Gia đình tốt thì xã hội mới tốt

Chia sẻ

PNTĐ-Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách, hoạt động quan tâm đến công tác xây dựng gia đình. Để gia đình thật sự là một tế bào khỏe mạnh của xã hội...

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy muốn xây dựng CNXH thì phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách, hoạt động quan tâm đến công tác xây dựng gia đình. Để gia đình thật sự là một tế bào khỏe mạnh của xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển, công tác xây dựng gia đình đã được chú trọng, các chiến lược phát triển gia đình đã có tầm nhìn dài hạn.
 
Có thể kể tới: Chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình; Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020… Công tác chăm lo đời sống kinh tế gia đình cũng được quan tâm bằng những chính sách ưu đãi cho các hộ nghèo, phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình…
 
Trong quá trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước, đời sống gia đình bị tác động bởi cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Trên một bình diện mới, đời sống gia đình đã được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được phát động rộng rãi và được người dân tích cực ủng hộ, vào cuộc.
 
Hàng năm, hoạt động tôn vinh các gia đình văn hóa mẫu mực diễn ra đều đặn cho thấy công tác xây dựng gia đình đã nhận được sự đồng thuận của mỗi gia đình, mỗi tổ chức, đoàn thể xã hội. Những mô hình gia đình mẫu, các câu lạc bộ điểm… của các cấp đoàn thể đã được nhân rộng điển hình, tạo nên phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng sâu rộng. Điển hình như phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Hà Nội trong những năm qua luôn gắn liền với tiêu chí “Người Hà nội văn minh, thanh lịch”.
 
Việc phát động nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa được thực hiện bằng hình thức đăng ký tại tổ dân phố và tại gia đình. Song song với đó, việc tuyên truyền và triển khai các phong trào xây dựng gia đình văn hóa theo các tiêu chuẩn cụ thể, đưa vào hoạt động các câu lạc bộ văn hóa gia đình ở các khu dân cư được thành phố chú trọng.
 
Trong đó phải kể đến các phong trào, mô hình, câu lạc bộ xây dựng gia đình văn hóa, văn minh, tiến bộ của Hội LHPN Hà Nội đã có sức lan tỏa lớn. Trong cuộc vận động xây dựng “gia đình 5 không 3 sạch”, Hội đã tổ chức những cuộc tọa đàm “Vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, xây dựng các mô hình câu lạc bộ (CLB) điểm như: “Phụ nữ phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội từ gia đình”, CLB mẹ chồng- nàng dâu, CLB các bà mẹ trẻ…
 
Hàng năm đều tổ chức hội nghị tập huấn cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa trong gia đình, xây dựng các mối quan hệ gia đình hòa thuận, tốt đẹp, trách nhiệm của các thành viên gia đình trong việc xây dựng gia đình văn hóa, nói không với bạo lực.
 
Tổ chức các hội thi tìm hiểu về chính sách, pháp luật gia đình như: Hội thi tìm hiểu Luật Hôn nhân gia đình, Hội thi tìm hiểu và xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc… Nhìn chung phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã làm thay đổi và có tác động sâu sắc đến việc củng cố, giữ gìn gia phong của mỗi gia đình.
 
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận một thực tế là đời sống gia đình đang chịu tác động lớn trước ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường. Tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội.
 
Những biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân với người nước ngoài đang làm cho xã hội lo lắng. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thuỷ chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp. Những xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức. Tệ nạn xã hội như: ma tuý, cờ bạc, rượu chè, mại dâm và nạn dịch HIV/AIDS đang thâm nhập vào các gia đình. Bạo hành trong gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng...
 
Điều đó đã khiến cho đạo đức gia đình bị xuống cấp khiến cho tình trạng bạo lực gia đình gia tăng với mức độ nghiêm trọng hơn. Cùng với đó, sự phát triển của khoa học công nghệ, xu thế hội nhập cũng đang đặt gia đình trước những thách thức lớn. Tình trạng công nghệ, internet, mạng xã hội đang chi phối cuộc sống gia đình, khiến cho các mối liên kết tình cảm trong gia đình trở nên lỏng lẻo dần. Những giá trị gia đình truyền thống dần bị mai một, đẩy gia đình vào những nguy cơ đổ vỡ…
 
Trước thực trạng ấy đòi hỏi công tác xây dựng gia đình cần tiếp tục đẩy mạnh, cần sự chung tay vào cuộc từ mỗi cá nhân trong gia đình và toàn xã hội hơn nữa. Công tác giáo dục gia đình phải được chú trọng và sâu sát hơn để cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống, như:
 
Kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng. Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Đồng thời, chúng ta phải xác định đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững, xây dựng gia đình phải luôn gắn với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Chỉ khi gia đình thật sự phát triển, tiến bộ, văn minh thì mới thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH của đất nước thành công.
 
 
Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.