Chiều sâu huyền thoại Hà Nội - thành phố vì hòa bình

Chia sẻ

PNTĐ-Danh hiệu Hà Nội - Thành phố vì hoà bình không phải tự nhiên mà có. Nó là kết tinh lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta, của nhân dân ta...

 
Chiều sâu huyền thoại Hà Nội - thành phố vì hòa bình - ảnh 1
Một góc Hồ Gươm

 
Nói tới văn hoá là nói tới con người, cộng đồng người và mảnh đất mà trên đó người ta sinh ra, lớn lên và gắn bó cộng đồng suốt chiều dài lịch sử. Với Thăng Long - Hà Nội thì chiều dài lịch sử ấy không chỉ được đo bằng thời gian hàng ngàn năm, mà còn được đo bởi những sự kiện trọng đại đối với cả dân tộc Việt Nam. 
 
Ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông không chỉ có ý nghĩa đối với độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam mà còn là chiến thắng góp phần chặn đứng tham vọng của một đế quốc hùng mạnh, tàn bạo bậc nhất lúc bấy giờ trên phạm vi khu vực và thế giới. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” không chỉ mang lại hoà bình cho Việt Nam mà còn khẳng định chân lý về sức mạnh tất thắng của chính nghĩa, sức mạnh vô địch của hoà bình so với chiến tranh phi nghĩa.
 
Chính cái gen yêu hoà bình sâu sắc đó đã giúp cho Thăng Long - Hà Nội đứng vững trước mọi âm mưu đen tối của các thế lực xâm lược, hiếu chiến, phản tiến bộ. Tuy nhiên, bị buộc phải chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc mà Thăng Long - Hà Nội phải cầm vũ khí, mà phải “sát thát”, phải “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. 
 
Đã có thời người ta cố tình bóp méo hình ảnh người lính Việt Nam trên các trang báo, các video như một kẻ ham bắn giết. Công bằng thay, sự thật vẫn là sự thật. Lịch sử hàng ngàn năm đâu dễ bị xuyên tạc. Viết về con người Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hoá nổi tiếng Đào Duy Anh nhận xét: Con người Việt Nam “thường thì nhút nhát và yêu chuộng hoà bình, song ngộ sự cũng biết hy sinh vì đại nghĩa”. (Việt Nam văn hoá sử cương. NXB VHTT. Hà Nội. Năm 2006. Trang 22).
 
Quả là như vậy, con người Thăng Long - Hà Nội từ ngàn xưa vốn hiền hoà, dễ tin người và sẵn sàng làm tất cả vì hoà bình. Chính bản chất tốt đẹp nhiều khi đến ngây thơ như vậy mà trong lịch sử đã có những bi kịch ngàn đời không thể quên. Đó là chuyện Mỵ Châu - Trọng Thuỷ.
 
Đương nhiên, người ta có quyền trách cứ sự ngây thơ trong tình yêu của Mỵ Châu dẫn tới việc “nỏ thần vô ý trao tay giặc” mà mất nước! Để rồi hình ảnh của người con gái thuỷ chung, say đắm trong tình yêu ấy mãi mãi là hình ảnh đáng thương tâm với pho tượng mất đầu trong Am Mỵ Châu ở Cổ Loa, kinh thành xưa của An Dương Vương. Thất bại của An Dương Vương vô cùng đau đớn và nguy hại, dẫn đến hàng ngàn năm Bắc thuộc, nhưng cha con ông vẫn được người Việt đời đời tôn thờ. 
 
Huyền thoại Hồ Hoàn Kiếm là một trong những di sản văn hoá đậm nét yêu hoà bình của Thăng Long - Hà Nội. Đánh tan giặc rồi lại trả vũ khí để bắt tay xây dựng cuộc sống trong hoà bình thì dân tộc ấy đích thực yêu hoà bình! Sự thật lịch sử khi Lê Lợi đánh quân xâm lược nhà Minh còn minh chứng một điều thú vị nữa là: Ngay trong chiến tranh, truyền thống yêu hoà bình, trọng nhân nghĩa của dân tộc ta cũng thể hiện rất rõ: Đánh giặc để có hoà bình, độc lập của dân tộc, chứ không phải mục đích huỷ diệt con người.
 
Chính vì thế mà khi vòng vây Vương Thông ở Thăng Long khép lại, giặc không còn lối thoát, ta có đủ điều kiện để tiêu diệt sạch quân thù, nhưng Lê Lợi, Nguyễn Trãi lại đồng ý với nhà Minh lập hội thề ở Thành Đông Quan mà chấm dứt chiến tranh. Ta lấy nhân nghĩa mà mở đường hiếu sinh, cấp thuyền, cho ngựa cùng lương thực để kẻ thù rút về nước không gây thêm thù hận mà tạo dựng nền thái bình muôn thuở.
 
Sự thật lịch sử là: Nhân dân yêu chuộng hoà bình trên khắp hành tinh này luôn đứng về phía chúng ta. Ta chiến thắng không phải vì ta to lớn, hùng mạnh mà vì ta chính nghĩa, vì ta yêu chuộng hoà bình. Chân lý đó còn nguyên giá trị lịch sử và có tính thời sự trong hoàn cảnh hiện nay. Và vì thế, Hà Nội được UNESCO công nhận danh hiệu Thành phố vì hoà bình là tài sản vô cùng quý giá mà người Thăng Long - Hà Nội và cả dân tộc Việt Nam gìn giữ từ đời này qua đời khác mà có được. 
 
Lịch sử cũng để lại những bài học sâu sắc về những nguy cơ tha hoá của con người làm suy yếu sức mạnh của dân tộc. Chúng ta còn nhớ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã từng cảnh tỉnh các quan hư, tướng hỏng trong Hịch tướng sĩ văn: “Kẻ thì chọi gà cho thích, kẻ thì đánh bạc mua vui, có người chỉ chăm vườn ruộng, cốt nuôi được nhà, có người chỉ mến vợ con, lấy mình làm trọng, cũng có kẻ chỉ lo làm giàu làm có, việc quân quốc chẳng thèm đoái hoài, cũng có người chỉ ham săn bắn mà quên việc binh, hoặc là đam mùi rượu ngọt, hoặc là mê tiếnghát hay…”. Suy ngẫm sâu xa mới thấy lời cảnh báo của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn còn nguyên ý nghĩa với chúng ta hôm nay.
 
Chúng ta yêu hoà bình, chúng ta phải làm tất cả vì hoà bình. Danh hiệu Hà Nội - Thành phố vì hoà bình không phải tự nhiên mà có. Nó là kết tinh lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta, của nhân dân ta. Chúng ta không có bất kỳ lý do nào cho sự quên lãng, phai nhạt giá trị truyền thống quý báu đó. Hàng triệu học sinh đã tham gia cuộc thi tìm hiểu “Hà Nội - Thành phố vì hoà bình”; nhiều bài thi của các em nhỏ đọc lên ta rưng rưng nước mắt mà tin tưởng rằng: Dẫu còn muôn vàn gian khó để “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, nhưng lòng khát khao hoà bình của dân tộc, sức mạnh bách thắng của chính nghĩa luôn thuộc về chúng ta. Tương lai đất nước tươi sáng bởi chính tuổi trẻ sáng tạo, tiếp nối lớp người đi trước kiên trung, gương mẫu đoàn kết giữ gìn và phát huy truyền thống cha ông trong giữ nước và dựng nước. 
 
 TS. Nguyễn Viết Chức
Nguyên Giám đốc Sở Văn hoá Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.