Báo chí Mỹ: Gặp khó vì... Facebook, Google

Chia sẻ

PNTĐ-Hai nhà báo Mỹ nổi tiếng bị sa thải đã thành lập một tổ chức mang tên Dự án Cứu báo chí (Save Journalism Project) nhằm nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của những tập đoàn công nghệ lớn...

 
Hai nhà báo Mỹ nổi tiếng bị sa thải đã thành lập một tổ chức mang tên Dự án Cứu báo chí (Save Journalism Project) nhằm nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của những tập đoàn công nghệ lớn với ngành báo chí. Dự án ra đời trong bối cảnh nửa đầu năm 2019 chứng kiến làn sóng những người làm trong ngành báo ở Mỹ bị sa thải ở mức kỷ lục.
 
Báo chí Mỹ: Gặp khó vì...  Facebook, Google - ảnh 1
Nhiều tờ báo Mỹ đã phải cắt giảm nhân viên hoặc đóng cửa những năm gần đây.

 
Nỗ lực của hai nhà báo
 
Đó là John Stanton - phóng viên Quốc hội trong một thời gian dài và là cựu trưởng phân xã tại Washington của tờ BuzzFeed News; và đồng nghiệp là Laura Bassett - cựu phóng viên chính trị và văn hóa gần 10 năm tại tờ HuffPost. Họ đã trải qua tình trạng khó khăn của ngành báo chí Mỹ: Stanton bị tờ BuzzFeed News sa thải cùng đợt với 200 người khác, còn Bassett mất việc sau khi tờ HuffPost sa thải 20 nhân viên theo kế hoạch cắt giảm nhân sự của công ty mẹ Verizon Media.
 
Các cơ quan báo chí Mỹ gặp khó khăn khi doanh thu quảng cáo sụt giảm và nguyên nhân họ cho là do bị Facebook và Google “hút” tiền quảng cáo trực tuyến.
 
Công ty của Eddie Vale, một cố vấn theo đảng Dân chủ, đang hỗ trợ Dự án Cứu báo chí cho biết dự án này là phi lợi nhuận. Vale đã đề xuất ý tưởng dự án với Bassett và cả hai cùng đưa ra bàn bạc với Stanton. Dự án đã có một số nguồn tài trợ ban đầu và đang tiếp tục gây quỹ hoạt động.
 
Tới nay, bộ đôi nhà báo Bassett và Stanton đã đề xuất một phiên điều trần cho các lãnh đạo ngành báo chí trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, trong đó nhấn mạnh tác động của các công ty công nghệ tới ngành báo chí. Họ viết trong một tuyên bố: “Từ khi bị sa thải, chúng tôi đặt ra nhiệm vụ tìm hiểu xem thương trường kỹ thuật số hoạt động ra sao và các công ty công nghệ lớn đang giết chết ngành báo chí như thế nào”.
 
Một phần quan trọng trong mục đích của họ là để các nhà báo (vốn không quan tâm nhiều tới khía cạnh kinh doanh của báo mình) đóng vai trò chủ động trong bảo vệ tương lai nghề báo. Nhà báo Stanton nói trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi tìm cách nâng cao nhận thức của dư luận và thành viên Quốc hội và bắt đầu khuyến khích đồng nghiệp lên tiếng. Phóng viên thường không quá quan tâm tới việc nói về vấn đề của chính họ và về những thứ ảnh hưởng trực tiếp tới họ vì họ cảm thấy đó là xung đột lợi ích. Theo một số khía cạnh thì điều đó đúng. Nhưng khi tương lai báo chí tự do đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng thì tôi cho rằng chúng ta phải đứng lên vì chúng ta”.
 
Về phần mình, Bassett cho biết cô chưa bao giờ thực sự chú ý tới khía cạnh tài chính của báo chí. Nhưng sau khi bị sa thải, cô bắt đầu thực sự quan tâm tới việc tại sao tất cả những tờ báo lớn này lại phải sa thải nhân viên và tại sao nhiều tờ báo địa phương đang biến mất. Bassett cho rằng đó là bi kịch của báo chí.
 
Nỗ lực của hai nhà báo diễn ra trong thời điểm cả Chính phủ liên bang và Quốc hội Mỹ đều ngày càng soi xét kỹ ngành công nghệ, dư luận cũng ngày càng lo ngại khi các công ty công nghệ liên tục để xảy ra các vụ bế bối vi phạm quyền riêng tư, phát tán thông tin sai lệch và thống lĩnh một số ngành. 
 
Bộ Tư pháp Mỹ sẽ điều tra chống độc quyền với Apple và Google, trong khi Ủy ban Thương mại Liên bang phụ trách điều tra với Facebook và Amazon. Ủy ban Tư pháp Hạ viện cũng cho biết sẽ rà soát từ trên xuống dưới về quyền lực trên thị trường của các nền tảng công nghệ lớn.
 
Với tư cách là hai nhà sáng lập Dự án Cứu báo chí, Bassett và Stanton hy vọng sẽ thu hút dư luận nói về những ảnh hưởng tiêu cực của công ty công nghệ lớn với ngành báo chí ở Mỹ. Họ định phỏng vấn các quan chức, ứng cử viên tranh cử Tổng thống và đồng nghiệp trong ngành báo chí về cuộc khủng hoảng của ngành. Họ cũng có kế hoạch truyền đi một bức thư mà các cơ quan báo chí, truyền thông có thể ký tên để bảo vệ chính mình. 
 
Lập luận của Dự án Cứu báo chí là: Các công ty công nghệ đã giành được vị trí độc quyền, cho phép họ thống lĩnh thị trường quảng cáo kỹ thuật số và phát hành một lượng lớn tin tức của các tờ báo trên nền tảng của họ mà không phải trả tiền sản xuất nội dung. Trong khi đó, các tờ báo bỏ tiền bạc, nhân lực sản xuất nội dung lại không được hưởng phần xứng đáng trong doanh thu quảng cáo trực tuyến này.
 
Trước thực trạng bất cập đó, lãnh đạo ngành báo chí đã xuất hiện trong phiên điều trần ngày 11/6 tại Quốc hội Mỹ. Họ đề xuất Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí để cho phép các cơ quan báo chí Mỹ phối hợp tạo sức mạnh tập thể, giúp họ có thế mạnh trong đàm phán các điều khoản phân chia lợi nhuận quảng cáo kỹ thuật số với các công ty công nghệ. Luật Chống độc quyền hiện nay cấm các cơ quan báo chí phối hợp như vậy.
 
Khó khăn của ngành báo chí
 
Vấn đề này trở nên bức thiết khi có báo cáo cho thấy Google kiếm được 4,7 tỷ USD doanh thu quảng cáo nhờ ngành báo chí trong năm 2018. Con số này chỉ kém 400 triệu USD so với số tiền mà ngành báo chí thu về từ quảng cáo kỹ thuật số năm 2018. Trong khi đó, theo đại học Bắc Carolina, doanh thu quảng cáo báo chí giảm 30 tỷ USD trong giai đoạn 2006 và 2017. Gần 20% tờ báo đã đóng cửa trong 15 năm qua và vô số tờ báo giờ chỉ hoạt động cầm chừng.
 
Năm 2019 là một trong những năm tồi tệ nhất của những người làm việc trong ngành báo chí Mỹ. Trong toàn ngành, 2.900 người đã mất việc từ đầu năm tới nay, từ phóng viên BuzzFeed News, Vice, CNN cho tới báo địa phương. Làn sóng cắt giảm nhân sự trong ngành báo chí từ đầu năm tới nay là xu hướng mới nhất trong ngành khi nhiều tờ báo bị sụt giảm doanh thu, quy mô hoặc biến mất. 
 
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, ước tính từ năm 2014 tới 2017, 5.000 người làm trong ngành báo chí Mỹ đã mất việc làm. Việc cắt giảm nhân sự này là một thay đổi chấn động trong ngành báo chí. 
 
Gần như mọi tờ báo Mỹ đều gặp rắc rối. Khi nguồn máu duy trì sự sống của họ là quảng cáo báo in bị sụt giảm mạnh cách đây hơn 10 năm, báo chí Mỹ đã phải chật vật mới có thể có lợi nhuận để tồn tại. Chỉ một số nhỏ tìm cách tăng được lượng đăng ký đọc báo kỹ thuật số. Đa số đã đóng cửa. Mỹ mất 1.800 từ báo từ năm 2004. Nhiều tờ còn tồn tại (khoảng 7.000 tờ) đang bị đe dọa hoặc phải sa thải nhân sự để xoay sở. 
 
Hi vọng quảng cáo điện tử sẽ bù đắp sụt giảm quảng cáo báo in đã bị những công ty công nghệ dập tắt.
 
Nhiều người cho rằng ngành báo chí đã quá lề mề trong áp dụng các mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, điều đó không hẳn đúng. Ngành báo chí đã tập trung vào chuyển dịch sang dạng kỹ thuật số và mô hình kinh doanh mới. Về mặt tài chính, các mô hình mới đã được áp dụng. Nhiều tòa soạn báo đã sáng tạo cách viết tin và tạo ra các sản phẩm mới bằng cách sử dụng video, audio, thực tế ảo, tương tác thực tế, thiết bị không người lái… Các tờ báo đã xin giấy phép để chuyển sang cả dịch vụ truyền hình và truyền phát, phối hợp với các đối tác để mở rộng nội dung và độc giả.
 
Thực tế là nhiều nhà báo không quan tâm lắm tới khía cạnh kinh doanh vì họ coi báo chí là một nghề, không phải một ngành. Ở Mỹ, ngay từ đầu, luôn có một bức tường giữa nhà báo và “bên kinh doanh”, cho phép các nhà báo chỉ tập trung vào công việc là đưa tin chứ không phải lo tới mô hình kinh doanh. Nhưng trong bối cảnh bị các ông lớn công nghệ “hút máu”, họ không còn lựa chọn nào khác là phải đấu tranh, lo lắng về những hậu quả các công ty công nghệ gây ra cho họ về mặt tài chính.
 
Do đó, theo Joanne Lipman, cựu Tổng biên tập tờ USA Today, Quốc hội Mỹ cần phải thông qua Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí vì lợi ích của những người làm báo, để họ có thể tồn tại về mặt tài chính. Có như vậy, các nhà báo mới có thể toàn tâm toàn ý phục vụ độc giả một cách tốt nhất.
 
 
Dương Thùy 
(theo USA Today)

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam và Brazil ngày càng phát triển tốt đẹp

Quan hệ Việt Nam và Brazil ngày càng phát triển tốt đẹp

(PNTĐ) - Trong buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira đang thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông qua ngoại trưởng Brazil chuyển lời thăm hỏi và lời mời thăm Việt Nam thời gian tới của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Chủ tịch Đảng Lao động - Tổng thống Brazil Lula da Silva.