Hàng giả, hàng nhái bủa vây người tiêu dùng

Chia sẻ

PNTĐ-Với thủ đoạn tinh vi, cách thức làm giả như… thật, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đang len lỏi trên thị trường khiến nhiều người tiêu dùng dính “bẫy”.

 
Hàng giả, hàng nhái bủa vây người tiêu dùng - ảnh 1
Lực lượng liên ngành TP thu giữ số lượng lớn chai sa tế được làm giả tinh vi

 
Bỏ tiền thật, mua hàng giả
 
Tại chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân), chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa), chợ Mun (Đông Anh)... khách hàng chỉ cần bỏ ra hơn 100 ngàn là có thể sắm được các loại phấn, son, chì kẻ mắt được gắn mác hàng hiệu như Shiseido, Lancome, Ohui, Dior. Hoặc đơn giản chỉ với 10.000 đồng, khách hàng có thể mua một đôi tất hiệu Uniqlo trong khi giá chính hãng là 150.000 đồng/đôi…   
 
Chợ Mun, xã Kim Chung (huyện Đông Anh) là nơi cung cấp thực phẩm, hàng hóa cho hàng vạn công nhân Khu công nghiệp Thăng Long và người dân trong xã. Khu vực bán hàng quần áo, giày dép luôn đông khách ra vào mua sắm. Buổi chợ cuối tuần qua, chỉ cần hơn 200.000 đồng là chị Nguyễn Hoàng Nga, thôn Bầu đã mua cho ông xã chiếc áo phông có hình con cá sấu đặc trưng của Lacoste; bộ quần áo HM cho con trai và đôi dép sục nhựa đi mùa mưa nhái nhãn hàng Crocs. Chị Nga thừa nhận, biết là hàng nhái, hàng giả nhưng vẫn tự nguyện mua sắm cũng bởi giá cả hợp lý, phù hợp túi tiền. Với tâm lý như vậy, cứ đến cuối tuần, ở các khu chợ bình dân như chợ Mun, khách mua hàng khá tấp nập, đông đúc.
 
Không chỉ kinh doanh, việc sản xuất các mặt hàng giả, hàng nhái ở một số cơ sở nhỏ lẻ được thực hiện với nhiều thủ đoạn tinh vi và công khai. Khi đợt nắng nóng đầu mùa hè 2019 xuất hiện là thời điểm tổ công tác của phòng Cảnh sát môi trường (CATP Hà Nội) và Công an quận Đống Đa phối hợp và kiểm tra cơ sở sản xuất nước Lavie giả  do Nguyễn Văn Toàn tổ chức.
 
Không phải bỏ ra hàng tỷ đồng để nhập dây chuyền công nghệ, trên nền nhà vệ sinh chỉ rộng vài mét vuông ở căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con ngõ ở phường Quang Trung, Toàn cùng hai “trợ thủ” mua nước uống đóng chai rẻ tiền rồi đổ thủ công vào bình 19L, dán tem giả thương hiệu Lavie, dùng máy tạo nhiệt khò vào chụp bình đóng kép siu. Bình nước giả được làm như… thật, khách hàng khó có thể nhận biết bằng mắt thường.
 
Vì thế, mỗi ngày đối tượng này dễ dàng tiêu thụ gần 100 bình nước giả thương hiệu nổi tiếng cho một số trường học, phòng khám, bệnh viện và ngân hàng trên địa bàn Hà Nội. Dù là tự nguyện hay bị lừa mua hàng giả, khách hàng đều chịu hậu quả: bỏ tiền thật, dùng hàng giả, kém chất lượng, có thể gây nguy hại đến sức khỏe. 
 
Nhọc nhằn chống hàng giả, hàng nhái
 
Số lượng vụ việc bị phát hiện, thu giữ do sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ từ mấy năm nay duy trì ở mức từ 3.000 - 4.000 vụ/năm.
 
Tuy nhiên, theo ông Chu Xuân Kiên - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Hà Nội, dù xử lý nhiều nhưng kết quả đó chưa thể phản ánh hết thực tế vi phạm. Có nhiều vướng mắc đang tồn tại như quy định pháp luật chồng chéo và chưa thống nhất (khái niệm hàng giả được quy định trong nhiều văn bản khác nhau) đã khiến cơ quan chức năng lúng túng trong xác định trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý; công tác giám định hàng giả, hàng nhái rất khó khăn do phải kiểm định, đối chứng và giám định mất nhiều thời gian trong khi các cơ quan chức năng lại bị giới hạn thời hạn nên không ít trường hợp cơ quan chức năng buộc chỉ xử lý hành chính hoặc đổi tội danh. Chưa kể, mức phạt nhẹ nên có cơ sở chấp nhận phạt để tồn tại và tiếp tục… sai phạm.
 
Như cơ sở may mặc của bà Cấn Thị Thanh Nga ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức bị phát hiện làm giả hơn 5.000 sản phẩm quần, áo lót nam giả nhãn hiệu Puma, Tommy, Calvin Klein, Polo, Nike, Adidas nhưng mức xử phạt chỉ… 66 triệu đồng, không thấm tháp vào đâu so với lợi nhuận lớn thu được.
 
Bà Nguyễn Thu Hằng, Tổ trưởng ngành hàng tại chợ Hôm - Đức Viên cho biết, khó khăn là dù Ban quản lý chợ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương bán hàng đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, ký cam kết không bán hàng nhái, hàng giả nhưng việc kiểm soát bán hàng giả tại chợ vẫn rất khó vì Ban quản lý chợ không có chức năng xử lý. 
 
Lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết: Đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh nhằm ngăn chặn tận gốc như vận động, nhắc nhở và xử lý vi phạm với các tiểu thương tại phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm) - nơi chuyên buôn bán tem, nhãn, bao bì giả mạo; kiểm soát tại một số điểm nóng, trong đó có chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm)…
 
Đặc biệt, vận động chính doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, làm nhái đầu tư áp dụng mã số, mã vạch vào quản lý chất lượng hàng hóa, ngăn ngừa vi phạm sở hữu trí tuệ; kết hợp tuyên truyền giúp người dân nhận biết hàng giả, hàng nhái, mở rộng hệ thống phân phối… Được đánh giá là giải pháp khá hiệu quả chống hàng giả, hàng nhái nhưng mới có 6% trong tổng số 23.000 doanh nghiệp hiện áp dụng giải pháp này. Những thách thức trên cho thấy việc chống hàng giả hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ tại Hà Nội chưa bao giờ hết “nóng” và thực sự là cuộc chiến cam go.
 
Nhóm PV 

Tin cùng chuyên mục

Tác dụng của dược chất Cordycepin trong đông trùng hạ thảo

Tác dụng của dược chất Cordycepin trong đông trùng hạ thảo

Từ lâu, Đông Trùng Hạ Thảo đã được y học Trung Hoa sử dụng như một loại thần dược chữa bách bệnh nhờ dược chất Cordycepin quý giá của nó. Hàm lượng Cordycepin trong Đông trùng hạ thảo rất dồi dào cũng đồng nghĩa với việc loại dược liệu này đem lại nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người.
Kỳ cuối: Gỡ khó cho nhà ở công nhân

Kỳ cuối: Gỡ khó cho nhà ở công nhân

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, những người lao động (LĐ) rời các thành phố về quê gây thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sản xuất đã khiến vấn đề an cư cho công nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Chăm lo, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động

Chăm lo, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động

Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động diễn ra trong tháng 5 là thời điểm các cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp chung tay cùng tổ chức Công đoàn quan tâm, chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
“Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 với Nông Nghiệp Sạch”

“Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 với Nông Nghiệp Sạch”

Công ty Cổ phần Nông Nghiệp Sạch ngày 29/4 đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội và Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức hội nghị tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ về “Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19 với Nông Nghiệp Sạch” tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị - Quận ủy Cầu Giấy.