Mô hình điều trị tâm thần ban ngày: Giảm chi phí cho người bệnh

Chia sẻ

PNTĐ-Rối loạn sức khỏe tâm thần là một trong những biểu hiện phổ biến của con người trong xã hội hiện đại. Điều trị hiệu quả các rối loạn này, không nhất thiết bệnh nhân phải nằm nội trú...

 
Rối loạn sức khỏe tâm thần là một trong những biểu hiện phổ biến của con người trong xã hội hiện đại. Điều trị hiệu quả các rối loạn này, không nhất thiết bệnh nhân phải nằm nội trú, mà có thể vừa đi làm, tham gia các hoạt động cộng đồng, vừa tới bệnh viện điều trị theo mô hình ban ngày.
 
Mô hình điều trị tâm thần ban ngày: Giảm chi phí cho người bệnh - ảnh 1
Bác sĩ bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương điều trị cho bệnh nhân

Theo TTƯT.TS.BS Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (BV Mai Hương): Thống kê cho thấy, Việt Nam có khoảng 25-30% dân số mắc các rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, con số này có thể lớn hơn rất nhiều. Nguyên nhân do người bệnh chủ quan, nghĩ rằng đau đầu, chán nản… chỉ là dấu hiệu mệt mỏi của cơ thể chứ không liên quan tới tâm thần, không quá nghiêm trọng tới mức phải điều trị. Nhưng thực tế, đau đầu, mất ngủ có thể là những triệu chứng khởi đầu của các rối loạn về sức khỏe tâm thần như: trầm cảm, lo âu… sau này. 
 
Đơn cử một trường hợp bệnh nhân D (17 tuổi, trú tại Hà Nội), được gia đình đưa tới BV Mai Hương khám do có dấu biệu bất thường: hành động lặp đi lặp lại, hay lo âu, khó tập trung, tiếp thu bài giảng trên lớp kém… Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bệnh nhân D bị hội chứng ám ảnh sợ. “Những biểu hiện trên của bệnh nhân D tưởng nhẹ, không nguy hiểm nhưng rất khó chữa, dễ dẫn đến tàn phế về sức khỏe tâm thần, lâu dần tiến triển thành mãn tính.
 
Trong khi đó, một bệnh nhân loạn thần do rượu, khi gặp cơn hoang tưởng cấp có thể nảy sinh hành vi nguy hiểm như cầm dao đâm chém người. Nhìn qua thì thấy biểu hiện bệnh ở người nghiện rượu rất nghiêm trọng; nhưng về bản chất, bệnh có thể khỏi hoàn toàn, không tái lại nếu bệnh nhân được cách ly, điều trị đúng, ngừng uống rượu, cai rượu và không uống trở lại…” - TS.BS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
 
Tại BV Mai Hương, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 200 - 250 bệnh nhân rối loạn tâm thần các loại tới điều trị ban ngày, khám lấy thuốc, xin tư vấn như: người có biểu hiện rối loạn tâm thần nhẹ (đau đầu, mất ngủ, trầm cảm, lo âu…); trẻ em bị rối loạn sự thích ứng (chỉ hòa nhập trong một môi trường nhất định); chứng động kinh; rối loạn tâm thần do sử dụng chất kích thích (rượu, ma túy…) và do nghiện hành vi (nghiện game, cờ bạc)…
 
Đây là những bệnh được điều trị hiệu quả, thậm chí có thể chữa khỏi hẳn tại bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương. Người bệnh không phải nằm viện 24/24 giờ, mà có thể linh hoạt vừa đi làm vừa tới bệnh viện điều trị vào khung thời gian phù hợp; bệnh nhân được chăm sóc y tế đầy đủ và vẫn duy trì các mối quan hệ xung quanh.
 
TS.BS Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm: Trên thế giới mô hình bệnh viện tâm thần ban ngày (bán trú) rất phổ biến. Điểm đặc biệt của mô hình điều trị này ở chỗ: Bệnh nhân chỉ đến bệnh viện để điều trị vào ban ngày, sau đó trở về với gia đình. Như vậy, bệnh nhân không phải tách khỏi môi trường sống quen thuộc của mình, không tách khỏi cộng đồng. Nhờ đó họ bớt cảm giác tự ti, mặc cảm rằng mình là người bệnh tâm thần; đồng thời tạo ra sự thông cảm của người xung quanh; đỡ chi phí cho cả bệnh nhân và bệnh viện...
 
Đặc biệt với các bệnh nhân điều trị rối loạn tâm thần do nghiện chất, nghiện hành vi, điều trị theo mô hình ban ngày rất hiệu quả. Bởi những bệnh nhân này thường rơi vào vòng luẩn quẩn: Nghiện - rối loạn tâm thần (trầm cảm, hoang tưởng, lo âu, muốn tự sát…) - tiếp tục nghiện. Nên muốn điều trị thành công, đòi hỏi phải có sự phối hợp hóa dược với các liệu pháp tâm lý, các biện pháp can thiệp xã hội giúp chăm sóc sức khỏe tâm thần và cắt đứt vòng tròn bệnh lý trên.
 
Như trường hợp bệnh nhân Lê Quang T (26 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) tới BV Mai Hương điều trị chứng hoang tưởng do sử dụng ma túy đá (bệnh nhân thường xuyên đập phá đồ đạc trong gia đình vì nghĩ tâm trí đang bị người khác kiểm soát). Thay vì phải nằm viện nội trú, mỗi ngày bệnh nhân chỉ phải có mặt tại bệnh viện từ 8 - 16h để tiêm truyền, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Thời gian còn lại, bệnh nhân trở về nhà, tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Sau 2 năm điều trị, tới nay, bệnh nhân T đã cai nghiện hoàn toàn, sức khỏe tâm thần ổn định, và chỉ phải đến bệnh viện tái khám 1 lần/ tháng.
 
Thảo Hương 

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...