiều tác động, ảnh hưởng không phù hợp và tiêu cực đối với văn hoá Việt Nam. Văn hoá tình dục quá cởi mở, sự chung thuỷ theo quan niệm phương Tây rõ ràng xung đột với văn hoá hôn nhân, đề cao giá trị chung thuỷ của Việt Nam. Sự đề cao lối sống và lợi ích cá nhân, sự thực dụng, vị kỷ trong xã hội phương Tây không phù hợp với tâm lí, tình cảm, gia đình, cộng đồng người Việt và Đông Á…
 
Một số người đắm mình trong các trang mạng tình dục, một số người từng học tập, lao động ở các nước Âu, Mỹ và cả trong giới văn, nghệ sĩ, trí thức có khuynh hướng này. Họ có ý thức và lối sống phơi nhiễm quan niệm phiến diện về tự do cá nhân. Ở mức độ nhất định, nhiều hành vi ứng xử của họ không phù hợp với quan niệm thuần phong mỹ tục truyền thống. 
 
Đó là một ngã ba đường trong quá trình hội nhập văn hoá. Ngã ba này rõ ràng là một lực cản, làm chậm lại quá trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Là một khó khăn rất khó định tính, định lượng đối với Người làm báo. Một mặt là giá trị truyền thống, thuần phong mỹ tục, một mặt là tháo gỡ ràng buộc, giải phóng phụ nữ khỏi sự định kiến, bất bình đẳng. Phản ánh của báo chí lúc này là liều lượng, mức độ, sắc độ, cường độ của sự hợp lí trong các mối tương quan giữa truyền thống và hiện đại, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa mỹ tục và sự cách tân, đổi mới... Và lúc này, bản lĩnh, phông văn hoá, tri thức, tâm và tầm của Người làm báo được thử thách, được thẩm định rõ nét trên chính những tác phẩm, cách hành xử của chính mình.
 
Được đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước định hướng, được trang bị thêm những kiến thức về giới, bình đẳng giới và văn hoá nói chung, người làm báo sẽ phát huy vai trò người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hoá góp phần tạo nên sự cân bằng đúng mực và sự bền vững cho quá trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở Việt Nam. Và trước hết các cơ quan báo chí truyền thông của Đảng, cơ quan báo chí đại diện cho giới nữ cần tiên phong đi đầu phá bỏ lực cản đang làm chậm lại quá trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tiêu chí quan trọng, không thể thiếu trong xã hội văn minh.
 
 
Nguyễn Thị Thu Thủy
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(PNTĐ) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo. Các hoạt động hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, đặc biệt là các gia đình khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương tập trung bảo đảm an sinh, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa…).