Nhiều năm sống chung với ô nhiễm

Chia sẻ

PNTĐ-Vừa qua, báo PNTĐ nhận được phản ánh của hơn 90 hộ dân sống tại Tổ dân phố 43 phường Văn Chương, về việc hàng loạt các xưởng sản xuất hoạt động trên đất gây ô nhiễm môi trường...

 
Vừa qua, báo Phụ nữ Thủ đô nhận được phản ánh của hơn 90 hộ dân sống tại Tổ dân phố 43 phường Văn Chương, quận Đống Đa về việc hàng loạt các xưởng sản xuất hoạt động trên đất của Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Mặc dù, người dân đã nhiều lần phản ánh đến công ty và chính quyền địa phương nhưng đến nay, mọi việc vẫn chưa được giải quyết.
 
Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường được Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng cho thuê 13.474m² đất tại số 460 phố Trần Quý Cáp, thời hạn thuê 10 năm từ ngày 1/1/1996 để phục vụ hoạt động sản xuất.
 
Trước đây, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ ngành đường sắt Việt Nam. Theo yêu cầu của Thành phố, các xí nghiệp sản xuất công nghiệp phải chuyển ra ngoài nội đô nên năm 2008, công ty di dời về huyện Thường Tín. Phần đất tại 460 Trần Quý Cáp được công ty cho một số doanh nghiệp, nhà xưởng thuê để mở xưởng in ấn, giặt là, sản xuất nước ngọt.
 
Điều đáng nói là các nhà xưởng hoạt động suốt ngày đêm gây tiếng ồn lớn. Hàng ngày, nước thải hóa chất từ các xưởng giặt là không qua xử lý chảy qua cống của khu tập thể bốc mùi nồng nặc. Ngoài cổng và phía trong sân của công ty, ngổn ngang các đống phế liệu, đồ dễ gây cháy.
 
Nhiều năm sống chung với ô nhiễm - ảnh 1
Hoạt động tại các nhà xưởng thuê trên đất công ty vẫn hoạt động bình thường

 
Ông Nguyễn Văn Tiến - đại diện Hội Cựu chiến binh phường Văn Chương cho biết, nhiều lần đã xảy ra cháy tại khu vực nhà xưởng cho thuê. Gần đây nhất là cuối năm 2018, tại khu vực xưởng in ấn, giặt là đã xảy ra sự cố chập điện gây cháy. Rất may, đám cháy được kịp thời dập tắt trước khi lan sang nhà dân. Điều này khiến người dân không khỏi lo lắng nếu các nhà xưởng cứ tiếp tục hoạt động nhưng không chấp hành các quy định về PCCC thì việc bà hỏa ghé thăm là điều không tránh khỏi.
 
Ông Bùi Tuấn Vượng - tổ trưởng Tổ dân phố 43 Văn Chương cho biết thêm, thời gian gần đây, do các nhà xưởng đẩy mạnh sản xuất nên mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Hàng loạt người dân tại dãy nhà A1, A2 của khu tập thể giáp ranh khu đất mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. 
 
Được biết, theo nội dung văn bản số 1923/UBND - TNMT ngày 16/10/2018 của UBND quận Đống Đa báo cáo Thành phố các công ty tư nhân thuê đất để sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường như xả nước thải vào nguồn nước. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định, chất lượng nước thải của các doanh nghiệp, nhà xưởng thuê đất tại Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường cũng không đạt theo quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố. UBND quận Đống Đa đã ban hành quyết định xử phạt đối với các doanh nghiệp, nhà xưởng xả thải ra môi trường. Đồng thời, Quận cũng yêu cầu Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường đôn đốc việc chấp hành quyết định xử phạt của đơn vị này nhưng Công ty không thực hiện. 
 
Mới đây, trao đổi với phóng viên, ông Phan Đường Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phường Văn Chương cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân tổ dân phố 43 Văn Chương, UBND phường đã chỉ đạo Công an phường kết hợp cùng cán bộ cơ sở kiểm tra, yêu cầu các hộ doanh nghiệp, nhà xưởng đang hoạt động tại 460 Trần Quý Cáp ký cam kết phòng chống cháy nổ cũng như có các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Các trường hợp không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, tổ công tác đã yêu cầu bằng văn bản các cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục. Đồng thời, UBND phường tiếp tục báo cáo quận Đống Đa để có giải pháp xử lý đối với Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường. 
 
Ông Tuấn Anh cho biết thêm, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa Công ty CP xây lắp và Cơ khí cầu đường vào kế hoạch thanh tra đối với các cơ sở quản lý sử dụng đất không đúng mục đích và vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Hiện tại vẫn chưa có kết luận của thanh tra.
 
Thực tế thời gian qua, nhiều vụ cháy nổ liên quan đến các nhà xưởng sản xuất hoạt động cạnh khu dân cư, nhưng chưa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống cháy nổ gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng đối với người dân. Câu hỏi đặt ra ở đây: “Vì sao việc Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường đã di dời ra ngoại thành Hà Nội để hoạt động sản xuất từ hàng chục năm nay nhưng vẫn quản lý và cho thuê lại khu đất tại 460 Trần Quý Cáp?”.
 
Trong khi chờ kết quả thanh tra từ Sở Tài nguyên và Môi trường và ý kiến chỉ đạo của Thành phố, đề nghị chính quyền, đặc biệt là quận Đống Đa tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc Công ty CP Xây lắp và Cơ khí cầu đường thực hiện các nghĩa vụ cũng như các doanh nghiệp, nhà xưởng hoạt động trên đất của Công ty và phải có giải pháp để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động.
 
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc vào những số báo tiếp theo.
 
Tuệ Liên

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.