Giữ “tuổi thơ” từ tò he

Chia sẻ

PNTĐ-“Được voi đòi tiên” ở Xuân La đó là câu thành ngữ “ngành” của làng nghề tò he Xuân La, (voi, tiên đều chỉ tò he) xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

 
Về sau thành ngữ này đã đi sâu vào đời sống người dân Việt để mô tả một tính cách của con người.
 
Giữ “tuổi thơ” từ tò he - ảnh 1

 
Từng có một người du khách người nước ngoài hỏi tôi rằng “trẻ con ngày xưa các bạn hay chơi trò chơi gì”, tôi cũng kể ra một lô rất nhiều trò như ô ăn quan, chơi con quay, bịp mắt bắt dê… Rồi, tôi nhớ ra tò he, một món đồ chơi tuyệt vời của ông cha ta ngày xưa.
 
Nhưng không phải tò he được làm ở mọi miền đất nước mà cũng có nơi “phát tích” của nó.
 
Cách đây khoảng ba bốn trăm năm, nghề nặn tò he khởi nguồn từ làng Xuân La, cái tên ban đầu được đặt theo tiếng “toe toe” thổi kèn của trẻ con sau đọc chệch sang là tò he. Theo nghệ nhân Chu Tiến Công “Xuân La là làng nghề khởi nguồn nghề nặn tò he, một số nơi nay cũng làm thì đều là học trò từ Xuân La mà ra cả”.
 
Chia sẻ về nghề, nghệ nhân Chu Tiến Công nói: Nghề tò he lúc hưng lúc suy, lúc suy nhất chính là lúc đói nhất vì tò he được làm bằng gạo nếp mà khi đất nước chiến tranh gạo ăn không có lấy đâu ra gạo làm tò he để chơi, may mà nhà tôi lúc đó vẫn làm cầm chừng và duy trì được đến ngày nay. Nhớ lại cái ngày giấu gạo nặn tò he, con cái thì đói mà thấy thật xao lòng, đứng trước hai sự lựa chọn may mắn sao giờ vẫn còn giữ được nghề truyền thống.
 
Giữ “tuổi thơ” từ tò he - ảnh 2
Nghệ nhân Chu Tiến Công (trái) trình diễn nặn tò he tại Lễ hội vinh danh làng nghề Hà Nội 2016.

 
Theo chân người nghệ nhân già tham quan làng Xuân La, ngôi làng cổ với cảnh quê thôn dã như bao ngôi làng Bắc Bộ khác. Tuy được gọi là làng nghề nhưng hiện số hộ làm nghề trong làng chắc chưa đến 1/5 vì lợi nhuận nghề nặn tò he mang lại khá thấp. Mỗi con tò he chỉ có giá từ 5 đến 7 ngàn, con nào kỳ công lắm thì lên đến 20 ngàn mà tiền cơm với bột màu cũng chiếm phân nửa. Chưa tính đến vào mùa hanh khô tò he thường cứng và nứt vỡ có khi còn gây lỗ cho người nặn tò he. Cực chẳng đã, tò he vẫn sống trong lòng mỗi người con Xuân La như một nghề cao quý.
 
Khi nặn hình các danh nhân lịch sử như Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi… người nghệ nhân có nhiệm vụ giảng giải về lịch sử cho trẻ em quan sát, vì vậy mà ẩn sau mỗi con tò he là một bài học, một bài dạy cho con cháu tự hào về cha ông mình. Tò he trở thành món đồ chơi dân gian đi sâu vào đời sống nhân dân và được thể hiện qua 4 câu thơ dân gian:
 
Tò he cô bán mấy đồng
Tôi mua một cái cho chồng tôi chơi
Chồng tôi đánh vỡ đánh rơi
Tôi mua cái nữa tôi chơi một mình
 
Tò he không chỉ chơi được, ngắm được mà còn có thể ăn được vì những chất tạo màu đa phần đều an toàn. Ví dụ như màu đen tạo từ tro bếp, màu vàng tạo từ gừng, màu tím tạo từ bắp cải tím, màu cam tạo từ củ cà rốt… Đối với những người nghệ nhân già cả đời cặm cụi với nghề như nghệ nhân Công thì việc sử dụng phẩm màu hóa học nặn tò he là một việc làm “thất đức” bởi lẽ đối tượng phục vụ là trẻ nhỏ, làm vậy không khác gì hủy hoại chính con cháu của mình.
 
Giữ “tuổi thơ” từ tò he - ảnh 3

 
Xã hội phát triển, người làm tò he cũng bắt nhịp thời cuộc và thị hiếu của khách hàng. Nếu như những năm trước nghệ nhân thường nặn các con giống, nhân vật dân gian thì nay nghệ nhân nặn rất nhiều hình thù hiện đại như Đô rê mon, Pi ka chu, 4 thầy trò Đường Tăng, cầu thủ bóng đá… kích thước cũng có nhiều khổ hơn, màu sắc được phối ngẫu hứng và đa dạng. Nghề nặn tò he là một nghề sáng tạo và tỉ mỉ, người nghệ nhân có thể nặn theo ý thích của trẻ nhỏ và sáng tác tác phẩm tức thì miễn sao đáp ứng nhu cầu của khách. Tuy vậy giá cả không hè bị đắt lên, bởi khách hàng chủ yếu là trẻ nhỏ, nặn cho trẻ cũng không khác nào tặng trẻ món quà, tặng chút tình yêu thương.
 
Đa phần những người nặn tò he Xuân La đều kẽo kẹt trên chiếc xe đạp để đi tứ xứ nặn tò he. Đặc biệt là những khu vui chơi đông trẻ em, thu nhập chẳng là bao nhưng họ vẫn đi vì miếng cơm manh áo. Còn ngay tại Xuân La, bây giờ cũng bắt đầu hình thành Câu lạc bộ nặn tò he của làng và truyền dạy cho lớp trẻ, nhưng số lượng còn hạn chế. Ước vọng của nghệ nhân Công là sẽ sớm cho xây dựng một nhà lưu niệm về các tài liệu, sưu tầm về làng nghề, khu biểu diễn nặn tò he để quảng bá bới du khách đến thăm làng.
 
Sau khi nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú do Chủ tịch Nước tặng năm 2015, ông Công đã tích cực dạy lại nghề cho thanh niên trong làng, mỗi tuần ông dành 3 buổi lên tầng 2 trường mầm non xã để dạy các cháu nhỏ, lương bổng chế độ chẳng có chỉ có cái tâm của người nghệ nhân già. “Nếu như có khu trưng bày sản phẩm và xe buýt đến làng thì tôi nghĩ sẽ có nhiều khách du lịch đấy, khi đó đời sống người Xuân La chúng tôi cũng khấm khá lên đôi chút” người nghệ nhân tâm sự.
 
 
Nguyễn Văn Công

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.