Khát khao sống, yêu đời, yêu người

Chia sẻ

PNTĐ-7 năm chống chọi với căn bệnh ung thư vú, trải qua 72 lần xạ trị, có những lần cận kề cái chết, nhưng nhà báo Trần Thị Cẩm Bào vẫn luôn lạc quan, kiên cường...

 
7 năm chống chọi với căn bệnh ung thư vú, trải qua 72 lần xạ trị, có những lần cận kề cái chết, nhưng chị Trần Thị Cẩm Bào (SN 1974), Phó Thư ký tòa soạn Tạp chí Tri thức và Công nghệ vẫn luôn lạc quan. Sự kiên cường và niềm khao khát sống, cống hiến của chị đã truyền động lực cho nhiều người khác.
 
Dũng cảm đối mặt với cái chết
 
Mới đây, chị ra mắt cuốn sách “đóa hoa vô thường” kể về chuỗi ngày chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác của mình, như một món quà dành tặng con gái Phạm Phú Cẩm Anh (SN 2007) với mong muốn “con sẽ làm được những công việc tốt, tiếp tục hành trình thiện nguyện giúp mẹ”. 
 
Khát khao sống, yêu đời, yêu người - ảnh 1
Chị Bào cùng bạn bè, đồng nghiệp trong buổi ra mắt sách “Đóa hoa vô thường”

 
Chị Bào là con gái gốc Huế, tốt nghiệp trường đại học Khoa học Huế, khoa Báo chí. Ra trường, chị công tác tại báo Lao động trực thuộc văn phòng miền Trung ở Thừa Thiên Huế được 1 năm rồi chuyển ra Hà Nội công tác, đầu quân vào làm việc tại tạp chí Tri thức và Công nghệ cho đến tận bây giờ. 
 
Chị Bào được các đồng nghiệp đánh giá là một nữ nhà báo nhiệt huyết, say mê và cẩn trọng trong từng câu chữ. Sự cẩn trọng ấy đã giúp chị rất nhiều trong quá trình phát hiện và điều trị căn bệnh ung thư quái ác. Cũng nhờ bản lĩnh, sự kiên cường được tôi rèn trong quá trình thực hiện những bài điều tra đã giúp chị có thêm nghị lực phi thường vượt qua đau đớn của bệnh tật.
 
Cuộc sống của chị đang trải đầy sắc màu của niềm vui, hạnh phúc với người chồng gốc Hà Thành hiền lành, hết lòng thương yêu vợ và cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn, thì bỗng một ngày tháng 12/2012, chị phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư vú. “Bắt đầu từ một nốt hồng nhỏ trên ngực phải khi đi khám chuyên sâu, bác sỹ chẩn đoán tôi mắc ung thư vú giai đoạn 2, có 10/20 hạch di căn, thể bộ ba âm tính - một thể được bác sỹ nhận định có ít phương án điều trị hơn so với các thể ung thư vú khác. Đặc biệt, thể bộ ba âm tính rất dễ bị di căn tái phát sau đó.
 
Vợ chồng tôi đã sốc và ôm nhau khóc gần như suốt một đêm. Nhưng rồi tôi nghĩ đắm chìm trong đau khổ không thể giúp mình khỏi bệnh. Việc tôi cần làm lúc đó là kiên cường đối mặt với căn bệnh ung thư để kéo dài sự sống” - chị Bào chia sẻ. 
 
Trân quý tình yêu của chồng
 
Tại bệnh viện K cơ sở 2, chị được chỉ định mổ gấp, cắt bỏ ngực phải. May mắn thay, ca mổ thành công. Những ngày ở viện K, chồng chị - anh Phạm Trung Tâm ngày ngày đi hơn 8km từ nhà đến bệnh viện và ngược lại để chăm sóc vợ. Lúc đó, chị rất yếu, không tự đi lại được.
 
Thương chồng một mình cáng đáng việc nhà, chăm sóc con, vừa tất tả vào viện chăm sóc vợ, vừa đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho vợ, chị xót xa lắm. Chị xin chuyển vào Huế điều trị để có người thân hỗ trợ chăm sóc. Do hoàn cảnh khó khăn, chồng viết một bức tâm thư gửi cho bạn bè, cơ quan tổ chức mong nhận được sự sẻ chia, đồng cảm. Nhờ có lá thư này mà gia đình chị có thêm sự hỗ trợ về tinh thần và tài chính để chị Bào yên tâm điều trị sau đó.
 
Chị bảo mình may mắn bởi có một người chồng tuyệt vời luôn đồng hành cùng vợ. Sau ca mổ, chị truyền thêm 6 đợt hóa chất và làm thêm 25 mũi xạ. Nhưng không may là chị lại nhạy cảm và hay dị ứng với hóa chất nên mỗi lần truyền xong là bị tức ngực, khó thở, sốt... Suốt thời gian đó, anh Tâm phải đưa chị đi cấp cứu 19 lần. Lúc nào chồng chị cũng chuẩn bị sẵn ba-lô, trong đó có đầy đủ đồ đạc phục vụ cho việc đi cấp cứu của vợ.
 
Khát khao sống, yêu đời, yêu người - ảnh 2
Gia đình hạnh phúc của chị Bào

 
Trước mỗi đợt trị xạ, anh đều nắm tay động viên vợ. Anh cười bảo: “Vợ tôi chuyền hóa chất vào thì rất hay cáu gắt, bực bội hoặc có những hành động khiến người khác khó chịu. Thời gian đầu, tôi chưa làm quen với sự thay đổi đó nên đã to tiếng với cô ấy. Đó là lần duy nhất hai vợ chồng cãi nhau. Nhưng nay thì tôi có thể làm chủ được cảm xúc của mình, kể cả khi vợ tôi nói lời khó nghe” - anh Tâm cười.
 
Sự nhường nhịn của người chồng bắt nguồn từ tình yêu thương vợ bao la ấy được chị Bào cảm nhận rất rõ. Chị cũng từng tự trách mình sau những lần không làm chủ được cảm xúc. Nhưng anh Tâm hiểu, đó là tình trạng chung của rất nhiều bệnh nhân ung thư đang phải trải qua điều trị hóa chất nên không bao giờ trách móc vợ nữa. 
 
Điều khó khăn nhất với vợ chồng chị là cho con gái biết bệnh tình của mẹ. Lúc đó, Cẩm Anh mới 5 tuổi, còn rất hồn nhiên. Ngày đầu tiên gặp mẹ sau gần 4 tháng điều trị (lúc đó, bé đang ở với bà ngoại ở Huế), Cẩm Anh tròn mắt khi thấy tóc mẹ đã rụng sạch.  Càng lớn, chứng kiến nhiều lần mẹ phải trị bệnh trong tình trạng nguy kịch, đau đớn, Cẩm Anh càng thương mẹ nhiều hơn. Lúc nào em cũng mơ ước chỉ cần có mẹ bên cạnh. Có lần, Cẩm Anh động viên: “Bây giờ y học hiện đại, mẹ đừng lo gì hết. Ở nhà cần gì, mẹ cứ nói với con và bố Tâm” khiến chị vô cùng cảm động. 
 
Chị dạy cho con sự tự lập, biết chủ động trong mọi việc. Thế nên, Cẩm Anh sớm biết cách tự chăm sóc bản thân, biết tự mặc quần áo, tự vệ sinh cá nhân, tự bảo quản tài sản riêng khi còn rất bé. Khi chưa đầy 6 tuổi, Cẩm Anh đã biết giúp mẹ làm một số việc nhà như rửa bát, lau bàn, tự dọn dẹp bàn học của mình mà không cần mẹ nhắc nhở.
 
“Tôi biết giai đoạn bệnh của mình không phải là giai đoạn sớm, nhưng không vì thế mà tôi sống gấp gáp. Tôi không muốn chồng con phải chịu áp lực về điều gì cả” - chị nói. Từng ngày, từng giờ, chị nhen nhóm vào con những điều chị ấp ủ, tạo hành trang vững chắc cho con bước vào đời. Đó là lòng nhân hậu, vị tha, yêu thương chính mình và luôn giúp đỡ người khác.
 
Luôn muốn sống có ích cho đời
 
Nhờ sự kiên cường của mình và sự chăm sóc hết lòng của chồng, kết quả điều trị của chị được ổn định. Vợ chồng chị chuyển ra Hà Nội sinh sống và khám định kỳ ở bệnh viện Ung bướu Trung ương. Những lúc khỏe mạnh, chị tiếp tục thực hiện đam mê cống hiến cho sự nghiệp báo chí, bởi với chị, “dù còn sống ngày nào thì vẫn yêu và say mê với nghề báo, viết để bảo vệ công lý và lan tỏa những việc tử tế”.
 
Bằng kiến thức và kinh nghiệm chữa trị của mình, chị khích lệ, chữa lành vết thương tinh thần cho những bệnh nhân ung thư khác. Hằng ngày, chị sắp xếp vào bệnh viện 2-3 đợt, buổi sáng từ 5-6h, trưa từ 12h-1h30 và tối chị đến hát cho bệnh nhân nghe để họ vơi đi mặc cảm. Chị đưa ra bí quyết “4T” cho các bệnh nhân ung thư: Giữ tinh thần lạc quan; Luôn thể dục thể thao điều độ; Thực hiện theo đúng phác đồ điều trị của bác sỹ; Thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng, không kiêng khem quá đà.
 
Chị còn đứng ra thành lập CLB thiện nguyện Hoa Ưu Đàm với mục đích mang đến nụ cười cho bệnh nhân ung thư. CLB đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như “Trao xe lăn, tặng nụ cười” đã trao hơn 800 xe lăn cho các bệnh nhân ung thư ở các bệnh viện trong nước; tổ chức chương trình từ thiện “Sống để yêu thương” kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, “tặng tóc giả cho bệnh nhân ung thư”... 
 
Đến tháng 8/2016, chị bị tái phát, di căn xương. Đến nay, căn bệnh của chị đã di căn gan, di căn ổ bụng. Chị phải chuyển sang điều trị chăm sóc đặc biệt. Cuộc sống của gia đình chị rơi vào bước ngoặt mới. Việc đi lại, sinh hoạt cá nhân của chị bị ảnh hưởng nặng nề. Chị phải nằm viện dài ngày. Chồng chị gác lại công việc để chăm sóc cho vợ. Con gái chị còn bé đã phải tự lập học hành, lo toan việc nhà. Nhưng có lẽ, điều mà chị lo lắng hơn cả là con gái chị sau này. 
 
Thế nhưng, ai cũng luôn dành cho chị những lời yêu thương. Trên facebook cá nhân của chị luôn đăng những hình ảnh đẹp của vợ chồng chị yêu thương lẫn nhau. Nằm trên giường bệnh, chị giấu đi những cơn đau, mỉm cười: “Sau này, con gái Cẩm Anh lớn lên, tôi tin con cũng mang theo hình bóng hoa Ưu đàm trong tâm để hướng thiện, sống có ích cho cuộc đời”. 
 
 
Hồng Nhung 

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.