Cha mẹ sống riêng càng... tiện lợi

Chia sẻ

PNTĐ-Khác với quan niệm phải sống chung với con cái khi về già, một bộ phận bố mẹ cho rằng nên sống riêng để cuộc sống của mình tiện lợi hơn..

 
Khác với quan niệm phải sống chung với con cái khi về già, một bộ phận bố mẹ cho rằng nên sống riêng để cuộc sống của mình tiện lợi hơn. Bởi trong thời kinh tế thị trường, cha mẹ dù sống riêng với con cháu vẫn cô đơn từ sáng đến tối, tuổi già cậy nhờ vào giúp việc nhiều hơn là con cháu.
 
Cha mẹ sống riêng càng... tiện lợi - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Thoải mái hơn khi không sống chung với con cháu
 
Nhà có hai cậu con trai nhưng cưới vợ cho các con xong là vợ chồng bà Lê Thị Thu Hòa (Hai Bà Trưng, HN) cho các con ra ngoài sống riêng. Ông bà từ bỏ quan niệm sống già với con cháu sau khi chứng kiến bạn bè, người quen của mình đã và đang trải qua cuộc sống ấy không vui vẻ gì. Thậm chí, ông bà còn thấy bất tiện cho cuộc sống tuổi già, bởi nếp sinh hoạt của con cháu không phù hợp.
 
Vợ chồng bà là công chức nhà nước, về hưu, muốn sống an nhàn bên nhau sau những năm tháng vất vả lo cho các con. Hai cậu con trai lấy vợ, ông bà đều đề xuất cho các con dọn ra ngoài sống riêng cho thoải mái. Nếu chưa mua được nhà, ban đầu có thể tạm thời thuê nhà ở, các con của bà cũng đồng ý với chuyện không sống chung với bố mẹ sau khi cưới. Chúng chỉ nhờ ông bà hỗ trợ trông cháu thời gian các cháu chưa đi lớp. Khi mấy đứa cháu lần lượt đi nhà trẻ, ông bà sống nhàn nhã với tuổi già. 
 
Chuyện kinh tế sống già, ông bà chủ động tích lũy khi còn trẻ cộng thêm với khoản lương hưu hàng tháng, họ sống không phụ thuộc vào con cháu. 
 
- Nhiều người quan niệm già là phải sống chung với con cháu mới đúng, nhưng chúng tôi thì cho rằng khi hai thế hệ không cùng quan niệm sống mà sống chung sẽ bất tiện cho cả hai. Cuộc sống như thế sẽ khiến cho bố mẹ và con cái không hài lòng về nhau, nảy sinh mâu thuẫn, mất tình cảm. Bà hàng xóm nhà tôi sống chung với con cháu nhưng suốt ngày sang đây than thở giống như bị "bỏ rơi" tối ngày. Bởi chúng đi từ sáng đến tối, cơm bà nấu sẵn có bữa chúng về ăn, có bữa chúng ăn ở bên ngoài mới về. Thức ăn bỏ đi thì phí nên bà cứ ăn mấy bữa liền, mất vị không ngon mà vẫn phải ăn.
 
Suốt ngày, bà mang tâm trạng bực bội vì sống chung mà con cháu ít hỏi han, quan tâm bà mệt hay khỏe, rồi quay sang giận dỗi con trai, quát mắng con dâu, khiến không khí gia đình lúc nào cũng căng như dây đàn. Nếu sống chung như thế cũng chẳng hạnh phúc tý nào. Tôi bảo bà cứ sống riêng với con cháu, nếu không có điều kiện sống riêng bên ngoài thì sống riêng khi chung một nhà cũng được. Mình nấu ăn riêng cho chủ động đỡ phải vất vả chợ búa lo cho con cháu, rồi vò võ ngồi đợi bữa cơm trong tâm trạng bực bội. Bà thích ăn gì cứ nấu ăn đúng bữa cho ngon lành, sau đó ra ngoài tham gia các câu lạc bộ, giao lưu cho vui vẻ. Chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa của con cháu cứ để chúng về lo. Lâu nay thực hiện theo lời khuyên của tôi, bà sống vui vẻ hẳn, con cháu cũng thoải mái hơn - bà Hòa kể. 
 
 Bà Lê Thị Ngần (Gia Lâm, Hà Nội) trở thành một bà mẹ "lập dị" trong mắt mọi người khi tuyên bố về già không sống chung với con cháu. Khỏe mạnh, bà sẽ sống một mình, ốm đau thì thuê giúp việc. Cho nên, hai cậu con trai trưởng thành, lấy vợ, xây được nhà biệt thự lớn ở trên phố, cuộc sống khá giả, nhiều lần họ về đón mẹ lên sống cùng nhưng bà nhất quyết không đi. Bà bảo sống ở quê có bạn bè để giao lưu thoải mái hơn cuộc sống ở phố ra đóng cửa vào đóng cửa im ỉm tối ngày. Mấy lần, bà lên chơi với con cháu, thấy chúng sáng thì đi, tối về thì cắm cúi vào máy tính điện thoại, sự quan tâm duy nhất chúng dành cho bà là chào khi đi, hỏi bà khi về nhà.
 
Bà đi đâu ra phố cũng sợ xe cộ, nhà cửa lúc nào cũng trong tình trạng sợ kẻ gian vào nên không tiếp xúc giao lưu với người lạ. Nếp sống đó bà không quen. Chi bằng, con cháu cứ sống theo ý của chúng, bà sống theo nếp làng xã ở quê dễ chịu hơn. Bà cũng tính kỹ, nếu sau này đau ốm, con cháu cũng chẳng thể túc trực chăm sóc mình ngày đêm vì bận học hành, làm ăn, người chăm sóc mình chính là giúp việc. Vì vậy, bà sống ở quê với giúp việc cũng tốt, con cháu thỉnh thoảng về thăm là được rồi. Tính như thế, bà thấy cuộc sống già của mình ổn thỏa hơn. 
 
Thay vì “cậy con”, nên chủ động cuộc sống tuổi già
 
Thời hiện đại, số người già có quan niệm chủ động cuộc sống già của mình thay vì cậy nhờ con cháu ngày một tăng lên. Xu hướng sống riêng, hoặc sống gần con cháu thay vì sống chung một nhà được các bậc bố mẹ lựa chọn. Nhiều bậc bố mẹ đã ý thức được việc chủ động sống già ngay từ thời còn trẻ. Khi con cái lập gia đình, họ đề xuất việc sống riêng. Thậm chí, có những người còn xác định sống già trong các trung tâm dưỡng lão, dù con cháu vẫn còn. 
 
Cha mẹ sống riêng càng... tiện lợi - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
Sau khi chồng mất, bà Lê Thị Mận đã bán nhà và mang lương hưu vào một trung tâm dưỡng lão tư nhân để sống. Quyết định này của bà khiến con cháu bị sốc. Bởi họ cho rằng việc bà vào trung tâm dưỡng lão sống trong khi con cháu vẫn đầy đủ là điều... bất thường. Nó đồng nghĩa với việc con bà bất hiếu không phụng dưỡng mẹ khi về già. Nhưng, bà phân tích cho con cháu rằng đây là quyết định "hợp lý" cho cả bà lẫn con cháu. Bởi, bà già rồi nếp sống không phù hợp với giới trẻ, sống chung sẽ gây bất tiện cho cả hai.
 
Nếu sống với con cháu, bà cũng sẽ cô đơn từ sáng đến tối trong nhà một mình, không được giao lưu với bạn bè cùng lứa tuổi vì các con đều sống ở chung cư, toàn người trẻ không có người già. Vào trung tâm dưỡng lão, bà có bầu bạn tâm sự, việc ăn uống đã có người lo. Con cháu rảnh thì vào thăm bà thường xuyên. Như vậy, cả bà và con cháu đều yên tâm về nhau, sống vui vẻ. Ban đầu, bà vào đó, con cháu cũng thấy áy náy nhưng sau thấy bà sống vui khỏe, họ cũng yên tâm.
 
Ngày lễ, Tết, bà rời trung tâm về sống với con cháu một hai tuần rồi lại quay vào. Mỗi lần đến thăm bạn già nào đang sống cùng con cháu, bà cũng kể về cuộc sống của mình ở trung tâm dưỡng lão thoải mái, còn khuyên họ nên vào đó sống cho vui.  
 
Tương tự, ông Vũ Đình Lân (70 tuổi, Thái Bình) cũng mang lương hưu vào sống già ở trung tâm dưỡng lão thay vì theo con ra thành phố sống. Cậu con trai duy nhất của ông học xong ở lại thành phố lập nghiệp, lấy vợ sinh con. Sau khi vợ mất, ông cũng tính sống già một mình ở quê nhưng con cháu cứ về nài nỉ đón ông lên phố sống cùng. Từ chối không được, ông đồng ý ra phố sống cùng con cháu. Nhưng sống với chúng được gần 2 năm, ông thấy cuộc sống già của mình giống như "tù giam lỏng". Cả ngày quanh quẩn với ti vi, chẳng đi đâu, giao lưu được với ai vì ông bị bệnh parkinson.
 
Một lần, ông xem trên ti vi chiếu cảnh người già sống trong nhà dưỡng lão. Ông lên mạng tìm hiểu, thấy cuộc sống ở đó phù hợp với hoàn cảnh của mình. Ông nói với con cháu thử cho mình vào đó sống vài tháng có ổn không. Con cháu ông ban đầu cũng e ngại nhưng thấy ông tha thiết nên chiều bố. Không ngờ, vào đó sống, ông khỏe lên vì có bạn bè tâm sự, lại có dịch vụ chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Từ đó, ông bàn với con cháu chuyển lương hưu bộ đội về hưu của ông vào trung tâm dưỡng lão để ông sống già ở đó luôn. Từ ngày, ông vào đó sống con cháu cũng yên tâm làm việc không phải lo nghĩ chuyện chăm sóc ông hàng ngày, bớt đi sự phiền toái khi thuê người giúp việc chăm ông sống trong nhà. 
 
Chúng ta đang bước vào thời kỳ già hóa dân số, vì vậy vấn đề chủ động cuộc sống tuổi già rất đáng quan tâm. Cùng với đó, cuộc sống hiện đại cũng đang khiến cho cuộc sống gia đình đang dần thay đổi. Mô hình gia đình truyền thống đang mai một dần, thay thế vào đó là gia đình hạt nhân.
 
Theo đó, bố mẹ và con cái sống riêng độc lập với nhau thay vì sống chung dưới một mái nhà với nhiều thế hệ. Nếp sống tuổi già, tuổi trẻ khác nhau, nếu sống chung phải có sự dung hòa, nỗ lực, thậm chí "hi sinh" từ cả hai phía mới có thể hòa thuận. Nếu không, cuộc sống sẽ trở nên áp lực, gây mệt mỏi cho cả bố mẹ già lẫn con cháu. Và, sống riêng, sống gần với con cháu thay vì sống chung đang là xu hướng sống già của các bậc cha mẹ thời hiện đại.
 
Cả bố mẹ và con cái cần có cái nhìn đúng đắn về bản chất của cuộc sống già: Đó là được sống vui vẻ, khỏe mạnh, giữ gìn được giá trị đạo đức lối sống trong gia đình. Bố mẹ có thể sống chung, sống riêng tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, không nhất thiết cứ phải áp đặt lối sống "già cậy con" để rồi khiến bản thân và con cháu rơi vào tình thế sống bất tiện, không hạnh phúc.
 
 
Duy Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.